EVFTA: Cần sớm triển khai việc kiểm soát chất lượng hàng hóa

Chiều tối 12-2, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thông tin về việc Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Pháp vào khoảng 18 giờ chiều 12-2. Kết quả Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) nhận được 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu không ủng hộ và 40 phiếu trống. Tỷ lệ này với Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) là 407/188/53.

"Với tỷ lệ phiếu rất áp đảo với 63,33% số các Nghị sĩ của EP ủng hộ. Đây là kết quả tốt đẹp và rất có ý nghĩa đối với Việt Nam và Liên minh châu Âu"- Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: AH

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây là bước đi gần như cuối cùng để hoàn tất quy trình thủ tục pháp lý cho việc phê chuẩn một hiệp định thương mại rất quan trọng mà EU đã ký với một nước đang phát triển.

EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, để hàng hóa của Việt Nam xâm nhập được vào thị trường EU còn rất nhiều rào cản.

Do đó, Bộ trưởng cho biết trong chương trình tái cơ cấu của Chính phủ, trong đó có tái cơ cấu về xuất nhập khẩu, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cơ cấu ngành công nghiệp đã hàm chứa tất cả các giải pháp và mục tiêu để hàng hóa của Việt Nam xâm nhập được vào thị trường này.

"Điều quan trọng đặt ra bây giờ là yếu tố về mặt thời gian và tốc độ của các hoạt động cải cách. Trong đó có những nội dung hướng tới việc tái cơ cấu như chúng ta đã đề cập" -Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, khi chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc, một thị trường rất thuận lợi về khoảng cách địa lý và về cơ cấu thị trường, nhưng chỉ cần một trận dịch Crona đã gây ra ách tắc trong giao thương thương mại giữa hai bên. Do đó, sản phẩm của chúng ta vẫn theo mô hình sản xuất cũ trong sản xuất, kinh doanh, thiếu sự liên kết giữa các nhà, nhất là của doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất nông nghiệp, đầu tư, chế biến, đóng gói, phân phối, xuất khẩu.

Bộ trưởng tiếp tục lấy dẫn chứng, nếu chúng ta vẫn thiếu cơ chế quy định chặt chẽ đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với điều kiện của ATTP cũng như chất lượng sản phẩm gắn với điều kiện kiểm dịch động vật thực vật của các thị trường, nếu chúng ta không đảm bảo được những sản xuất hữu cơ của sản phẩm nông nghiệp mà tiếp tục lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc trừ sâu... thì chừng đó chúng ta sẽ còn rất khó khăn tại thị trường này cho dù ta có Hiệp định thương mại tự do với EU.

Vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cần phải sớm triển khai việc kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đặc biệt là hệ thống các hàng rào kỹ thuật để đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Bộ Nông nghiệp cần phải sớm nghiên cứu ban hành để đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp của chúng ta, đáp ứng yêu cầu chung của thương mại quốc tế.

Phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc của sản phẩm gắn với kỹ thuật và canh tác, nuôi trồng, chăn nuôi để đảm bảo các sản phẩm này đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của cả châu Âu cũng như các đối tác thương mại khác.

Cuối cùng là phải nghiên cứu quy luật thị trường để hình thành chuỗi cung ứng với sự tham gia của các doanh nghiệp để khai thác các cơ hội thị trường tại EU.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm