5 giải pháp để Việt Nam hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM nhân dịp đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng bày tỏ trăn trở: “Đất nước phát triển, đạt thành quả kinh tế cao thì thành quả ấy phải lan tỏa sâu rộng để bất kể người dân nào cũng đều được thụ hưởng”.

Tăng trưởng không còn “ăn nhờ” vào khoáng sản, đất đai

. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thành quả của năm 2019, theo bộ trưởng đâu là những điểm nhấn?

+ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Số liệu kinh tế - xã hội năm 2019 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy GDP tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra 6,6%-6,8%. Đáng chú ý, đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng như vậy là một nỗ lực lớn.

Chúng ta đã thiết lập được nền tảng cho tăng trưởng ít phụ thuộc vào khai khoáng hơn mà biến công nghiệp chế tạo, chế biến thành động lực tăng trưởng. Hay với xuất nhập khẩu, kim ngạch đạt trên 500 tỉ USD nhưng điểm khác biệt và đáng vui mừng là tốc độ tăng của khu vực kinh tế trong nước đã cao hơn khu vực FDI.

. Đạt được kết quả trên, theo bộ trưởng là do đâu?

+ Đạt kết quả đó là do sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng, Chính phủ dành cho khu vực doanh nghiệp (DN). Chúng ta biết ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt, điều hành hiệu quả nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các DN phát triển. Chính điều này đã tạo mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết giữa Chính phủ với DN, khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng của DN trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam” là một trong những hành động thiết thực lan tỏa thành quả phát triển cho những người yếu thế. Trong ảnh:  Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao “cây gậy trắng” cho người mù Việt Nam hôm 5-12-2019. Ảnh: LÊ TIÊN

Khơi thông mọi nguồn lực để phát triển bền vững

.Theo Bộ trưởng, năm 2020 Nhà nước cần làm gì để duy trì được nhịp độ tăng trưởng cao, tiếp tục tạo động lực cho phát triển?

+ Về tổng quát, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cải cách hành chính phải tiếp tục để cung cấp thông tin cho người dân, DN, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn lực, đất đai, khoa học công nghệ. Tất cả là để thu hút đầu tư, giúp DN, người dân yên tâm bỏ vốn ra đầu tư, kinh doanh, khơi thông được nguồn lực, tiềm năng của xã hội.

Tôi có thể nói rằng: Đây chính là những trăn trở của Đảng, Nhà nước trước công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước. Bởi chỉ có như thế thì Việt Nam mới chủ động hội nhập vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Khi đó mục tiêu mà chúng ta hướng tới là tăng trưởng nhanh, bền vững mới đạt được.

Về phía Bộ KH&ĐT, trước bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào thập niên mới, phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu thịnh vượng và hùng cường…, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất những định hướng và giải pháp để giải quyết các vấn đề một cách căn cơ hơn.

Tất cả cùng trăn trở

Tôi thực sự mong rằng người dân, DN sẽ luôn trăn trở cùng với Chính phủ và Thủ tướng nhằm tìm các giải pháp cho đất nước phát triển bền vững. Chỉ có như vậy thì thành quả phát triển mới lan tỏa đến mọi người, nhất là những người yếu thế trong xã hội!

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng 

. Đó là những định hướng, giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?

+ Đó sẽ là những cơ chế, chính sách hình thành DN có quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế để tạo ra một lực lượng DN đóng vai trò dẫn dắt các DN nhỏ và vừa.

 Đó sẽ là những cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo hướng lấy sản xuất, chế biến, chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng lần thứ tư để tái cấu trúc DN theo hướng bền vững, sáng tạo.

Cùng đó là xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, đạt trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp.

Một giải pháp quan trọng khác là sẽ tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển, khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh để góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời xây dựng cơ chế thúc đẩy cộng đồng DN liên kết, hợp tác, đổi mới, áp dụng công nghệ và tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.

Bảng so sánh tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2018 và 2019

Hài hòa giữa phát triển kinh tế và xã hội

. Thưa Bộ trưởng, các chỉ tiêu đã đạt được như trên nhưng nó cần phải thấm sâu vào đời sống của từng người dân…

+ Đúng thế! Tôi vẫn cho rằng nếu đất nước phát triển mà vẫn còn một bộ phận người dân, DN chưa được thụ hưởng những thành quả chung là điều đáng suy nghĩ.

Chúng ta biết dân số trung bình của Việt Nam năm 2019 là 96,48 triệu người. Tuy nhiên, cả nước hiện nay có khoảng 24 triệu người thuộc nhóm yếu thế của xã hội, trong đó có hơn 6 triệu người khuyết tật. Đây thực sự là những con số đáng để chúng ta suy ngẫm phải làm gì để đảm bảo sự phát triển lan tỏa, bền vững và hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội.

. Làm sao để mọi người, nhất là người yếu thế được thừa hưởng thành quả của phát triển, thưa ông?

+ Đây không chỉ là trăn trở của cá nhân tôi mà của cả xã hội, của Đảng và Nhà nước.

Chúng tôi cho rằng để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, các cơ chế, chính sách về người khuyết tật cũng cần phải được lồng ghép trong các chiến lược phát triển đất nước, kế hoạch, chương trình của Nhà nước... Nhưng trước hết chúng tôi đề cao tầm quan trọng của công tác xã hội và biến những hoạt động xã hội như ủng hộ người nghèo, hỗ trợ đồng bào ở những nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, giao lưu, trợ giúp những đối tượng yếu thế, người khuyết tật... thành một hoạt động thường xuyên.

Mới đây, Bộ KH&ĐT đưa ra sáng kiến và tổ chức sự kiện trao “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”. Tất cả chỉ nhằm hiện thực hóa mục tiêu vì sự phát triển của cộng đồng, đúng theo phương châm của Chính phủ và Thủ tướng về phát triển rằng: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Lao động, việc làm, thu nhập đều chuyển biến tích cực 

Tình hình lao động, việc làm năm 2019 của cả nước có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể là tỉ lệ thất nghiệp chung cả nước năm 2019 chỉ ở mức 1,98%, tỉ lệ thiếu việc làm của người lao động trong độ tuổi ước tính là 1,26%.

Xét về đời sống dân cư và an sinh xã hội năm 2019 thì đã có nhiều cải thiện. Chẳng hạn như thu nhập ước tính đã đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức 3,9 triệu/người/tháng năm 2018... 

Ông Đỗ Hà NamChủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex:

Cần bàn đạp từ dịch vụ logistics

5 giải pháp để Việt Nam hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu ảnh 3
Ông Đỗ Hà Nam

Năm 2019, các cơ quan chức năng đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), đưa ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), để đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt thì cần phải có chính sách cải thiện, phát triển dịch vụ logistics.

Hiện đang tồn tại điều vô lý khi hàng hóa từ TP.HCM đi một số nước (Singapore, Trung Quốc) chỉ mất vài ngày nhưng ra miền Trung mất cả tuần theo đường thủy, đường sắt. Vì vậy cần có giải pháp cho ngành logistics để giảm thiểu thời gian và chi phí cho DN.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNGTổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T:

Mở rộng thị trường giảm bớt phụ thuộc

5 giải pháp để Việt Nam hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu ảnh 4
Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG

Năm 2019, thị trường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chậm lại khi nước này siết chặt tiểu ngạch, trong khi xuất khẩu chính ngạch chỉ có chín loại trái cây được nhập vào thị trường này gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Trong khi tiêu chuẩn nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc cũng đã thay đổi với nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn nên chắc chắn năm 2020, lượng nông sản, nhất là trái cây xuất sang nước này sẽ giảm sút đáng kể.

Tuy nhiên, bù lại nhiều thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Nhiều loại trái cây mới của Việt Nam có “visa” xuất ngoại như xoài vào Mỹ, nhãn vào Úc, cuối năm trái vải được vào thị trường Nhật Bản. Như vậy, năm 2020 kỳ vọng sẽ có thêm nhiều loại trái cây mới mở ra nhiều đầu ra, nhiều thị trường mới, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Năm 2020, DN nông sản kỳ vọng các bộ, ngành sẽ đàm phán thành công, tháo gỡ rào cản, ký kết các hiệp định kiểm dịch thực vật đối với các nước có khả năng nhập khẩu trái cây của Việt Nam, đặc biệt là các thị trường lớn. Đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ DN và các địa phương xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm quả để ngày càng có nhiều loại, lượng trái cây xuất trong thời gian tới.

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒETổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP):

DN cần “tự sửa mình” trước thách thức từ các FTA

5 giải pháp để Việt Nam hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu ảnh 5
Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE

Năm 2020 có thể nói là năm Việt Nam chính thức tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) như đã ký kết CPTPP hay EVFTA. Các hiệp định này đã giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Các hiệp định cũng giúp DN có thêm cơ hội tổ chức lại hoạt động sản xuất đáp ứng theo các tiêu chuẩn chất lượng cao của các nước thành viên CPTPP. Đồng thời sẽ có tác động tâm lý rất lớn cho DN, mở ra khả năng phát triển hàng giá trị gia tăng.

Thế nhưng FTA cũng đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu mới với các DN thủy sản. Các DN phải nắm bắt kỹ những mặt hàng nào được giảm thuế, duy trì thuế. Từ đó có cơ sở chọn lọc mặt hàng có lợi thế cạnh tranh về thuế suất. Các DN cũng cần chú ý đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm đúng, không gian lận thương mại để hưởng thuế suất ưu đãi. Đặc biệt, sản phẩm phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

QUANG HUY ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm