Làm sao để Việt Nam đạt 10.000 USD/người, tránh tụt hậu? Việt Nam làm gì trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động?... Đây là những vấn đề thời sự được đặt ra tại “Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam” diễn ra ngày 5-12.
Khát vọng là chưa đủ
Dẫn ra báo cáo Việt Nam 2035, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Báo cáo này đã đưa ra khát vọng về thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10.000 USD/người/năm tính theo giá hiện hành.
“Khát vọng này được thực hiện thông qua chương trình cải cách thể chế và các chính sách hỗ trợ dựa trên ba trụ cột chính: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước” - Bộ trưởng Dũng nói.
Sau khi điểm qua những thách thức của thời cuộc, Bộ trưởng Dũng cho rằng: “Đây là thời điểm vàng bởi chúng ta đang đứng trước những cơ hội quý. Cơ hội về tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, tỉ lệ qua đào tạo ngày càng tăng; cơ hội về dòng vốn đầu tư từ các nền kinh tế phát triển, từ các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia ngày càng chảy nhiều hơn vào các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi... Nhưng thời gian và vận hội sẽ không chờ đợi chúng ta!”.
Phát biểu tại diễn đàn, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lưu ý Chính phủ khi xây dựng kế hoạch phát triển từ nay đến năm 2030 cần phải quan tâm đến những diễn biến xấu, trong đó dự báo đến cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại diễn đàn. Ảnh: chân luận
Nhắc lại một số cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới gần đây, ông Vũ Khoan nhận định: “Nếu xảy ra khủng hoảng, khả năng cao nhất có thể xảy ra khủng hoảng về tiền tệ. Và cho dù xảy ra khủng hoảng kinh tế gì thì kinh tế toàn cầu và Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Do đó, Chính phủ cần rất chú ý trong công tác dự báo”.
Cho rằng trật tự kinh tế thế giới cũ không mất hẳn và trật tự mới chưa chắc đã thắng thế, ông Vũ Khoan đoán định hai trật tự sẽ hòa trộn với nhau, vừa cạnh tranh vừa hợp tác, vừa đơn phương vừa đa phương, không biết ai thắng, ai thua.
“Do đó chúng ta nên tiếp cận theo hướng “ba trong một”, nghĩa là một sự việc có ba việc cần làm. Cần giảm bớt độ chấn thương của nền kinh tế, gia tăng nội lực của đất nước trong khi tích cực tranh thủ nguồn lực của thế giới; tiếp tục cùng cộng đồng phấn đấu cho một thế giới tự do hóa thương mại là chủ yếu; cuối cùng là thích nghi với sự thay đổi ngoài ý muốn” - ông Vũ Khoan khái lược.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng nhận định hiện nay cạnh tranh gay gắt về thương mại không kém gì “chiến tranh lạnh” và Việt Nam nằm ở khu vực rất nhạy cảm. “Có người hỏi tôi vậy Việt Nam chọn đứng về phía nào? Tôi cho rằng không phải chọn đứng về ai, mà phải chọn đứng về lợi ích nào. Việt Nam nên chọn hòa bình, hợp tác, thông qua thương lượng để có hòa bình, hợp tác. Càng phải đa dạng hóa, đa phương hóa hơn nữa” - ông Khoan nói.
Khoảng cách với thế giới vẫn còn rất lớn
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, đề xuất bốn ưu tiên chính cho Việt Nam để thực hiện thành công khát vọng trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao. Trong đó, việc phát triển khu vực tư nhân được cho là quan trọng. Cùng với đó là việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước bằng các thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị.
“Thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng. Tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, cũng như chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này cuối cùng sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu” - ông Dione khuyến cáo.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đề cập đến cơ sở hạ tầng và khuyến nghị nên đưa những dự án như đường cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành và các cảng biển quan trọng… vào một chiến lược tổng thể về kết nối vận tải đa phương thức. Đồng thời kiến tạo một môi trường cạnh tranh tốt.
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Ngân hàng Thế giới, ông Sudhir Shetty, thì ví von việc cải cách và phát triển như “một cuộc thi hoa hậu mà ở đó Việt Nam phải đẹp nhất. Việt Nam phải hoàn hảo hơn bằng sự liên tục cải cách, có năng lực cạnh tranh, hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư”.
Ông đưa ra một số góp ý cho Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh xây dựng kỹ năng cho người lao động. “Việc nâng cao kỹ năng là điều rất quan trọng, giúp nguồn nhân lực có tính cạnh tranh, thích ứng với sự thay đổi về nghề nghiệp và công nghệ trên thế giới mà Việt Nam cần đặc biệt quan tâm” - ông Sudhir Shetty nói.
TS Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cũng khá đồng tình khi nói về nhân lực. Nhưng ông Du đặc biệt nhấn mạnh đến năng lực đổi mới, sáng tạo của Việt Nam.
Theo ông, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về năng lực đổi mới, sáng tạo nhưng khoảng cách với thế giới vẫn còn rất lớn. Đặc biệt, năng lực và nhu cầu đổi mới, sáng tạo của Việt Nam lại đang cản trở khả năng bước lên các nấc thang giá trị cao hơn. “Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể cất cánh dựa trên nền tảng này?” - ông Du đặt câu hỏi.
Thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 134 thế giới Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, đến nay tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước cải thiện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đến hết năm 2017, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 224 tỉ USD, xếp thứ 45; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.300 USD, xếp thứ 134; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81% và dự kiến năm 2018 có thể đạt cao hơn. Năm 2017, năng lực cạnh tranh xếp hạng 55/137, tăng năm bậc; môi trường kinh doanh xếp hạng 68/190, tăng 14 bậc; đổi mới, sáng tạo xếp hạng 47/127, tăng 12 bậc. Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn từ vị trí thứ ba năm 2016 lên vị trí thứ nhất. |