Anh Nguyễn Đức Khuynh (41 tuổi, ngụ ở Hòn Nghê, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) được xem là người có bộ sưu tập sách quý hiếm và là người "chữa bệnh" cho các cuốn sách cũ bị hư hỏng.
Đam mê với sách và cơ duyên với nghề
Anh Khuynh là người gốc Hà Nội. Năm 2000, anh vào Nha Trang học trường Đại học Thủy sản từ đó bén duyên cùng xứ trầm, biển yến.
Anh Khuynh bên bộ sưu tập sách quý. Ảnh: CHU VÂN |
Trước đây, chàng trai người Hà Nội này là giảng viên bộ môn sáo trúc tại Trường Đại học Nha Trang. Tuy nhiên, niềm đam mê và cơ duyên với sách đã đưa anh đến với nghề phục hồi sách cũ.
Anh kể mình đam mê đọc sách từ thời còn là cậu học trò. Đến lúc đi làm, anh luôn để dành tiền mua sách. Anh Khuynh đặc biệt quý những cuốn sách hay và hiếm được ấn bản trước năm 1975.
Cùng với thời gian, những cuốn sách quý đã cũ và bắt đầu hư hỏng như rách bìa, bung chỉ. Xót và tiếc, anh Khuynh mày mò tìm hiểu và gặp được nghệ nhân chuyên phục hồi sách cũ ở Nha Trang. Đây là người thầy đưa anh đến với nghề “chữa bệnh” cho sách.
Anh Khuynh đã biến căn phòng làm việc rộng chừng mười mấy m2 thành một “bệnh viện chữa sách” với nhiều máy móc, khuôn ép để phục vụ cho công việc “chữa bệnh” cho sách. Bên cạnh đó, trên các giá sách còn có nhiều đầu sách quý.
Anh cho biết gần 15 năm trong nghề đã “chữa bệnh” cho hơn 2.000 cuốn sách quý. “Tôi coi việc phục hồi sách là một bộ môn nghệ thuật và không nghĩ đây sẽ là nghề để kiếm sống”- anh Khuynh tâm sự.
Làm "sống" lại những cuốn sách
Anh Khuynh chia sẻ, thông thường những cuốn sách bị hư hỏng được đóng lại bìa ở những tiệm photocopy. Tuy nhiên, sau đó các cuốn sách sẽ bị hư do cắt xén, lỗ may quá rộng, xa gáy do quá trình đóng.
Vị "bác sĩ sách" đang khâu lại một cuốn sách cũ. Ảnh: CHU VÂN |
Vị “bác sĩ sách” chia sẻ, để phục hồi một cuốn sách cần rất nhiều công đoạn và sự tỉ mỉ lật từng trang xem chất liệu giấy, kiểu khâu.
Đầu tiên, anh phải thẩm định mức độ hư hại của sách để có phương án phục hồi. Sau đó, tháo chỉ, dán keo, khâu sách. “Mỗi quyển sách là một kết cấu riêng biệt, có sách được may theo từng tép đơn, tép đôi hay nhiều tép gộp lại. Đó là chưa kể các loại sách được in bởi các loại giấy khác nhau”- anh Khuynh nói.
Theo anh Khuynh, công đoạn kỳ công nhất để phục hồi một cuốn sách quý là chọn chất liệu làm bìa sách và thiết kế hoa văn mới. Mỗi loại sách phải chọn chất liệu, màu sắc phù hợp với nội dung và gu thẩm mỹ của chủ sách.
Những cuốn sách theo phong cách phương Tây anh Khuynh thường chọn đóng bìa da, nổi gân, khảm phù điêu. Sách phong cách phương Đông được chọn chất liệu lụa, gấm…
Công việc phục chế một cuốn sách cũ đòi hỏi sự tỉ mỉ. Ảnh: CHU VÂN |
“Chạm khắc trên da là việc làm khó, đòi hỏi ngoài yếu tố kỹ thuật, người làm nghề phải cho ra sản phẩm có tính nghệ thuật. Phải hiểu giá trị của những cuốn sách để chọn đề tài khắc chạm cho phù hợp. Để làm ra cuốn sách ưng ý như cuốn Van Gogh tôi cũng phải mất hơn 10 ngày”- anh Khuynh chia sẻ.
Anh nói để phục chế, đóng bìa cho một quyển sách hư hỏng nhẹ phải mất ít nhất một ngày. Riêng loại hư hỏng nặng có khi phải mất vài tuần đến vài tháng mới hoàn thành.
Tâm sự về nghề, anh Khuynh nói phục chế sách cũ và đóng bìa sách cổ là một nghề đặc biệt. Nghề đòi hỏi tình yêu sách, niềm đam mê và sự tỉ mỉ.