Người chưa thành niên phạm tội: Có thể áp dụng việc hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại

(PLO)- Theo chuyên gia, việc bổ sung sáu biện pháp xử lý chuyển hướng mới với người chưa thành niên phạm tội sẽ giúp đa dạng và có thể lựa chọn áp dụng trong từng trường hợp cụ thể.

Ngày 8-1, TAND Tối cao phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xử lý người chưa thành niên phạm tội”, do Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến chủ trì.

Thực tế yêu cầu cần có luật riêng

Phát biểu khai mạc, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến nêu thực tế, với đặc điểm thể chất, tinh thần, hầu hết người chưa thành niên khi tham gia quy trình tố tụng tư pháp hình sự phức tạp đều cảm thấy lo sợ, dễ bị tổn thương, bị tác động tiêu cực.

Vì vậy, vừa qua TAND Tối cao đã đề xuất Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên.

PGS-TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá ở Việt Nam, không phải là chưa có quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội. Thế nhưng chưa có đạo luật riêng mà nằm rải rác ở nhiều văn bản luật khác nhau.

Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong cho rằng việc ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên là cần thiết. Ảnh: NGUYỄN QUÝ

Cũng theo ông Lý, hiện nay 9/10 quốc gia ASEAN đã có đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên, duy nhất Việt Nam chưa ban hành đạo luật này.

“Tuy nhiên, không phải các nước có luật riêng mà ta phải có luật riêng” - PGS-TS Phan Trung Lý nói và cho rằng việc xây dựng đạo luật riêng sẽ phải xét về yêu cầu thực tế, căn cứ lý luận, chính sách của nước ta.

Từ đó, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành phải có luật riêng về tư pháp người chưa thành niên. Bởi pháp luật của chúng ta đã từng bước hình thành quy định, hệ thống về pháp luật người chưa thành niên, có tòa án riêng cho người chưa thành niên…

Cũng theo ông Lý, khi xây dựng dự thảo cần có quy trình thủ tục riêng hợp lý, thân thiện với người chưa thành niên và phải quan điểm rằng “người chưa thành niên không phải là người lớn thu nhỏ”. Bởi nếu quan điểm là người lớn thu nhỏ rồi quy định hình phạt giảm đi chút là không được…

11 biện pháp xử lý chuyển hướng

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định 11 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó có sáu biện pháp mới gồm: tham gia chương trình học tập, dạy nghề; lao động công ích; tham gia điều trị tư vấn tâm lý bắt buộc; cấm tiếp xúc; cấm đến một địa điểm nhất định và hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại.

Góp ý cho nội dung này, PGS-TS Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, cho rằng việc dự thảo bổ sung sáu biện pháp nêu trên sẽ giúp đa dạng biện pháp và có thể lựa chọn áp dụng cho phù hợp với từng cá nhân trong từng trường hợp cụ thể.

Nước Mỹ quy định ra sao?

Tại hội thảo, chia sẻ với đại biểu đến từ Việt Nam, ông Peter Hochuli, thẩm phán Tòa án Cấp cao hạt Pima (Mỹ), cho biết tại hạt của ông, trường hợp có người chưa thành niên đồng phạm với người đã thành niên thì người chưa thành niên được xét xử theo hệ thống tư pháp người chưa thành niên.

Trong khi đó, người đã thành niên xét xử ở tòa dành cho người đã thành niên. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ như người chưa thành niên phạm tội giết người.

Tuy nhiên, với biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng được quy định thành biện pháp xử lý chuyển hướng nghiêm khắc nhất, ông Viễn bày tỏ sự băn khoăn vì độ nghiêm khắc cao của biện pháp này, cả về điều kiện áp dụng và thủ tục áp dụng.

Trong khi đó, là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập tòa chuyên trách “Tòa gia đình và người chưa thành niên”, hoạt động từ năm 2016, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong cũng đồng tình với việc cần phải có luật riêng với người chưa thành niên phạm tội.

Theo ông Phong, với việc nhiều quy định nằm rải rác ở các luật khác nhau thì cần có một luật gốc, quy định các quy tắc chung, quan điểm, đường lối.

Bên cạnh đó, để khi luật thông qua mà không phải sửa nhiều các luật khác thì cần có từ hoặc điều “quét” các quy định rải rác, tránh trường hợp sau khi luật có hiệu lực phải đi sửa các luật khác, bãi bỏ cái này, bổ sung cái kia...

Đáng chú ý, ông Phong đề cập đến vấn đề trách nhiệm dân sự của người chưa thành niên phạm tội.

Theo ông Phong, kinh nghiệm từ một số nước rằng khi người chưa thành niên phạm tội không bắt buộc cha mẹ họ bồi thường như Việt Nam, nhất là những cha mẹ là người lao động nghèo, bản thân họ không thể nuôi sống, quản lý tốt con cái… Bởi nếu buộc bồi thường, họ cũng không đủ điều kiện.

Do đó, theo chánh án TAND TP.HCM, cần có quy định để giải quyết vấn đề này như giảm mức bồi thường hay có tổ chức hỗ trợ của người chưa thành niên, khi đó mới giúp được người chưa thành niên giải quyết các hậu quả về dân sự.

Thủ tục phải thân thiện

Trình bày tham luận về thủ tục tố tụng thân thiện và đảm bảo quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp đối với người chưa thành niên, TS- luật sư Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho biết hiện nay ở Việt Nam, số lượng người bị buộc tội trong vụ án hình sự có người bào chữa còn thấp, chưa đến 20%.

TS.LS Phan Trung Hoài trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN QUÝ

Tuy nhiên, điểm sáng là số luật sư tham gia trong các vụ án do Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) khởi tố đạt tỉ lệ 100%.

Số liệu báo cáo của 63 đoàn luật sư địa phương cho thấy tất cả đoàn luật sư gần như đã đáp ứng 100% trường hợp theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định bắt buộc người bào chữa đối với người chưa thành niên phạm tội.

Góp ý vào nội dung dự thảo luật, theo ông Hoài, thủ tục thân thiện hay không thể hiện ở chỗ có luật sư bào chữa cho người chưa thành niên phạm tội (hoặc bảo vệ cho bị hại là người chưa thành niên) hay không. Bên cạnh đó là các quy định liên quan đến thủ tục khi người bào chữa, người bảo vệ của người chưa thành niên tham gia quá trình tố tụng.

Ông Hoài lấy ví dụ về một số nội dung còn bất cập tại dự thảo như quy định về thông báo hoạt động tố tụng tại Điều 110 dự thảo.

Cụ thể, dự thảo quy định trước khi lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước trong thời gian hợp lý cho người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ biết về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung để những người này tham gia tố tụng.

Từ đây, ông Hoài đặt ra câu hỏi “Thế nào là thời gian hợp lý?“ và đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để có quy định rõ ràng hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới