Với mục tiêu cải cách căn bản hệ thống hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đặc điểm của người chưa thành niên và bảo đảm nguyên tắc chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên nếu xét thấy việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (Điều 101) giữ nguyên hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội như Bộ luật Hình sự hiện hành.
Các hình phạt bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Dự thảo bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo, theo hướng áp dụng hình phạt này đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu người đó có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền. Mức tiền phạt đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội không quá 1/3 mức tiền phạt mà điều luật quy định.
Giữ nguyên hệ thống hình phạt như quy định hiện hành
TS Trần Thanh Thảo (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích: Theo BLHS năm 2015 thì hệ thống hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm: Nhóm hình phạt không tước tự do (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ) và hình phạt tước tự do trong một khoảng thời gian nhất định (tù có thời hạn).
Nếu việc đề nghị bãi bỏ cả 3 hình phạt gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ được chấp nhận thì sẽ dẫn đến hệ quả là tòa án chỉ có thể tuyên duy nhất một loại hình phạt là tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội nếu họ không đủ điều kiện được áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Theo TS Thảo, trong quy định về trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, một số quốc gia quy định cả hệ thống hình phạt lẫn các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội. Chẳng hạn, pháp luật hình sự Liên bang Nga tuy quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng như bồi thường thiệt hại, giáo dục bắt buộc… vẫn quy định nhiều loại hình phạt có thể áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội như phạt tiền, tước quyền làm một số công việc nhất định, tù có thời hạn….nhằm giúp tòa án có thêm lựa chọn khi quyết định hình phạt đối với người chưa phạm tội. Điều này sẽ đảm bảo mục đích giáo dục lẫn mục đích trừng trị của hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.
Do đó, theo TS Thảo, cần thiết phải duy trì các loại hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên theo pháp luật hiện hành.
Chỉ nên quy định hình phạt tù có thời hạn
Trái quan điểm với TS Trần Thanh Thảo, Luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng chỉ nên áp dụng một hình phạt là tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội. Các trường hợp không áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng bởi 3 lý do sau:
Những bất cập
Hình phạt cảnh cáo thể hiện sự khiển trách công khai của Nhà nước đối với người phạm tội. Khi HĐXX tuyên án xong, cũng có nghĩa rằng hình phạt được thi hành xong. Vì không có cơ chế theo dõi, hỗ trợ người chưa thành niên phạm tội thực sự nhận thức được lỗi lầm mình gây ra nên hình phạt này cũng không phát huy hiệu quả.
Còn hình phạt tiền, trên thực tế phần lớn người chưa thành niên phạm tội đều không có tài sản và chưa nhận thức đầy đủ giá trị đồng tiền.
Ngoài ra, người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, không nên đặt ra vấn đề quy định hình phạt tiền với đối tượng này.
Do vậy, áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên là không hợp lý.
Luật sư NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP.HCM
Thứ nhất, người chưa thành niên nhận thức về pháp luật chưa cao, hành vi còn thiếu suy nghĩ và bị tác động nhiều từ bên ngoài. Do đó, khi họ thực hiện hành vi trái pháp luật nếu chưa đến mức áp dụng hình phạt tù thì cần áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để thấy tính nhân văn, giúp họ nhìn nhận ra được lỗi sai của mình và tạo cho họ cơ hội sửa sai. Nhóm người chưa thành niên là những đối tượng cần sự quan tâm, che chở nhiều từ xã hội, để họ có thể trưởng thành về mặt thể chất và nhận thức.
Thứ hai, nhận thức của những người chưa thành niên về pháp luật chưa đầy đủ nên họ cần được giáo dục. Do đó, nên có những biện pháp xử lý chuyển hướng để thấy rõ là tập trung vào việc giáo dục và phục hồi người chưa thành niên phạm tội, thay vì chỉ đơn thuần xử lý hình phạt.
Điều này có thể bao gồm các biện pháp như giáo dục, tư vấn và sự hỗ trợ để giúp họ hiểu rõ hành vi của mình và có cơ hội thay đổi. Việc xử lý trách nhiệm đối với người chưa thành niên phạm tội không nhằm mục đích trừng phạt, răn đe mà chính yếu là giáo dục, giúp họ nhận thức được sai lầm, sửa sai và có thể trở thành công dân có ích cho đất nước.
Thứ ba, cần thể hiện tính cá nhân hoá. Vì khi đưa ra quyết định thì cần xem xét các yếu tố cá nhân của người chưa thành niên như hoàn cảnh gia đình, môi trường sống và lịch sử cá nhân. Những yếu tố này tác động rất lớn đến nhận thức và hành vi của họ. Điều này giúp đưa ra quyết định xử lý phù hợp với từng trường hợp cụ thể, không áp dụng một cách chung chung cho tất cả các trường hợp.
Sửa đổi quy định tùy nghi
Thứ nhất, Điều 37 dự thảo 2.2 quy định: “Người chưa thành niên thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS thì có thể được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng”. Đây là một quy định tuỳ nghi, có thể tạo cơ hội áp dụng tùy tiện.
Thứ hai, các biện pháp xử lý chuyển hướng là một hình thức áp dụng chính sách khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt. Khi được giảm nhẹ, bất cứ ai cũng phải đánh giá ngay là có lợi cho mình. Khoản 3 Điều 36 Dự thảo Luật quy định điều kiện thứ ba để được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là “Người chưa thành niên đồng ý xử lý chuyển hướng…”.
Theo logic cũng như thực tế cuộc sống, không có lý do gì để phải tự mình đồng ý áp dụng biện pháp xử lý có lợi cho mình; mà cơ quan chức năng phải mặc nhiên áp dụng điều khoản có lợi này khi họ có đủ các điều kiện theo quy định.
Tôi nhận thấy quy định này vừa thừa vừa trùng. Nếu quy định này được thông qua thì xảy ra các tồn tại điểm như sau:
(1) Tính nhất quán của luật chưa cao và thừa; tính nhân văn như mục đích ban đầu của luật sẽ không đạt được.
(2) Làm phát sinh thêm một thủ tục mới là phải có ai đó, cơ quan nào đó gửi đề xuất áp dụng biện pháp chuyển hướng cho người chưa thành niên phạm tội, sau đó người chưa thành niên phạm tội sẽ xem xét đề xuất này và phản hồi là đồng ý hay không đồng ý. Như vậy, vừa phải bổ sung thêm quy định, quy trình để phù hợp cũng như đầy đủ hàm nghĩa ẩn của quy định này. Trường hợp, khi không bổ sung quy định bổ trợ thì tạo khoảng trống, mất kết nối các điều khoản trong quá trình áp dụng luật. Bên cạnh đó, nội dung này vô tình làm thay đổi vai trò, vị thế của đối tượng nhưng bản chất lại không giải quyết được dứt điểm.
Vì vậy, tôi kiến nghị bỏ quy định này.
ThS-LS HOÀNG KIM MINH CHÂU, Đoàn Luật sư TP.HCM