Người đặc công bắn B40 mở màn trận đánh ác liệt nhất ở cửa ngõ Sài Gòn

Ở tuổi 62, hằng ngày ông vẫn đạp xe thoăn thoắt từ nhà đến UBND phường 4, quận 8 làm bảo vệ. Người đàn ông với phong thái nhanh nhẹn và rắn rỏi ấy chính là Trung úy đặc công Nguyễn Đức Thọ năm xưa; người bắn hỏa lực B40 đầu tiên mở đầu trận chiến ác liệt của Lữ đoàn đặc công biệt động 316 chiếm cầu Rạch Chiếc, bảo đảm thông suốt cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Luyện tập khắc nghiệt, ẩn mình chờ nhiệm vụ đặc biệt

Giờ nghỉ trưa, ông Thọ tranh thủ dẫn chúng tôi về căn nhà giản dị tại một con hẻm ở đường Huỳnh Thị Phụng, quận 8 để lo cho người con gái bị bệnh tâm thần phân liệt, di chứng từ những ngày ông nằm vùng mà Mỹ rải thảm chất độc màu da cam.

Bồi hồi nhớ lại, năm 1972, chàng trai 17 tuổi người Thanh Hóa hăng hái đi bộ đội, nhờ có sức khỏe nên ông được tuyển chọn huấn luyện trở thành đặc công nước. Sau Hiệp định Paris, cấp trên chuyển hướng đào tạo để sử dụng bộ đội đặc công cho trận đánh cuối cùng quyết định giải phóng Sài Gòn.

Từ 500 người khi ra trường chỉ còn 200 chiến sĩ đặc công trụ vững với môi trường huấn luyện cực kỳ khắc nghiệt. Mỗi ngày họ phải vượt qua hàng chục km ngoài biển khơi bằng động tác bí mật không để lộ tung tích, tập thoát khỏi những vùng nước xoáy có thể đánh chìm cả con tàu, hay tay không vừa bơi vừa kéo theo khí tài hàng trăm ký. “Thường xuyên giữa đêm một, hai người lính bị thả ra hòn đảo giữa biển để tự bơi vào bờ, chuyện bị cá tấn công, sứa đánh là bình thường” - ông Thọ tự hào kể những tháng ngày khổ luyện.

Ông Nguyễn Đức Thọ (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội sau trận chiến cầu Rạch Chiếc. Ảnh: Tư liệu 

Với tinh thần kiên cường, những người lính đặc công trẻ năm xưa luôn quyết tâm thi đua nhau hoàn thành nhiệm vụ, làm sao cho kỹ thuật thật tốt để mục đích cuối cùng khi chiến đấu bảo đảm thắng lợi.

Cuối năm 1973, Lữ đoàn 316 đặc công biệt động gồm toàn chiến sĩ đặc công tinh nhuệ được thành lập, hành quân vào Sài Gòn. Trung đội Z23 của ông Thọ được giao nhiệm vụ ẩn mình tại quận 9 chờ đánh Bộ Tư lệnh hải quân ngụy tại bến Bạch Đằng.

Toàn bộ Z23 đóng chốt ở vùng Bình Trưng Tây, ngay bên cạnh căn cứ của địch ở cầu Rạch Chiếc chỉ khoảng 1 km. Toàn vùng chỉ có sình lầy, cùng rừng dừa nước mênh mông. Ngày ở trên bẹ dừa, tối bơi đi làm nhiệm vụ trinh sát. Không được chặt, làm thay đổi bất cứ tán cây nào vì địch quần trực thăng đi tuần liên tục, chụp ảnh so sánh hễ phát hiện dấu vết lạ là ném bom ngay. Đây cũng chính là vùng địch rải thảm chất độc hóa học hòng không cho ta lập căn cứ cách mạng.

Trong ký ức của ông Thọ, khi mới vào Sài Gòn, thấy mọi thứ lớn hơn trong tưởng tượng rất nhiều, với các căn cứ, hệ thống quân sự của địch vô cùng lớn, đồ sộ. Dù vậy không gì có thể ngăn được quyết tâm của họ, những người lính trẻ dù ai nấy chỉ đều học hết lớp 3, lớp 4 nhưng thời đó ai cũng được giáo dục có lòng tự trọng cao. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ xấu hổ với anh em bạn bè nên ai ai cũng quyết tâm cao độ. Đó là những đêm đằng đẵng suốt bảy tháng trời các chiến sĩ đặc công thay phiên nhau, chỉ bằng “phương tiện” tay chân bơi lặn dưới nước, họ đã ung dung tự do vào thám thính bên trong Bộ tư lệnh hải quân ngụy có hệ thống máy móc và lính gác canh giữ dày đặc.

Nhớ về những ngày chiến đấu gian khổ, trong ký ức của ông còn là những kỷ niệm về tình quân dân ấm áp. Có một đêm cùng hai đồng đội đi làm nhiệm vụ, trên đường ông bị đau bụng, lên cơn sốt không thể đi nổi đành nằm lại giữa đường chờ đến sáng đồng đội quay lại đón. Thấy một nhà dân ở gần đó ông Thọ quyết định vào trình bày là người của cách mạng xin giúp đỡ. Không nề hà, người phụ nữ Nam Bộ chân chất lấy dầu cạo gió, thăm hỏi tận tình. Bà còn căn dặn hai người con gái nấu cơm chờ sẵn hai đồng đội của ông về cùng ăn. “Khi ra về bà còn gói ghém quà cho đem về, dù sau này không bao giờ được gặp lại nhưng tình cảm ấy chú nhớ mãi không bao giờ quên” - ông Thọ kể.

Trận đánh ác liệt nhất để đại quân tiến về Sài Gòn

Khi chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, toàn lực lượng đặc công biệt động nhận nhiệm vụ “thần tốc, táo bạo” đánh chiếm các mục tiêu quan trọng. “Hằng ngày nghe qua đài thấy tin tức chiến thắng dồn dập của quân ta từ Phước Long đến Ban Mê Thuột, chúng tôi ai cũng hào hứng phấn khởi sau bao ngày chờ đợi sắp được chiến đấu” - ông Thọ nhớ lại.

Nói về trận địa cầu Rạch Chiếc, đây là con đường huyết mạch để tiến vào Sài Gòn. Tại đây địch có một tiểu đoàn 400 lính giữ cầu với hệ thống lô cốt, công sự dày đặc và màng lưới lửa ken dày cùng hệ thống vũ khí tối tân. Ở xung quanh đó không xa còn có nhiều căn cứ phòng thủ khác của địch.

Chiến sự chuyển biến nhanh, ngày 25-4-1975 ta hủy bỏ đánh mục tiêu Bộ tư lệnh hải quân của địch, Z23 nhận nhiệm vụ đánh chiếm cầu Rạch Chiếc mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. “Tôi được trao nhiệm vụ bắn khẩu B40 đầu tiên tiêu diệt khẩu đại liên trên chòi canh của địch đóng ở đầu cầu”. Trên chòi canh có hệ thống đèn cao áp rọi sáng cả một góc rừng, hỏa lực đại liên rất mạnh. Nên tiêu diệt được khẩu đại liên này là nhiệm vụ cốt yếu đầu tiên để có thể chiếm được cầu Rạch Chiếc.

Chiều 26-4, ăn cơm xong các chiến sĩ ai nấy đều háo hức chuẩn bị sẵn súng đạn đến vị trí tập kết để tiếp cận mục tiêu. Luồn lách qua sông rạch, họ như những đàn cá chỉ ít giờ sau đã tiếp cận sát hàng rào căn cứ địch, sẵn sàng chờ lệnh chiến đấu. Đêm về khuya, lính ngụy leo lên leo xuống chòi canh, cất tiếng ca những bản ca cổ não lòng, thỉnh thoảng hàng loạt đạn đại liên bắn vào rừng sáng cả một góc trời.

Ông Nguyễn Đức Thọ kể về trận đánh ác liệt, đầy hào hùng của Lữ đoàn đặc công biệt động 316 chiếm cầu Rạch Chiếc năm xưa. Ảnh: T.Lâm

Đúng 3 giờ 15 phút sáng 27-4-1975, “Mệnh lệnh chiến đấu đã điểm, tôi nằm sát mé nước, nâng khẩu B40 vượt qua hàng rào kẽm gai nổ phát súng đầu tiên”. Nhưng quả đạn đầu không trúng mà bay sượt qua chòi canh. Từng ký ức trong ông vẫn hiện về sống động như ngày hôm qua: “Lo lắng sợ nó xả đại liên xuống hỏa lực, tôi đứng bật dậy với tư thế hoàn toàn tự do, bắn phát thứ hai trúng ngay chòi canh làm nó sạt một góc. Cờ cắm trên đỉnh đổ xuống, chiếc điện thoại trong chòi rơi ra treo lơ lửng giữa trời”.

Sau khi pháo lệnh B40 của ông Thọ nổ xong thì toàn lực lượng đặc công Z23 hiệp đồng cùng Z22, D81 thuộc Lữ đoàn 316 đồng loạt dùng thủ pháo, lựu đạn tấn công vào lô cốt, công sự của địch. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ đặc công đã chiếm được cầu Rạch Chiếc, địch không kịp phản ứng bỏ chạy và một số bị ta bắt sống. Nhưng sau đó pháo ở các cụm liên hiệp khác liên tục bắn về, đồng thời địch đưa trực thăng từ trong nội thành bay ra đổ quân, triển khai xe tăng phản kích. Do địch sử dụng vũ khí tối tân, đặc công thương vong nhiều nên phải tạm thời rút lui về rừng dừa nước.

Đại quân đã sắp tiến vào Sài Gòn, lực lượng đặc công chỉ còn 29 chiến sĩ nhưng vẫn quyết tử đánh chiếm bằng được cầu Rạch Chiếc không để địch phá. Thời điểm này, địch thất thủ từ khắp chiến trường như Xuân Lộc, Trường sĩ quan Thủ Đức, căn cứ Thái Lan… chạy về. Do không còn gì để mất nên trận địa cầu Rạch Chiếc trở thành một trong những trận đánh ác liệt nhất. Chiến thắng đã cận kề nhưng trong trận đánh cuối cùng ấy vẫn không tránh khỏi thương vong. Ông Thọ bị đạn pháo bắn trả trúng, hất bổng lên cao khiến ông bị rơi xuống bất tỉnh, giãn xương sống, để lại di chứng thương tật về sau. Vài giờ ngày cuối cùng, những chiến sĩ đặc công đã đánh chặn bằng những đòn quyết định và nhanh chóng làm chủ trận địa chiếm giữ cầu.

Còn đó những anh hùng “không tên”

“7 giờ sáng 30-4, khi thấy đoàn quân giải phóng vừa ló dạng từ hướng Thủ Đức tiến về, tôi nghĩ Sài Gòn còn rất lớn chắc còn đánh nhau ác liệt lắm. Nhưng ngay sau đó nghe tin tức qua đài biết tin đã giải phóng thì hết sức mừng vui phấn khởi” - ông Thọ nhớ lại.

Trong tâm trí của ông Thọ, sau nỗi vui mừng được sống sót trở về, nghĩ về anh em đồng đội đã nằm xuống thật xót thương, có nhiều người chưa xác định được tên tuổi, chưa tìm thấy thi thể để chôn cất. Ông viết nên nhiều vần thơ tưởng nhớ:

 “Tôi đến thăm anh bên cầu Rạch Chiếc

Sông lặng yên mà nước xiết tim gan

… Nhớ về anh người chiến sĩ đặc công

Lính CK2 tay sắt chân đồng

Trái tim ngọc gan vàng dọc ngang sông nước

Với cây cầu anh toàn vẹn sau trước …”.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) Chính ủy Lữ đoàn 316 cùng các cựu chiến binh tại buổi họp mặt truyền thống ngày 24-4-2016. Ảnh: Hoàng Tuyết 

41 năm đã trôi qua với bao thăng trầm trong cuộc sống nhưng năm nào ông cùng những đồng đội thuộc Lữ đoàn đặc công biệt động 316 năm xưa, đều họp mặt ôn lại những tháng ngày chiến đầu hào hùng và tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới