Người dân chủ quan, TP.HCM có nguy cơ tái phát ổ dịch

Từ ngày 1-10 đến nay, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 18 về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Theo đó, việc xử lý ổ dịch cũng có nhiều thay đổi. Mới đây, Sở Y tế tiếp tục cập nhật quy trình xử lý ổ dịch hộ gia đình và cộng đồng, tập trung xét nghiệm và giám sát các điểm nguy cơ.

Bắt đầu ghi nhận ổ dịch cộng đồng trở lại

Theo ghi nhận, các địa phương đang tích cực xử lý các ổ dịch phát sinh trên địa bàn theo quy trình mới.

Mới đây, từ một số trường hợp tự khai báo triệu chứng và tự làm xét nghiệm COVID-19 ở một con hẻm trên đường Ba Tháng Hai (phường 6, quận 10), cơ quan chức năng phường 6 đã tiến hành xét nghiệm và lấy mẫu các hộ lân cận. Kết quả có hơn 20 hộ ở con hẻm và các hộ ở đường Bà Hạt có cửa thông với hẻm này có ca dương tính. Tất cả người lớn đã được tiêm hai mũi vaccine, còn số trẻ nhỏ thì chưa được tiêm.

Theo bà Đỗ Thị Bích Ngọc, Chủ tịch UBND phường 6, đây là ổ dịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn được phát hiện sau thời gian tháng 9 không có ca nhiễm và chỉ vài ca rải rác từ đầu tháng 10 đến nay. Con hẻm tập trung đông dân cư với hai dãy nhà đối diện nhưng bề ngang hẻm khá hẹp - chỉ khoảng 1 m, trong tình hình mở cửa trở lại, người dân đi lại nhiều nơi, tiếp xúc qua lại nên nguy cơ lây lan cao và khó truy vết nguồn lây.

Bà Ngọc cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát ổ dịch cộng đồng vừa phát hiện và mở rộng xét nghiệm các hộ mua bán ở khu vực vòng ngoài chợ gần hẻm.

Để kiểm soát dịch trong tình hình mới, bà Ngọc cho biết địa phương đã thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức như lập các nhóm nhỏ tuyên truyền, mở các kênh Zalo để thông tin cho người dân, tổ phòng chống COVID-19 kiểm tra thường xuyên các hoạt động kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn và yêu cầu các cơ sở chấp hành, nhắc nhở tuân thủ quy tắc 5K.

Bà Ngọc lo ngại sau khi được đi lại thoải mái hơn sau mấy tháng “đóng cửa”, người dân có tâm lý “bung” ra, người dân đi làm, đi buôn bán và tiếp xúc nhiều, khó truy vết được nguồn lây từ đâu và khó kiểm soát các F1, F0.

BS Lâm Phước Trí, Trưởng trạm Y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú), cho biết trạm y tế ghi nhận những ngày gần đây, số ca mắc bắt đầu có xu hướng tăng. Một ngày trạm y tế ghi nhận năm, bảy ca, đặc biệt vào tuần trước, trạm ghi nhận chùm 10 ca bệnh ở một công ty do cùng sinh hoạt, ăn uống tại chỗ. Một số ca sau khi điều tra dịch tễ cho biết di chuyển nhiều nơi. BS Trí lo ngại: “Những ngày gần đây, người dân được thoải mái di chuyển và ra hàng quán ăn uống. Người dân đã được tiêm vaccine nên nếu có mắc thì triệu chứng cũng rất nhẹ hoặc không có triệu chứng nên vô tình trở thành F0 mà không biết, có nguy cơ làm lây lan dịch cho cộng đồng. Để kiểm soát số ca mắc, ý thức của người dân vẫn là quyết định. Người dân phải thận trọng và ý thức tuân thủ tốt 5K để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như cộng đồng” - BS Trí lo ngại.

Nhân viên Trạm y tế lưu động số 1 (phường 11, quận 3) thăm khám F0 tại nhà. Ảnh: BSY

Ông Nguyễn Duy Dũng, Phó Chủ tịch phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, cho hay từ ngày 1-10 đến nay, mặc dù địa phương ít phát hiện ổ dịch cộng đồng và ca chuyển nặng ít nhưng ông Dũng lo lắng sẽ gặp nhiều áp lực khi năm trạm y tế lưu động quân y sẽ rút toàn bộ vào ngày 5-11.

Theo ông Dũng, nhân sự của trạm y tế phường hiện rất mỏng, cơ cấu nhân sự dù có hai bác sĩ nhưng thực chất một bác sĩ đã nghỉ việc từ tháng 3-2021. Lực lượng y tế phải đảm trách nhiều việc ngoài quản lý F0 như còn phải tiêm vaccine cho người lớn và trẻ em. Phường đã vận động thành lập các tổ chăm sóc F0 tại nhà để thay thế các trạm y tế lưu động nhưng gặp khó khăn về nhân sự khi cơ cấu mỗi tổ phải có một nhân viên y tế.

Các ca mắc ngoài cộng đồng chuyển nặng rất ít

Theo BS Nguyễn Ngọc Đức, đa số ca F0 được phát hiện là do người dân tự test và báo nhân viên y tế xuống tư vấn, cấp phát thuốc, hướng dẫn điều trị, chăm sóc, hầu như không còn phải tất bật cấp cứu như trước.

“Trạm y tế khám và tầm soát bệnh nhân mang bệnh lý nền có nguy cơ chuyển nặng, ưu tiên đưa vào khu cách ly nên các ca mắc ở ngoài cộng đồng chuyển nặng rất ít” - BS Đức cho hay. 

F0 chủ quan, chỉ khai báo khi trở nặng

Bàn giao trạm y tế lưu động ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, BS Nguyễn Ngọc Đức, thuộc đoàn bác sĩ Học viện Quân y tăng cường cho TP.HCM, vui mừng hoàn thành sứ mệnh cấp cứu, chăm sóc F0 thời gian qua.

BS Đức cho hay trạm y tế quản lý bảy khu phố, một ngày mặc dù phát hiện 30-40 ca F0 nhưng số ca chuyển nặng rất ít, kể cả người có bệnh lý nền và người già, chủ yếu có triệu chứng ho, sốt, mất vị giác, đau họng, sổ mũi.

Phụ trách Trạm y tế lưu động số 1 (phường 16, quận 3), BS Lê Thị Bảo Yến cho biết hiện tại trạm y tế chỉ còn quản lý khoảng 10 ca F0 sau khi ra viện và không có ca F0 tại nhà.

Theo BS Yến, người dân còn có tâm lý chủ quan rằng đã tiêm hai mũi vaccine, nếu có mắc bệnh cũng sẽ nhẹ. “Nhiều người nghĩ chích hai mũi vaccine rồi hoặc không có bệnh nền gì hết nên tự theo dõi ở nhà hoặc nghe người thân quen chia sẻ kinh nghiệm tự điều trị cũng hết thì sẽ rất nguy hiểm” - BS Yến khuyến cáo.

Ổ dịch hộ gia đình được gắn bảng “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19” (nền đỏ, chữ vàng) theo quy định. Ảnh: AD

BS Yến kể trạm y tế vừa qua tiếp nhận một số trường hợp mắc bệnh tự theo dõi sức khỏe và chỉ khai báo khi tình trạng bệnh diễn tiến nặng.

Trong đó có hai ông bà trên 80 tuổi được người nhà tự mua thuốc cho uống, cụ ông có bệnh nền tai biến. Chỉ đến khi ông khó thở, ho nhiều thì người nhà mới báo nhân viên y tế xuống. “Chúng tôi đánh giá cần chuyển viện cụ ông nhưng không thuyết phục được người nhà. Sang hôm sau, cả hai ông bà đều khó thở, chúng tôi phải tức tốc đưa vào BV dã chiến số 6 để điều trị” - BS Yến kể.

Một trường hợp khác tự test nhanh dương tính bảy, tám ngày nhưng không báo nhân viên y tế, chỉ đến khi cảm thấy mệt, đo chỉ số SpO2 chỉ còn 91, 92 mới báo. “Tuy nhiên, lúc báo người này cũng chỉ nói là cần hỗ trợ ôxy và không chịu test, lại còn kiên quyết muốn được theo dõi ở nhà. Qua hôm sau, bệnh nhân bị ngất trong nhà vệ sinh thì người nhà mới báo và chúng tôi đưa vào BV dã chiến số 6 nhưng tình trạng nặng quá, bệnh nhân đã được chuyển tiếp qua BV hồi sức COVID-19” - BS Yến nói.

Quy trình phát hiện và xử lý F0 tại nhà ở TP.HCM

F0 có thể được phát hiện qua xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực nguy cơ cao hoặc các nhóm nguy cơ; kiểm soát dịch tại các ổ dịch hộ gia đình, ổ dịch cộng đồng, ổ dịch trong doanh nghiệp, trường học...; người dân tự làm xét nghiệm và khai báo cho trạm y tế.

Nơi ở của F0 sẽ được xem là ổ dịch hộ gia đình, test nhanh và cách ly hộ gia đình 14 ngày kể từ ngày phát hiện ca F0 đầu tiên trong hộ. F0 được thăm khám, đánh giá sức khỏe, điều kiện để cho cách ly tại nhà hoặc chuyển viện.

Nếu phường, xã phát hiện trên 10 hộ có F0 thì phải kích hoạt một trạm y tế lưu động để quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, nếu trên 50-100 hộ có F0 thì kích hoạt thêm trạm y tế lưu động. Nếu có hai hộ gia đình có ca F0 trở lên ở cùng khu vực thì được xem xét là ổ dịch cộng đồng và đánh giá mức độ nguy cơ từ thấp đến rất cao.

Ổ dịch cộng đồng được tạm thời phong tỏa khu vực trong 24 giờ để thông báo cho người dân trong khu vực biết và tuân thủ các quy định quản lý ổ dịch. Trong vòng 2-4 giờ, tất cả người dân trong ổ dịch sẽ được test nhanh để đánh giá mức độ nguy cơ.

Trong quá trình quản lý ổ dịch cộng đồng, ổ dịch được thường xuyên điều tra và đánh giá lại tình hình để quyết định việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi ổ dịch. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm