Người dân, doanh nghiệp Bình Định sẽ ngồi nhà làm thủ tục hành chính

(PLO)- Bình Định phấn đấu đến năm 2030 ít nhất 70% hồ sơ do người dân, doanh nghiệp tự thực hiện từ xa, tại nhà.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Văn phòng UBND tỉnh Bình Định vừa có công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương góp ý dự thảo kế hoạch nâng cao chất lượng cung cấp, thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030.

dịch vụ công trực tuyến 4.jpg
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định, giới thiệu cổng Công dân số tỉnh Bình Định. Ảnh: H.H

Theo đó, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo kế hoạch trên. Văn phòng UBND tỉnh Bình Định đề nghị 39 địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, tham gia góp ý để tiếp thu, tổng hợp, hoàn thiện dự thảo và trình UBND tỉnh xem xét theo quy định.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Bình Định, mục tiêu của kế hoạch trên là tạo sự đột phá thực chất trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính dựa trên chuyển đổi số, số hóa, dữ liệu, công nghệ.

Kế hoạch sẽ tập trung phát huy tối đa hiệu quả của công tác số hóa, tái sử dụng dữ liệu số hóa song song với tập trung xây dựng, tạo lập, kết nối, liên thông các nền tảng công nghệ thông tin phục vụ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Đồng thời, hạn chế tối đa việc người dân phải khai báo, cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu thành phần hồ sơ khi thực hiện thủ tục hành chính gắn với cắt giảm thời gian giải quyết, số lượt đi/lại của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức, kỹ năng, định hướng hành vi, thay đổi thói quen của người dân, doanh nghiệp đối với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

dịch vụ công trực tuyến 2.jpg
Cổng Công dân số là kênh giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Ảnh: H.H

Theo Văn phòng UBND tỉnh Bình Định, tỉnh này phấn đấu đến năm 2030, dịch vụ công trực tuyến là phương thức giao dịch thủ tục hành chính phổ biến được người dân, doanh nghiệp tự nguyện, tự giác lựa chọn sử dụng từ xa, tại nhà mà không cần trực tiếp đến bộ phận một cửa các cấp.

Đồng thời, 90% số lượng thủ tục hành chính trong tổng số thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 70% hồ sơ trực tuyến phát sinh được người dân, doanh nghiệp tự thực hiện từ xa, tại nhà mà không cần đến bộ phận một cửa các cấp.

Bình Định là một trong những địa phương thực hiện tốt số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, 100% các sở, ngành và UBND cấp huyện có cán bộ quản trị mạng; 159/159 xã, phường, thị trấn đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng.

Bình Định còn là nơi đặt trung tâm nghiên cứu, cơ sở của các công ty công nghệ hàng đầu, như FPT, TMA, VNPT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm