Người dân ngại sinh, TP.HCM đề xuất hỗ trợ nhà ở, viện phí

(PLO)- TP.HCM được xếp vào nhóm 21 địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước và đang giảm ở mức cảnh báo. Nhằm cải thiện tình trạng này, TP đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vợ chồng anh Võ Thanh Việt và chị Nguyễn Thị Thu (35 tuổi, ngụ quận Tân Bình) đã có một con gái năm nay lên 10 tuổi. Mặc dù rất muốn sinh thêm để con “có chị, có em” nhưng sau nhiều lần đắn đo, đến nay anh chị vẫn chưa “chốt” được kế hoạch dù biết mỗi năm thêm mỗi tuổi, việc sinh đẻ sẽ khó khăn hơn.

Ngại sinh thêm vì áp lực cuộc sống

“Lương công nhân sau bao năm vẫn ba cọc ba đồng mà giá cả thì năm nào cũng tăng, bởi vậy sinh con thứ hai là việc cần tính toán kỹ. Nếu sinh thêm chúng tôi phải có thu nhập gấp đôi hiện giờ mới đảm bảo được sinh hoạt gia đình, tiền ăn học của các con. Dự định sinh thì lâu rồi nhưng khi nào thực hiện vẫn… chưa biết” - anh Việt chia sẻ.

Ngành y tế TP.HCM đã phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn TP tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp năm 2023.

Chiến dịch được triển khai thực hiện tại 159 phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.HCM từ ngày 7-7 đến 7-9-2023. Theo đó, người dân sẽ được cung cấp thông tin, tư vấn tầm quan trọng, ý nghĩa của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn; lợi ích của tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh...

Chị Thu ngồi bên góp lời: “Mỗi tháng, chỉ riêng các khoản cứng như tiền học, ăn uống, sữa của con đã hơn 5 triệu đồng, bằng phần lương của tôi. Đó là chưa kể phát sinh ngày lễ này kia, đau bệnh phải đi bác sĩ, lâu lâu đưa con đi chơi… Chi tiêu còn lại trong gia đình phải co kéo sao cho đủ từ phần lương của anh ấy. Có thêm con thích thật nhưng chỉ sợ lo không nổi”.

Mặc dù kinh tế thuộc diện khá giả, gia đình hai bên thúc giục liên tục nhưng vợ chồng chị Bùi Thu Hà (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) vẫn chưa có ý định sinh con thứ hai. “Công việc quá bận rộn, thường xuyên phải đi công tác ngoại tỉnh nên cả hai vợ chồng rất khó thu xếp khi có con nhỏ. Giờ chỉ một con nhưng nhiều khi chúng tôi vẫn phải nhờ ông bà trợ giúp đưa đón, chăm nom. Nếu sinh nữa cuộc sống sẽ xáo trộn, bởi vậy cứ chần chừ mãi” - chị Hà chia sẻ.

Không riêng ở nội thành, tâm lý “lười” sinh con thứ hai ngày càng xuất hiện nhiều kể cả vùng ngoại thành, người dân nhập cư. Chị Nguyễn Thanh Hằng (32 tuổi, quê Quảng Nam, thuê nhà tại huyện Bình Chánh), có con trai đã sáu tuổi, song vợ chồng chị đều thống nhất không sinh thêm.

“Nghĩ đến việc sinh con, đến giai đoạn phải nghỉ việc ở nhà chăm con nhỏ tôi rất sợ, gần như mọi thứ phải làm lại từ đầu. Quan trọng nhất là vợ chồng tôi muốn tập trung nuôi dạy cho một con tốt nhất thay vì sinh thêm để cả hai đều bị thiếu hụt” - chị Hằng tâm sự.

Đềxuất chính sách khuyến khích sinh con

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM năm 2022, tổng tỉ suất sinh của TP.HCM là 1,39 con/phụ nữ. Đây là mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước hiện nay là 2,1 con. TP.HCM đang bước sang giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh hơn so với cả nước, số người cao tuổi đang chiếm hơn 11% trong khi những năm trước chưa đến 10%.

Theo ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, người dân TP hiện nay đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ đang phải đối mặt với áp lực kinh tế, công việc rất lớn dẫn đến ngại sinh thêm con (sinh đủ hai con).

TP.HCM đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ như nhà ở, viện phí, học phí… để người dân an tâm sinh và nuôi dạy con. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN
TP.HCM đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ như nhà ở, viện phí, học phí… để người dân an tâm sinh và nuôi dạy con. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN

Cạnh đó, nhiều nguyên nhân khác dẫn tới thực tế nêu trên như chất lượng môi trường sống, áp lực tâm lý và sức khỏe của các cặp vợ chồng, sự thay đổi về quan điểm kết hôn và sinh con trong thanh niên… Ngoài ra, tình trạng phá thai, tỉ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố khiến nhiều gia đình không thể sinh con.

Ông Trung nhận định mức sinh thấp là một bài toán rất khó, muốn giải quyết cần sự chung tay của nhiều bên liên quan. Trước hết, TP.HCM cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con như mua nhà ở xã hội; hỗ trợ viện phí ở lần sinh con thứ hai; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn...

Tiếp đó là những chính sách hỗ trợ toàn diện cho các cặp vợ chồng an tâm sinh con và nuôi dạy con như hoàn thiện hệ thống chăm sóc y tế - giáo dục; miễn giảm học phí; thay đổi hình thức, thời gian trông trẻ mầm non - mẫu giáo; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân; điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản…

“Tuy nhiên, những đề xuất trên không đơn giản để thực hiện do đòi hỏi phải phù hợp với điều kiện thực tế của TP. Vì thế, đối với bài toán nhân lực trong tương lai, TP.HCM cần phải tính đến các chế độ an sinh xã hội cho lực lượng lao động nhập cư, tạo điều kiện cho họ phát triển tốt nhất để đóng góp cho TP” - ông Trung nhấn mạnh.

Nhiều cặp vợ chồng sinh một con và đợi khi có điều kiện sẽ sinh thêm con thứ hai. Tuy nhiên, nếu khoảng cách giữa hai lần sinh quá dài có thể sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Khi đó, người mẹ phải lặp lại chu trình sinh con, nhiều người sẽ bị lạ lẫm, phải học lại một số kiến thức chăm sóc con nhỏ. Nếu người mẹ vướng vào giai đoạn lớn tuổi sẽ dẫn đến nguy cơ cho thai nhi, tỉ lệ khó có con lại cũng cao hơn.

Khoảng cách lý tưởng giữa các lần sinh con là từ ba đến năm năm, thời gian đó đủ để người mẹ phục hồi sức khỏe và quá trình nuôi con nhỏ sẽ đỡ vất vả hơn. Nếu mẹ sinh mổ, vết sẹo cũng đã lành lại, sức khỏe tử cung đã hồi phục để sẵn sàng mang thai.

BS CKII BÙI THỊ THU HÀ,
Phó Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, BV Từ Dũ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm