Game online đang ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ em, thậm chí gây nghiện. Để tìm hiểu lý do và giải pháp giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, PLO phỏng vấn TS Tâm lý Phạm Tiến Sỹ, chuyên viên tham vấn tâm lý thanh thiếu niên, giảng viên Khoa Xã hội học và Công tác xã hội, Đại học Khoa học Huế, người có nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi.
TS Tâm lý Phạm Tiến Sỹ, Khoa Xã hội học và Công tác xã hội, Đại học Khoa học Huế. Ảnh: NVCC. |
Những câu hỏi tại sao
. Thưa TS, tại sao lứa tuổi từ 10-15 lại dễ bị thu hút bởi game online như vậy?
+ Theo Game Quitters - Cộng đồng Hỗ trợ Toàn cầu dành cho những người chơi game và gia đình của họ, trẻ dưới 10 tuổi cũng chơi game và nghiện game, tuy nhiên số lượng này ít hơn nhóm 10-15 tuổi.
Lứa tuổi này dễ bị nghiện và lệ thuộc vào game vì đã có kinh nghiệm với thiết bị điện tử. Các em lại bắt đầu dậy thì, có nhiều thay đổi thể chất và tâm lý. Giao tiếp xã hội và các mối quan hệ tích cực, tiêu cực dần hình thành.
Đấy là phía cầu, còn phía cung thì phần lớn game được thiết kế cho nhóm trẻ này.
. Lý do chính khiến trẻ bị thu hút bởi game, rồi nghiện game là gì?
+ Có nhiều nguyên nhân, nhưng lý do chính là game mang lại những thứ mà trẻ không tìm được hoặc không dễ đạt được ở đời thực.
Game thường được chia thành nhiều bậc với độ khó và nhiệm vụ khác nhau. Hoàn thành mỗi bậc trẻ thường có cảm giác đạt được thành tựu. Lúc này, não bộ dễ tiết ra dopamine - loại hoocmon “hạnh phúc” được giải phóng khi con người cảm thấy vui vẻ, hài lòng.
Trong khi đó, ở đời thực nhiều trẻ cảm thấy áp lực từ cuộc sống, có thể do bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng, rồi áp lực đồng trang lứa, thầy cô… Mà để đạt được thành tựu trong những hoạt động đó lại khó hơn là game. Chưa kể, trong game, không đạt được thành tựu thì cũng không bị ai chê trách phải xấu hổ.
Game online thu hút thanh thiếu niên. |
4 đặc trưng "gây nghiện"
. Game “gây nghiện” thường là những loại game nào, thưa tiến sĩ?
+ Các nhà sản xuất thường tạo ra game online với 4 đặc trưng.
Chẳng hạn game có một đích đến cuối cùng, với nhiều nhiệm vụ, cấp độ. Điều đó khiến người chơi muốn chơi liên tục hết cấp độ này đến cấp độ khác.
Trong game luôn có quy tắc bình đẳng, không có sự so sánh, áp lực đồng trang lứa, phân biệt hoàn cảnh, xuất thân của người chơi.
Game thường có phần thưởng ngay sau khi người chơi hoàn thành một nhiệm vụ nào đó: một âm thanh kích thích, một bông hoa nở ra, ngôi sao bay lên... Tất cả tạo ra sức lôi cuốn, tăng cảm giác đạt được thành tựu của người chơi.
Và thông thường, các game đều rất dễ đăng nhập và dễ chơi.
Càng đáp ứng được các yếu tố trên thì game càng hấp dẫn, thu hút người chơi. Bất cứ loại nào, không cần phải là game bạo lực, đều có thể gây nghiện.
. Có thể phân loại, sắp xếp mức độ bị ảnh hưởng bởi game theo thời gian chơi hàng ngày của trẻ không?
+ Chưa có một tiêu chí thống nhất trong phân loại mức độ bị ảnh hưởng bởi game ở trẻ.
Thời gian chơi là một yếu tố để đánh giá. Khi thời gian chơi quá dài, chiếm nhiều thời gian của các hoạt động khác thì có thể là dấu hiệu để nhận biết rằng trẻ bắt đầu có ham muốn quá mức đối với game.
Tuy nhiên, có trường hợp trẻ chơi 4 tiếng, nhưng sau khi chơi vẫn tham gia vào các hoạt động khác một cách bình thường và không bị ảnh hưởng cảm xúc, không có cảm giác khó chịu khi hoạt động chơi game bị gián đoạn.
Như vậy, để phân loại mức độ bị ảnh hưởng, cần xem xét, đánh giá những yếu tố khác như biểu hiện và cảm xúc sau khi chơi game, những ảnh hưởng của việc chơi game đến quan hệ xã hội và những hoạt động khác...
Chơi game online trên điện thoại di động. |
Cấm hay quản?
. Có nên cấm hoàn toàn việc chơi game đối với các bạn trẻ hay không? Nếu không, cách thức để gia đình quản lý là gì?
+ Nhìn chung, các game đều có yếu tố rèn luyện khả năng nhanh tay nhanh mắt, khả năng sắp xếp logic cho người chơi. Bản thân các trò chơi không xấu, cách chơi mới là yếu tố quyết định trò chơi đó là tốt hay không tốt.
Nếu chơi game để phục vụ mục đích giải trí và trẻ có thể kiểm soát, điều phối được thời gian và tâm lý thì đây là hoạt động hoàn toàn bình thường.
Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng phụ huynh không nên cấm con chơi game. Trong trường hợp dù muốn, cũng không thể cấm được vì điện thoại là vật dụng gắn liền với con người trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, việc cấm đoán sẽ tạo ra tâm lý không tốt với con.
Bố mẹ nên quản lý hoạt động chơi game theo hướng để game trở thành một môn giải trí hoặc một phần thưởng cho những nỗ lực trước đó của con. Đồng thời, cần có những giải pháp khác đảm bảo trẻ có thể có cảm giác đạt được thành tựu, tạo ra giá trị trong các hoạt động khác, thay vì để trẻ chìm trong game như một cách duy nhất để khẳng định bản thân và tìm kiếm cảm giác thành công.
. Chìa khóa quan trọng nhất để giúp game online chỉ là một trò chơi là gì?
+ Phòng hơn tránh. Do vậy, bản thân bố mẹ cần phải thay đổi thói quen, hành vi của mình trước. Việc bố mẹ sử dụng điện thoại trước mặt con cũng là mầm mống làm tăng nguy cơ nghiện các thiết bị điện tử ở trẻ. Thay vì vậy, phụ huynh nên tăng cường giao tiếp, tâm sự với con.
Để ngăn tình trạng nghiện game, bố mẹ nên chủ động, tập trung phòng - phát hiện - can thiệp.
Để phòng, gia đình nên bớt gây áp lực cho con, hạn chế so sánh với bạn bè và không ép buộc con làm điều con không muốn; tăng cường giao tiếp, ghi nhận con trong mọi hoạt động, để con có cảm giác rằng có thể đạt thành tựu ngay trong đời thực. Đồng thời, nên tăng cường các hoạt động khác liên quan đến năng khiếu, nghệ thuật, thể thao… cho con.
Khi thấy con có xu hướng chơi game quá mức về thời gian, mức độ ảnh hưởng đến các hoạt động khác và cảm xúc, bố mẹ cần phát hiện càng sớm càng tốt để có thể xử lý ngay. Trong trường hợp cần thiết, có thể tìm đến sự hỗ trợ, can thiệp từ người có kinh nghiệm ngay ở giai đoạn này.
Game online - cộng đồng 3 tỷ người
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi chơi game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%.
Còn theo một nghiên cứu của Game Quitters năm 2022, thế giới có hơn 2 tỷ người chơi các trò chơi điện tử và có khả năng vượt qua 3 tỷ vào năm 2023. Khoảng 3-4% game thủ trở nên nghiện.
Tại Việt Nam, một nghiên cứu năm 2021 của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, đối với trẻ ở độ tuổi 10 - 24 cho thấy: Độ tuổi trẻ em bắt đầu sử dụng Internet là 11 (lớp 6), trong đó 71% dành hơn 3 giờ/ngày cho cõi ảo.