Chuyện những bạn trẻ cai nghiện game online ở ngôi trường đặc biệt

(PLO)- Thoát khỏi nghiện game online, nhiều bạn trẻ có tâm lý ổn định, trưởng thành hơn, nhưng vẫn không tránh được cảm giác buồn, ân hận về năm tháng đã qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi bị bố mẹ “ép” đi cai nghiện game online, nam sinh 15 tuổi tên Minh, quê ở Phú Thọ, vừa học hết lớp 9.

Chuyện của Minh và Mai

Bắt đầu chơi game vì được bạn bè rủ rê khi lên cấp II, ban đầu Minh chỉ chơi 2 tiếng/ngày. Lâu dần, từ lúc nào không biết, cậu cán mốc 15-16 tiếng/ngày cho thế giới ảo. Từ một học sinh giỏi suốt 6 năm học, sang lớp 7 và những năm tiếp theo Minh tụt dốc, “cố gắng lắm cũng chỉ là học sinh tiên tiến”.

Học võ là một cách để giải tỏa năng lượng của người trẻ, qua đó giảm bớt sự lôi kéo từ game online.

Học võ là một cách để giải tỏa năng lượng của người trẻ, qua đó giảm bớt sự lôi kéo từ game online.

Đó là những ngày sáng học ở trường, trưa về nhà ăn cơm, xong ra quán nét chơi đến tối, về nhà ăn, rồi lại trốn đi chơi đến sáng hôm sau và đi học luôn. Cứ vậy gần 3 năm, gia đình nhiều lần bàn tới chuyện chuyển trường. “Bố dọa nếu em không ngừng chơi thì sẽ đưa đi cai nghiện game”.

Chuyện phải đến đã đến. Khi cậu tỉnh ngộ ra, quay lại với bài vở thì không kịp nữa. Học hành không hiệu quả, vẫn bị bạn bè lôi kéo, không kiểm soát được… năm ấy, Minh trượt cấp III công lập.

Một ngày vừa ngủ dậy, bố nói đưa em đi một học kỳ quân đội dài 2 tuần. “Hóa ra là đưa đi cai nghiện game, đến nay là hơn 2 tháng rồi em chưa được về nhà”, Minh ngậm ngùi.

Nhỏ hơn Minh 1 tuổi là Mai, quê Thái Bình. Chìm trong game từ lớp 6, dần dần có những ngày bỏ học, bỏ ăn, bỏ ngủ, “có đợt ngồi quán net 24/24, ở lớp thì bị ghi sổ đầu bài, luôn đứng chót hạng”.

Cứ thế, ở lớp Mai ngày càng ít bạn. “Nhắc đến trường là em thấy chán và lười. Không ai chơi cùng nên em cũng kệ luôn. Em không quan tâm đến ai, mặc kệ cả gia đình”, Mai nhớ lại.

Đến khi bố mẹ phát hiện thì tình trạng Mai đã rất tiêu cực. Càng khuyên ngăn, Mai càng chống đối, thậm chí gây thương tích cho bố mẹ. “Em vượt quá giới hạn, không thiết tha gì nữa thì bố mẹ đưa em vào đây”, Mai nói.

Ngôi trường đặc biệt...

Minh và Mai là hai trong số hàng trăm đứa trẻ đang cai nghiện game online tại cơ sở IVS, Thanh Oai, Hà Nội, một trường nội trú nhằm tới đối tượng học sinh cá biệt, trong đó có những em nghiện game online. Nhiều số đó, giống như Mai, nhập học trong tình trạng sức khỏe yếu, da xanh xao, thiếu ngủ, thường xuyên bị cúm và đau đầu.

Thầy Đặng Đức Bình, Phó Hiệu trưởng IVS, cho biết: “Phần lớn các bạn khi đến trường đều gặp vấn đề về giao tiếp, ít nói, nói chuyện không lễ phép, không có kỹ năng tập thể. Ngôn ngữ các bạn sử dụng là của thế giới game. Thể lực rất yếu, không thực hiện được những bài tập thể chất cơ bản”.

Thách thức đầu tiên của các học viên này là học cách chung sống trong tập thể. Cách ly hoàn toàn với thiết bị điện tử, chấm dứt những ngày game triền miên, học viên phải gò vào các hoạt động giúp quên đi những thói quen cũ và giải tỏa năng lượng như: tập võ Vovinam, chơi piano, guitar, yoga, bóng đá

Cùng với đó là chương trình học các môn văn hóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khoảng thời gian tối thiểu 3 tháng, nhà trường mới xem xét, đánh giá. Nếu tiến bộ, học sinh có thể về thăm nhà 2-3 ngày, hoặc bố mẹ lên thăm trực tiếp tại trường.

“Lấy tập thể để rèn cá nhân. Xung quanh không có ai sử dụng điện thoại, máy tính, chơi game thì dần dần các em sẽ thấy đó là điều bình thường. Môi trường nề nếp giúp các em kỷ luật hơn và buộc phải thích nghi”, thầy Bình nói.

Thay vì game online, học sinh được hướng vào âm nhạc, nghệ thuật.

Thay vì game online, học sinh được hướng vào âm nhạc, nghệ thuật.

... và niềm vui mới ngoài game

Phần nhiều bạn trẻ ở cơ sở giáo dục đặc biệt này ở lứa tuổi lớp 6-9. Cô Vũ Thu Thảo, giáo viên Văn kiêm quản nhiệm trực tiếp ăn, ngủ và ở cùng các em cho biết: “Tâm sinh lý của các em trong độ tuổi này rất phức tạp, nên rất khó để nắm bắt cảm xúc của từng bạn”.

Theo cô Thảo, dù không thể đổ hoàn toàn trách nhiệm cho bố mẹ, nhưng phần lớn các em nghiện game đều có hoàn cảnh riêng. Bố mẹ quá bận và không có thời gian cho con, chưa chủ động tìm hiểu, lắng nghe quan điểm, mong muốn của con cái. Không ít trường hợp bố mẹ ly thân…

Trải qua một năm học ở ngôi trường đặc biệt, Mai giờ đã mập hơn và ngủ ngon hơn nhiều. Kết quả học tập từ mức dưới trung bình tăng lên trung bình - khá. Đặc biệt, em còn khoe đã có những người bạn thân ở cùng phòng. “Em muốn học xong lớp 9 ở đây sẽ về Thái Bình thi trường THPT gần nhà. Không được thì học nghề để giúp bố mẹ”, Mai trầm giọng.

Trong khi đó, Minh chưa nghĩ đến ngày được về hẳn hay tương lai xa gần. Em bảo chỉ mong rèn luyện thật tốt để khi đến hạn 3 tháng sẽ được thầy cô cho về thăm nhà lần đầu tiên. “Em thích nhất là học võ Vovinam. Em còn biết chơi cả piano và guitar nữa”, Minh hào hứng nói với PLO và đó có lẽ là câu chuyện mà cậu sẽ khoe với bố mẹ.

Nghiện game trong phân loại bệnh quốc tế

Theo Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai, tỉ lệ nghiện internet và game có dấu hiệu gia tăng trên toàn thế giới, trong đó cao nhất ở châu Á với 6,3% dân số. Ở Việt Nam, một nghiên cứu được năm 2021 của Viện Sức khỏe tầm thần ở độ tuổi 10-24 cho thấy: Độ tuổi trẻ em bắt đầu sử dụng Internet là 11 (lớp 6), trong đó 71% dành hơn 3 giờ/ngày cho cõi ảo.

Tổ chức WHO đã chính thức ghi nhận rối loạn game vào Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế mới (ICD-11). Bảng này là nền tảng cho việc xác định các xu hướng và thống kê những vấn đề liên quan đến sức khỏe trên toàn thế giới.

Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai cho biết nghiện internet được xếp vào loại nghiện hành vi. Khi trẻ sử dụng internet quá 4 giờ/ngày thì bố mẹ nên nghĩ đến những vấn đề liên quan đến bệnh lý. Đồng thời, bác sĩ nhấn mạnh internet có thể tác động tiêu cực đến phát triển tư duy của trẻ.

(*Tên hai nhân vật học sinh đã được thay đổi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm