Người dân sợ đi xe buýt vì xuống cấp

Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ có duy nhất hình thức vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) là xe buýt. Tuy nhiên, số lượng, chất lượng và mật độ các tuyến xe buýt vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại cũng như sự hài lòng của người dân.

Xuống cấp trầm trọng

Theo ghi nhận của ngành chức năng TP Cần Thơ, hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ chưa thật sự đi vào chiều sâu. Ngoài việc hạn chế về số lượng thì đa phần các xe đều đã sử dụng trên 15 năm, trong khi đó việc triển khai các tuyến xe buýt trong quy hoạch và khai thác gặp nhiều trở ngại.

Nguyên nhân là việc tổ chức quản lý hoạt động xe buýt hiện nay còn sự chồng chéo giữa quản lý nhà nước và hoạt động khai thác; chính sách trợ giá có nhiều khó khăn do nguồn lực ngân sách của TP hạn chế.

Việc hệ thống xe buýt ở Cần Thơ xuống cấp trầm trọng đang là vấn đề lo ngại đối với nhiều hành khách sử dụng dịch vụ này.

Chị Đàm Thị Huệ, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Đi trên xe buýt rất sợ, ghế bị lỏng lẻo, dây điện thì treo lủng lẳng, xe không có máy lạnh, máy quạt thì không có đồ bảo vệ. Ngồi trên xe mà hồi hộp, chỉ mong mau đến bến để xuống xe”.

Bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ TP Cần Thơ) cũng bày tỏ: “Xe buýt hiện nay đã cũ, chạy chậm, ra khói, đi trên xe giống như đi trên con ngựa sắt, xe chạy rất xóc, nhiều xe kính bị rung tạo ra âm thanh khó chịu” .

Về mật độ các tuyến, hiện thời gian chờ xe buýt hơn 30 phút mỗi chuyến cũng là nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của hoạt động VTHKCC tại TP. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng phản ánh thái độ phục vụ từ nhân viên đến tài xế xe buýt đều không làm hài lòng khách.

Đa số xe buýt ở TP Cần Thơ đã sử dụng trên 15 năm. Ảnh: CẨM GIANG

Dây điện trên xe buýt lòi ra ngoài, dễ gây nguy hiểm cho hành khách. Ảnh: CẨM GIANG

Cần cải thiện chất lượng

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Đạo, Giám đốc Ban Quản lý và điều hành VTHKCC trực thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ, thừa nhận: “Tôi có nhận được sự phản ánh của nhiều hành khách đi xe buýt về các thực trạng này. Tôi khẳng định là có một số nhân viên đã có thái độ phục vụ không tốt đối với hành khách đi xe. Tôi đã trao đổi và làm việc với những người này để họ khắc phục”.

Còn về vấn đề hệ thống xe buýt TP xuống cấp nghiêm trọng, ông Đạo cho biết: “Ngoài việc khắc phục thái độ phục vụ của nhân viên thì để thu hút được hành khách, trước hết phải nâng cao chất lượng xe buýt bằng việc thay xe mới, xây dựng lại nhà chờ, bãi đỗ…”.

Trong quy hoạch có nêu rõ là sẽ đầu tư xe mới, phê duyệt quỹ đất để xây dựng trung tâm điều hành, nhà chờ, bãi đỗ. “Nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được thực hiện. Đồng thời, Sở GTVT cũng đã có văn bản gửi Sở TN&MT về vấn đề này nhưng cũng chưa có phản hồi. Đây là nguyên nhân khiến cho VTHKCC bằng xe buýt chưa phát triển xứng tầm với vị trí là TP trung tâm vùng ĐBSCL” - ông Đạo phân tích.

Sẽ đầu tư và mở thêm tuyến xe buýt

Theo ông Nguyễn Hoàng Đạo, đề án xây dựng, khuyến khích phát triển VTHKCC giai đoạn 2016-2020 và định hướng sau năm 2020, TP Cần Thơ sẽ đầu tư thay xe mới, mở thêm 24 tuyến (15 tuyến nội thành và chín tuyến liên tỉnh). Giai đoạn đầu sẽ mở mới 10 tuyến nội thành và năm tuyến liên tỉnh.

Hiện Cần Thơ có sáu đơn vị tham gia khai thác trên tám tuyến, gồm năm tuyến nội địa và ba tuyến liên tỉnh đi các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang với tổng số 82 phương tiện và chiều dài tuyến 223 km, trung bình có 388 lượt xe hoạt động trong ngày. Trong đó, Ban Quản lý và điều hành VTHKCC là 34 xe, chiếm 41% tổng số phương tiện khai thác trên địa bàn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới