Nhằm sẻ chia những mất mát của người dân trong đại dịch, đồng thời tri ân sự hy sinh, gian khổ của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, ngày 29-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận Phú Nhuận (TP.HCM) đã phối hợp với quán cà phê Lúa tổ chức triển lãm chuyên đề “Lặng”. Triển lãm diễn ra từ ngày 29-5 đến 4-6.
Ban tổ chức trưng bày hơn 1.500 tư liệu gồm: Văn bản chỉ đạo phòng chống dịch của hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở; các mẫu giấy tờ cung cấp cho người dân sử dụng trong thời gian thực hiện giãn cách; hình ảnh, sách, báo, ấn phẩm tuyên truyền công tác phòng chống dịch…
Cuộc chiến COVID-19 một năm nhìn lại
Tay lật những tấm ảnh, cặm cụi đọc từng câu chữ, ông Nguyễn Văn Triệu (64 tuổi, cựu chiến binh quận Phú Nhuận) xúc động chia sẻ: “Cơn đại dịch vừa qua đã có quá nhiều tổn thất về con người, kinh tế của Việt Nam. Điều đáng tiếc trong tôi cho đến thời điểm hiện tại là vì đại dịch quá nguy hiểm, những người ra đi không thể an táng theo nghi thức truyền thống của người xưa mà buộc phải hỏa táng. Không có người thân bên cạnh, không một ai tiễn đưa. Xót xa vô cùng.
Ông Huỳnh Minh Hiệp và một hiện vật trưng bày tại triển lãm. Ảnh: TÚ NGÂN |
Ở độ tuổi đã quá một đời người, khi tận mắt nhìn lại những hiện vật của thời khắc đau thương, tận đáy lòng tôi thật sự mong rằng cuộc sống của người dân sẽ sớm trở lại bình thường, những nỗi đau sẽ nguôi ngoai, người đi sẽ thanh thản, người ở lại hãy sống thật bình an”.
Trong khuôn viên của quán cà phê Lúa, một góc quán được tái hiện Siêu thị mini 0 đồng, góc khác là Chuyến xe nghĩa tình chở lương thực, thực phẩm, sách, báo đến với bà con... Dọc theo đường đi là những bức ảnh mang đậm tính thời sự tái hiện khoảnh khắc, dấu ấn đại dịch COVID-19, đồng thời tôn vinh sự cống hiến thầm lặng, sự hy sinh của đội ngũ tuyến đầu và hậu phương trong hành trình vượt qua đại dịch COVID-19.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong, người đã lưu lại vô vàn khoảnh khắc về đại dịch COVID-19, bày tỏ: “Với tôi, một năm vừa qua là một ký ức mà tôi phải luôn nhớ mãi. Nhớ lại thời khắc khó khăn lúc đó, ra đường cũng nhọc nhằn, muốn mua bó rau, ổ bánh mì cũng khó. Đối diện với khoảnh khắc sinh tử mong manh. Đại dịch đã qua nhưng nghĩa tình của tất cả người dân sẽ luôn là hình ảnh đẹp. Hy vọng rằng sau đại dịch, người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung luôn có cuộc sống bình an, hạnh phúc, không còn chống chọi với những căn bệnh nguy hiểm”.
Ở độ tuổi đã quá một đời người, khi tận mắt nhìn lại những hiện vật của thời khắc đau thương, tận đáy lòng tôi thật sự mong rằng cuộc sống của người dân sẽ trở lại bình thường, nỗi đau sẽ nguôi ngoai, người ra đi sẽ thanh thản và người ở lại hãy sống thật bình an.
Ông NGUYỄN VĂN TRIỆU (64 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận)
Nhìn những kỷ vật, hình ảnh ghi dấu ký ức của đại dịch và khung cảnh của một bệnh viện dã chiến được tái hiện trong không gian của triển lãm, chị Lê Ngọc Thùy Linh (29 tuổi, quận Phú Nhuận) cho hay: “Đó là một ký ức buồn của người dân TP.HCM cũng như người dân cả nước. Nhớ về một năm đã qua, thời điểm bước vào đỉnh dịch, tôi là một nhân viên trong tuyến đầu. Những khoảnh khắc mệt mỏi, tất bật hỗ trợ chăm lo an sinh cho người dân… cứ lần lượt hiện lên trong đầu, như ngày hôm qua vậy. Hôm nay, chúng ta có thể vui mừng khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng mong rằng chúng ta không nên chủ quan. Hãy tự bảo vệ bản thân, cũng như bảo vệ người khác”.
Mô hình bệnh viện dã chiến được tái hiện tại triển lãm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Mỗi hiện vật là một mảnh ký ức về thời khắc lịch sử
Ông Huỳnh Minh Hiệp, Phó Chánh Văn phòng Trung tâm UNESCO, người đã trực tiếp sưu tập hơn 1.500 hiện vật về đại dịch, cũng là người nung nấu, phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận Phú Nhuận thực hiện buổi triển lãm trưng bày đặc biệt này.
Theo ông Hiệp, sở dĩ ban tổ chức chọn ngày khai mạc 29-5, trước ngày 30-5 là ngày phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại quận Phú Nhuận. Ông cũng cho biết từ khi bắt đầu đi tìm và lưu giữ lại những hiện vật, ông đã mong ước sẽ làm một triển lãm kỷ niệm một năm dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM để cùng người dân nhìn lại khoảnh khắc đau thương, mất mát đã qua. Cùng với đó là tôn vinh sự tương thân tương ái, nỗ lực hết sức mình của tuyến đầu chống dịch và các ban ngành, đoàn thể đã ra sức cùng hỗ trợ, chăm lo cho người dân trong suốt đại dịch.
“Hình ảnh về bệnh viện dã chiến, lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, phiếu đi chợ, giấy đi đường, giấy nhận tro cốt, lọ vaccine, giấy cắt cỏ cho bò ăn, giấy đi rẫy, giấy đi mua 10 lít rượu, thẻ tiêm chích, có những mảnh giấy cầm trên tay đọc mà rất đau lòng... Không chỉ riêng kỷ vật ở TP.HCM mà bạn bè khắp các tỉnh, thành cũng mang đến tặng, có nhiều nơi ở xa thì tôi tìm đến. Tôi lưu lại cho thế hệ sau nhìn thấy, biết về một thời khắc khó quên của dân tộc” - ông Hiệp chia sẻ.
Người của các kỷ lục
Tại triển lãm, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng chứng nhận kỷ lục “Người sở hữu bộ sưu tập phiếu đi chợ và các hiện vật, giấy tờ liên quan đến dịch COVID-19 tại các địa phương của Việt Nam có số lượng nhiều nhất” cho nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp.
Được biết đây là kỷ lục thứ bảy của nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp.