Chiều 15-7, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức họp giao ban công tác cấp cứu ngoại viện. Báo cáo tình hình cấp cứu ngoại viện, BS CK2 Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cho biết đến năm 2019, TP có 31 trạm cấp cứu vệ tinh, trong đó có sáu trạm của bốn BV triển khai cấp cứu xe 2 bánh gồm: BV Đa khoa Sài Gòn, BV quận Thủ Đức, BV quận 2, BV quận 4.
Lực lượng cấp cứu ngoại viện 115 chuyển viện một trường hợp. Ảnh: HL
Chưa kết nối với bệnh viện
Số lượt cuộc gọi về trung tâm cấp cứu 115 và số bệnh nhân tăng lên hàng năm. Năm 2015 có 8.787 cuộc gọi với 5.172 bệnh nhân; đến năm 2018, con số này tăng lên gấp 3 với 23.244 cuộc gọi với 14.368 bệnh nhân. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm tiếp nhận 13.961 cuộc gọi với số 8.261 bệnh nhân.
Đáng chú ý, các trạm vệ tinh đã làm tốt vai trò san sẻ, giảm tải cho Trung tâm cấp cứu 115 khi tiếp nhận số ca bệnh và chuyển viện nhiều hơn hẳn Trung tâm 115. Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm 115 thực hiện 4.041 lượt xuất xe và 3.077 ca chuyển viện, trạm vệ tinh xuất xe 5.601 lượt và 4.430 ca chuyển viện.
Tuy nhiên, theo BS Long, mạng lưới cấp cứu ngoại viện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Hoạt động trạm vệ tinh tuy đa dạng nhưng chưa đồng đều, thiếu xe cứu thương, nguồn nhân lực… Ngoài ra, hoạt động các trạm vệ tinh là tự nguyện, BV phải chịu thất thu khi đến nơi không có bệnh nhân hoặc bệnh nhân chờ lâu quá đã tự túc di chuyển, không thu phí được.
Trung tâm cấp cứu 115 còn gặp nhiều khó khăn khi kết nối, trao đổi với trạm vệ tinh, các BV trong việc điều phối, hỗ trợ chuyên môn, vận chuyển người bệnh.
Do đó, BS Long mong muốn Sở Y tế cần xây dựng hệ thống điều hành mạng lưới cấp cứu thông minh kết nối trung tâm với người dân; kết nối Trung tâm cấp cứu 115 với kíp xe cứu thương để biết tình trạng xe cứu thương để điều phối, hỗ trợ kíp cấp cứu đi và tình hình thông tin bệnh nhân; kết nối trung tâm và BV điều trị giúp BV biết tình trạng bệnh nhân và Trung tâm biết được BV nào quá tải để điều phối…
Ngoài ra, hệ thống cần có phần mềm phản hồi đánh giá, các dữ liệu phải được số hóa và phân tích định kỳ để phát triển mạng lưới cho hiệu quả. Số liệu cập nhật thường xuyên trên dữ liệu dùng chung của TP. Qua đó phối hợp liên ngành và kịp thời báo cáo cho Sở Y tế những trường hợp khẩn cấp.
“Diễn tiến người bệnh thay đổi từng phút từng giờ, đặc biệt cấp cứu đột quỵ và bệnh lý nặng nên BV tiếp nhận bệnh nhân phải được thông báo sẵn sàng trước”, BS Long ý kiến.
Chuyển viện đúng rất quan trọng
Đồng tình với đề xuất của BS Long, TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não (BV Nhân dân 115) cho rằng việc kết nối giữa Trung tâm cấp cứu 115, các trạm vệ tinh và BV vô cùng cần thiết, đặc biệt cứu sống bệnh nhân đột quỵ.
BS Thắng cho biết theo nghiên cứu trên 1.000 bệnh nhân đột quỵ nhập BV Nhân dân 115 vào năm 2016, tỉ lệ vận chuyển bằng xe cấp cứu ngoại viện đến BV phục hồi tốt hơn bằng các phương tiện khác. Tuy nhiên, tại BV chỉ có 10% bệnh nhân được đưa đến bằng xe cấp cứu ngoại viện còn lại 90% di chuyển bằng phương tiện công cộng chứng tỏ dịch vụ cấp cứu ngoại viện chưa đủ cung cấp cho bệnh nhân.
Ngoài ra, thời gian vàng điều trị đột quỵ rất quan trọng, nếu đưa bệnh nhân đến BV không có điều kiện điều trị đột quỵ sẽ vô tình kéo dài thời gian, bệnh nhân khó hồi phục.
BS Thắng dẫn chứng: Mới tối hôm qua, một bệnh nhân đột quỵ và vào BV rất sớm, chỉ sau 30 phút xảy ra đột quỵ nhưng tại BV này, bệnh nhân được chụp CT scan phát hiện đột quỵ và chuyển đến BV chúng tôi vào lúc 3 giờ sáng, lúc này bệnh nhân đã bị nhồi máu não ác tính toàn bộ bán cầu não và không thể làm gì khác. "Vô tình BV kia đã giữ bệnh nhân lại 4 tiếng làm mất thời gian vàng điều trị. Chuyển viện đúng hết sức quan trọng”, ông nhói.
Do đó, theo BS Thắng, Trung tâm cấp cứu 115 cần kết nối với các BV có điều trị đột quỵ để chuyển bệnh nhân đến đúng địa chỉ. Để tránh các đơn vị đăng ký điều trị đột quỵ không duy trì thường xuyên, Sở Y tế cần chuẩn hóa chất lượng điều trị các BV, đăng ký điều trị đột quỵ phải cam kết bệnh nhân được điều trị vào bất cứ giờ nào.
Đáp ứng nhanh, mong giảm thất thu
Chủ trì cuộc họp giao ban, PGS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận trong điều kiện tự chủ, các BV còn khó khăn về nhân lực và kinh phí khi tham gia mạng lưới cấp cứu ngoại viện, ngành y tế chưa có sự hỗ trợ nên cần xem hoạt động cấp cứu ngoại viện trước hết là tạo niềm tin, khoan tạo nguồn thu cho BV.
Mặc dù cấp cứu, vận chuyển bệnh có thu phí nhưng với đặc điểm cấp cứu ở Việt Nam, nhiều bệnh nhân có thói quen gọi thấy lâu tới là tự đi nên thất thu. Do đó, theo PGS Tăng Chí Thượng, cần nhân rộng mạng lưới cấp cứu ngoại viện để đáp ứng nhanh hơn nhu cầu người dân thì mới mong cải thiện tình trạng này.
“Sở Y tế khuyến khích các BV tham gia mạng lưới cấp cứu, nếu BV báo có trục trặc về nhân lực, vật chất thì có thể tạm ngưng một thời gian để củng cố”, PGS Thượng nói.
Sắp tới, theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Sở Y tế sẽ kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi luật cho phép có mã ngành đào tạo chuyên viên cấp cứu ngoại viện. Hiện nay chưa có lực lượng này nên phải sử dụng nhân lực nội viện. Sở sẽ tham mưu UBND TP xem xét cho phép bổ sung cơ số xe cứu thương đối với các BV tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh; đào tạo nâng cao năng lực cấp cứu ngoài BV cho nhân viên y tế của các trạm cấp cứu vệ tinh của các BV. Xây dựng hệ thống điều hành mạng lưới cấp cứu vệ tinh, ứng dụng IT để chủ động điều phối xe cứu thương của các BV tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh; nghiên cứu, triển khai nhân rộng thêm xe cấp cứu 2 bánh tại những trạm cấp cứu vệ tinh. |