Người gọi là một đàn ông xưng tên Nam, báo tin trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM có một người đi đường ngất xỉu, đề nghị cấp cứu 115 đến hỗ trợ.
Lập tức xe cứu thương xuất phát cùng ba nhân viên y tế. Trên đường đi, y sĩ Kiệt thường xuyên giữ liên lạc với ông Nam.
Đến địa điểm như đã báo, nhân viên cấp cứu 115 tìm mãi nhưng không thấy người ngất xỉu. Y sĩ Kiệt liền gọi cho ông Nam thì nghe tiếng cười hô hố rồi ngắt kết nối. Biết bị lừa, y sĩ Kiệt cùng lực lượng cấp cứu 115 lên xe ra về.
Nhân viên cấp cứu 115 TP.HCM chuyển bệnh nhân lên xe cứu thương. Ảnh: TRẦN NGỌC
Không chỉ vậy, có mặt tại Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM đêm 29-4, phóng viên PLO còn ghi nhận không ít cuộc điện thoại gọi tới quấy phá. Có người cúp điện thoại ngay khi nhân viên trực tổng đài nhấc máy. Cũng có người cười ha hả khi nghe nhân viên trực tổng đài nói câu “xin nghe… “ rồi cúp máy cái rụp.
Điều dưỡng Nguyễn Văn Y, trưởng tua cấp cứu 115, cho biết tình trạng gọi điện thoại tới 115 để quấy phá xảy ra thường xuyên.
“Theo quy định, một khi có cuộc điện thoại gọi tới thì nhân viên cấp cứu 115 phải đến ngay hiện trường hoặc nhà người bệnh. Tới nơi, nếu có bệnh nhân chúng tôi cấp cứu, còn không thì quay về” – ông Y nói.
“Đôi lúc cần xe và lực lượng 115 để cấp cứu người bệnh thì xe và lực lượng này đang trên đường tới chỗ bệnh nhân “ảo”. Những cuộc gọi quấy phá Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đã ảnh hưởng không ít tới hoạt động cấp cứu. Chưa kể tiêu tốn vô ích xăng xe, thời gian và công sức của nhân viên cấp cứu” – ông Y nói thêm.
Theo ông Y, hiện chưa có quy định chế tài đối với những người gọi điện thoại quấy phá Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM nên hiện tượng trên sẽ còn xảy ra dài dài.