Trong khi sau ngày làm việc cuối cùng vào chiều tối 31-8, người dân TP.HCM đã bắt đầu “tay xách nách mang” hành lý rời TP để đi nghỉ lễ 2-9 khiến các khu vực cửa ngõ kẹt xe nghiêm trọng thì ngày 1-9, tình hình dễ thở hơn. Tuy nhiên, tại các khu vực cửa ngõ của TP.HCM vẫn còn tình trạng các xe xếp hàng dài.
Cửa ngõ phía đông ùn tắc
Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, rạng sáng 1-9, một lượng lớn người dân rời TP đã khiến các khu vực cửa ngõ có dấu hiệu ùn ứ. Cụ thể, khu vực nút giao An Phú (TP Thủ Đức), các xe di chuyển chậm, xếp hàng dài để lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (đoạn giáp với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, qua địa bàn xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) hướng từ Đồng Nai đi Bình Thuận đã xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng.
Phà Cát Lái đạt đỉnh với hơn 75.000 lượt khách trong ngày 1-9. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Lượng xe đông nên các tài xế chỉ nhích từng chút một khiến dòng xe kéo dài khoảng 2 km từ đoạn giao nhau giữa hai cao tốc đến trạm thu phí đặt trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Do cao tốc quá tải, lực lượng CSGT TP.HCM đã hạn chế ô tô di chuyển qua tuyến đường này. Theo đó, toàn bộ xe từ đường Võ Nguyên Giáp di chuyển về nút giao An Phú buộc phải quay đầu trở lại. Đây cũng là nguyên nhân khiến các xe xếp hàng dài trên đường Võ Nguyên Giáp khi di chuyển về nút giao An Phú.
Tương tự, tại đường Lương Định Của (TP Thủ Đức) cũng có tình trạng ùn tắc kéo dài để chờ di chuyển về cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tại đường Mai Chí Thọ rẽ vào cao tốc, tình trạng này kéo dài hàng kilomet.
Tại khu vực phà Cát Lái nối TP Thủ Đức với tỉnh Đồng Nai cũng xảy ra tình trạng ùn tắc nhiều giờ liền. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Cát Lái, cho biết ngày 1-9, phà Cát Lái đạt đỉnh với hơn 75.000 lượt khách.
Trong đó, lượng khách tập trung chủ yếu vào sáng sớm 1-9. Ông Thắng cho biết ngày 31-8, lượng khách qua phà cũng đạt hơn 65.000 lượt/ngày. Để đảm bảo đi lại phục vụ người dân, giảm thời gian chờ đợi, xí nghiệp đã huy động tối đa lực lượng với bảy phà để giải tỏa hành khách một cách nhanh nhất.
Tương tự, đại diện Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) cho biết lượng khách qua bến xe trong dịp lễ này chỉ tăng nhẹ so với ngày thường. Ước tính có khoảng 12.000 lượt khách qua bến xe trong ngày cao điểm 1-9. Hiện Bến xe Miền Đông mới đảm bảo xe, phương tiện để phục vụ hành khách đi lại trong dịp lễ này.
Trong khi đó, tại Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), khuya 31-8 và rạng sáng 1-9, lượng khách qua bến đạt đỉnh điểm. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày có phần giảm, ước tính hơn 10.000 lượt khách.
“Tại Bến xe Miền Đông (cũ) khuya 31-8 và rạng sáng 1-9, lượng khách qua bến đạt đỉnh điểm. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày có phần giảm, ước tính hơn 10.000 lượt khách.”
Cửa ngõ phía tây dễ thở
Trái ngược với chiều 31-8, từ sáng đến trưa 1-9, các cửa ngõ về miền Tây đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, tại khu vực này vẫn còn tình trạng vài nơi xe xếp hàng dài, nhất là tại các giao lộ ở trục đường lớn.
Ghi nhận trên tuyến Quốc lộ 50 từ TP.HCM về Long An, nhiều gia đình mang theo hành lý di chuyển bằng xe máy cho nhanh, gọn hơn. Khu vực từ đường số 10 tới đường Nguyễn Văn Linh, quận 8 xảy ra tình trạng các ô tô nối đuôi nhau, xe máy xếp hàng để qua nút giao quan trọng này để di chuyển hướng về phía Long An.
Tình trạng ùn ứ cũng giảm rõ rệt tại hướng Quốc lộ 1 từ huyện Bình Chánh về các tỉnh miền Tây. Hướng xe di chuyển từ TP.HCM đi miền Tây vẫn đông đúc hơn hướng ngược lại. Sáng 1-9, có mặt tại khu vực này, PV không ghi nhận kẹt xe hay ùn tắc tại con đường cửa ngõ quan trọng này.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cho biết trong khi chiều tối 31-8, người dân đổ về khu vực này rất đông, gây ra tình trạng ùn tắc với khoảng 50.000 lượt khách qua bến thì ngày 1-9 đã thoáng hơn. Xe xuất bến đi bình thường.
Ông Phương cho biết so với ngày thường, lượng khách tăng gấp đôi, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 20%-30%. “Hiện chưa thống kê số khách qua bến xe trong ngày 1-9 nhưng ghi nhận từ sáng cho thấy tình hình ổn hơn ngày 31-8 rất nhiều, các tuyến đường xung quanh bến xe cũng không còn tình trạng ùn ứ như ngày 31-8” - ông Phương cho biết.•
Sân bay, ga tàu tiếp nhận lượng khách lớn
Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM tại sân bay Tân Sơn Nhất trong các khung giờ cao điểm từ sáng sớm đến trưa 1-9, cả bên ngoài và bên trong sân bay khách đi/đến khá thoáng, không xảy ra tình trạng ùn tắc.
Cảnh xếp hàng dài tại các quầy thủ tục của các hãng hàng không thường thấy tại sân bay Tân Sơn Nhất trong các dịp cao điểm hè, lễ, Tết đã cải thiện đáng kể. Lý do, các hãng hàng không đã áp dụng nhiều hình thức làm thủ tục tại kiốt, qua điện thoại, trực tuyến, hành khách không mất nhiều thời gian đến sân bay sớm để làm thủ tục theo cách truyền thống nên giảm tải tại nhà ga.
Đại diện sân bay Tân Sơn Nhất thông tin trong ngày đầu nghỉ lễ có 125.000 khách thông qua cảng với 720 chuyến bay, so với ngày thường tăng nhẹ. Trong khi đó, ngày 31-8, ngày cao điểm có 130.000 lượt khách với 740 chuyến bay. Dự kiến ngày 4-9, ngày cuối của kỳ nghỉ lễ, số lượng khách và chuyến bay tương đương ngày 31-8.
Phía cảng cũng cho biết việc điều hành slot (giờ cất/hạ cánh) vào các dịp lễ, Tết, cao điểm hè giãn cách linh hoạt, thay vì dồn vào khung giờ đẹp (sáng, trưa) dẫn đến tình trạng ùn tắc cả bầu trời và mặt đất do hạ tầng cảng đã vượt 1,7 lần công suất thiết kế.
Tại Ga Sài Gòn, lượng khách đi/đến trong ngày 31-8 và 1-9 cũng rất đông. Mỗi chuyến tàu có khoảng 500 hành khách, các toa, các tàu đều kín chỗ ngồi. Ông Nguyễn Ánh Luyện, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết ngày 1-9, Ga Sài Gòn phục vụ 10 tuyến tàu đi Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn và các tuyến tàu Bắc - Nam. Trước đó, trong ngày 31-8 cũng tổ chức 13 tuyến tàu phục vụ hành khách dịp lễ 2-9.
PHONG ĐIỀN - THY NHUNG