Bệnh có thể không dứt được nhưng nếu người bệnh sử dụng thuốc theo chuyên khoa, biết cách ăn uống phù hợp sẽ làm ổn định các triệu chứng trong những đợt tái phát bệnh.
Trong giai đoạn khó tiêu người bệnh nên giảm thức ăn nhiều chất béo, chất xơ. Nếu ăn chất béo, cần hạn chế các món chiên ngập dầu, thịt mỡ, ba rọi... Với sữa và chế phẩm từ sữa nên sử dụng sữa hoặc chế phẩm từ sữa tách béo. Còn về trái cây, nên ưu tiên dùng nước ép trái cây, trái cây đóng hộp, trái cây mềm, gọt vỏ.
Nên ưu tiên ăn loại đạm động vật mềm như cá, trứng, thịt gia cầm... và hạn chế ăn thịt cứng như bít tết, thịt nướng, các loại đậu hạt cũng khó tiêu. Rau củ nên ăn rau nấu chín (canh rau, rau xào), gọt vỏ một số loại rau củ có vỏ dày khó tiêu (ví dụ cà tím, cà rốt), hạn chế dùng rau sống và một số loại rau khác khó tiêu như bắp cải, bông cải, cà tím... Có thể dùng nước lọc, nước trà, cà phê bình thường, nước ngọt có gas nên hạn chế chứ không cần kiêng hẳn. Nên ăn gạo chà trắng, hạn chế ăn gạo lứt sẽ gây khó tiêu.
Ngoài chủng loại thực phẩm nên dùng và kiêng như trên, cũng cần hạn chế về số lượng ăn mỗi bữa. Đối với canh rau, nên ăn khoảng một nửa đến một chén mỗi bữa. Sữa, nước trái cây nên dùng một nửa ly mỗi lần. Trái cây nên ăn một nửa đến một quả tùy theo loại quả. Người bệnh thay vì ăn ba bữa chính nên ăn ba bữa chính nhỏ và có thêm 2-3 bữa phụ. Trong bữa phụ, người bệnh có thể sử dụng sữa chua, sữa tách béo, bánh ngọt.
Về cách chế biến, đối với món ăn cho người bệnh đầy bụng nên ưu tiên nấu các món có nước, nấu hầm mềm dễ ăn dễ tiêu. Sử dụng ít gia vị hành, tiêu.
Khoảng 30-40% trường hợp đầy bụng không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Phần còn lại thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường do biến chứng của bệnh trên hệ thần kinh ảnh hưởng chức năng của dây thần kinh phế vị chi phối hoạt động dạ dày. Các trường hợp khác gặp trong cảm cúm, nhiễm siêu vi, bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng, cắt dạ dày, các phẫu thuật khác liên quan đến dạ dày, ruột, bệnh thần kinh như Parkinson, rối loạn thần kinh sau đột quỵ, stress, trầm cảm...
Ở những người có triệu chứng như trên, điều đầu tiên là nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám và chẩn đoán cận lâm sàng để loại trừ một số nguyên nhân khác như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, ung bướu ở đường tiêu hóa, tắc ruột...
Ở người bình thường dạ dày có chức năng dự trữ thức ăn sau bữa ăn, nhào trộn thức ăn và chuẩn bị thức ăn sẵn sàng cho việc tiêu hóa và hấp thu khi đi xuống ruột non. Dạ dày bình thường co bóp khoảng ba lần trong một phút để tống xuất và đưa thức ăn xuống ruột non trong 90-120 phút sau bữa ăn. Ở người bị bệnh khó tiêu, dạ dày co bóp yếu làm chậm đưa thức ăn xuống ruột non. |
Theo ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM (TTO)