Giữa năm 2016, một số báo trong nước có đăng thông tin về một người gốc Việt triển lãm bản đồ Hoàng Sa trên đất Mỹ. Nhân vật trong bài là anh Trần Thắng, một kỹ sư hàng không đang sống ở xứ cờ hoa.
Những bằng chứng suýt bị lãng quên
. Thưa anh, sau sự kiện triển lãm tại hội thảo quốc tế “Sự xung đột trong biển Đông”, tổ chức tại ĐH Yale, Mỹ, đến nay dự án sưu tập bản đồ cổ của anh có những chuyển biến mới nào?
+ Hội thảo “Sự xung đột trong biển Đông” tại ÐH Yale là dịp để các học giả giới thiệu những công trình nghiên cứu của mình. Riêng bộ sưu tập bản đồ của tôi mang tính giới thiệu những bằng chứng lịch sử suýt bị lãng quên về chủ quyền trên biển Ðông của Việt Nam (VN), Trung Quốc (TQ) và các nước khác trong khu vực Ðông Nam Á.
Về bộ sưu tập bản đồ cổ này, GS Carl Thayer nhận xét: “Bộ sưu tập bản đồ của anh Thắng cho thấy những mâu thuẫn trong tuyên bố của TQ về cái gọi là chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo tranh chấp”. Còn trong bức thư gửi đến tôi vào tháng 7-2015 sau khi nhận bộ sưu tập bản đồ, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói: “Những hành động của TQ dựa trên chủ quyền lãnh hải là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế”.
Tôi dự định in bộ sưu tập bản đồ này thành đĩa CD, gửi đến khoa Ðông Nam Á học của 100 trường ÐH hàng đầu tại Mỹ để từ đây các trường ÐH có thêm nguồn tư liệu bản đồ cổ về VN và lãnh hải của TQ. Ngoài ra, tôi sẽ gửi tặng một số bản đồ cổ TQ cho các nghị sĩ Mỹ phụ trách về đối ngoại để tìm kiếm sự ủng hộ của chính phủ Mỹ.
. Anh có thể chia sẻ quá trình tìm kiếm, thẩm định trước khi công bố những tư liệu lịch sử có giá trị như vậy với học giả và công chúng quốc tế?
+ Giữa tháng 7-2012, tôi đọc tin TS Mai Xuân Hồng tặng bản đồ biển đảo thời nhà Thanh cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Lúc đó tôi đang tìm mua đồ cổ VN trên mạng eBay thì tình cờ nhìn thấy vài bản đồ TQ do phương Tây phát hành. Sau đó tôi gửi một số ảnh bản đồ cổ TQ về VN cho một số người thẩm định và nhận được phản hồi tốt. Từ đó tôi bắt đầu công việc sưu tầm bản đồ cổ về biển đảo.
Sau sáu tháng chuyên tâm sưu tập, tôi có được 80 bản đồ TQ do các nước phương Tây phát hành trong khoảng thời gian từ 1626 đến 2008. Ðiểm chung của bộ sưu tập bản đồ là miền nam của TQ dừng lại tại đảo Hải Nam (chứ không phải như đường lưỡi bò mà TQ tuyên bố - PV).
Nhiều bạn trẻ Đà Nẵng rất quan tâm tới bộ sưu tập bản đồ của anh Thắng. Ảnh: Anh Sơn
Anh Trần Thắng khi tìm mua atlas tại New York (Mỹ).
Phát hiện ba bộ sách quý hiếm
. Anh có thể nói kỹ hơn về một số tư liệu quý giá anh sưu tầm được?
+ Tôi có được ba bộ sách bản đồ atlas quý hiếm, có thể nói trên thế giới chỉ còn vài cuốn thôi.
Cuốn atlas đầu tiên tôi mua từ London giá 1.000 USD, đây là sách atlas đầu tiên về TQ in vào năm 1908 do Hội Truyền giáo TQ và nhà địa lý lừng danh Edward Stanford biên soạn và phát hành. Cuốn atlas thứ hai tôi mua từ New York giá 3.000 USD, do Bộ Giao thông nhà nước Trung Hoa Dân Quốc phát hành năm 1933 tại Nam Kinh. Tôi ấn tượng rất mạnh về giá trị lịch sử của quyển sách này. Sách to gần bằng cái bàn, trong đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy sách nào to như vậy.
Cuốn atlas thứ ba tôi mua từ Ba Lan giá 5.000 USD, do Bộ Giao thông Trung Hoa Dân Quốc phát hành năm 1919 tại Nam Kinh. Đây là ấn bản đầu tiên do nhà nước Trung Hoa phát hành, thể hiện bằng ba ngôn ngữ Trung, Anh, Pháp.
. Còn những bộ bản đồ về Hoàng Sa, anh đã “khai quật” ra sao?
+ Việc tìm kiếm các bản đồ về Hoàng Sa lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn, mãi sau tôi mới biết cách viết thuật ngữ của bản đồ cổ Hoàng Sa. Tôi sưu tập được 50 bản đồ Hoàng Sa và 20 bản đồ khu vực biển Ðông từ các nhà sưu tập ở Mỹ, Pháp, Ðức, Anh, Hà Lan, Ba Lan, Canada...
Trong bộ sưu tập bản đồ Hoàng Sa, quý nhất là bản đồ Hoàng Sa nằm trong bộ sáu sách atlas thế giới của Phillipe Vandermaelen, Viện trưởng Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ, xuất bản vào năm 1827. Bản đồ của Phillipe Vandermaelen ghi rõ chủ quyền của đế chế An Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Điều này minh chứng rõ ràng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa được quốc tế công nhận.
Người Việt không bao giờ bị khuất phục
. Là một kỹ sư chuyên về máy bay và làm cho một tập đoàn lớn của Mỹ, động lực nào để anh dấn thân vào công việc thu thập bản đồ biển Đông?
+ Khi bắt tay vào việc sưu tầm, tôi chỉ có một trái tim nóng đau đáu về chủ quyền biển đảo quốc gia. Lúc đó tôi hoàn toàn không có kiến thức về bản đồ. Tôi không biết mình sẽ cần sưu tập bao nhiêu bản đồ, số tiền bỏ ra là bao nhiêu, thời gian bao lâu. Công việc sưu tập này như thể từ trên trời rơi xuống và có một động lực vô hình nào đó thúc đẩy tôi làm việc. Khi hoàn thành việc sưu tập bản đồ về biển đảo VN, tôi chuyển về Ðà Nẵng triển lãm và lan tỏa đi khắp mọi miền của đất nước.
. Sống ở Mỹ nhưng như nhiều người ví von, “trái tim anh Thắng ở VN”. Anh có thể chia sẻ cảm xúc của một người xa quê trước những khó khăn quê hương gặp phải ở vấn đề biển đảo?
+ Chủ quyền quốc gia luôn có giá trị thiêng liêng. Trong mỗi khoảng thời gian của lịch sử, VN phải đối mặt một thách thức chủ quyền khác nhau, cuối cùng VN cũng bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ và lãnh hải cho đến muôn đời sau này. Tôi nhận thấy rằng trong các cuộc chiến, người ta không sợ đối phương có binh hùng tướng mạnh, vũ khí hiện đại, mà sợ nhất là ý chí quật cường của đối phương, cho dù các thế lực có mạnh đến mấy thì cũng không bao giờ khuất phục được ý chí của người VN.
. Xin cám ơn anh!
Trần Thắng là cháu nhà thơ Tế Hanh. Anh cùng gia đình sang Mỹ từ năm 1991 khi là sinh viên năm hai của ÐH Bách khoa TP.HCM. Anh tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại ĐH Connecticut và làm việc cho công ty động cơ máy bay Pratt & Whitney từ năm 2000. Hiện anh Thắng là ủy viên TƯ MTTQ VN khóa 8 (2014-2019); chủ tịch Viện Văn hóa & Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Mỹ.
Đến nay anh Thắng đã sưu tầm được 150 bản đồ cổ và ba sách atlas TQ chứng minh chủ quyền biển đảo VN. Với đóng góp này, anh được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT, Ủy ban Biên giới - Bộ Ngoại giao, UBND TP Ðà Nẵng. |