Suốt nửa thế kỷ qua, hội nhập quốc tế (HNQT) trở thành trào lưu chủ đạo của hàng trăm quốc gia, từ phát triển nhất đến lạc hậu nhất. HNQT có thể giúp đất nước phát triển, nhưng cũng không ít quốc gia sau vài thập niên nhập cuộc đã sa vào “bẫy thu nhập trung bình”, nợ công chồng chất, tài nguyên cạn kiệt, môi trường bị hủy diệt, nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ quốc tế và đầu tư nước ngoài. Vì sao họ thất bại?
Tụt hậu trên chính sân nhà
Đi lên từ kinh tế tiểu nông, dân số đông và nghèo, năng suất lao động thấp, cái chúng ta đang rất cần để HNQT nhưng cũng đang rất thiếu và yếu, đó là nội lực. Dân ta có câu nói đơn giản nhưng thâm thúy và chính xác: “Yếu thì không thể ra gió!”. Không có nội lực đủ mạnh thì thua ngay trên sân nhà là điều không thể tránh.
Chúng ta đã tham gia HNQT từ năm 1995, bắt đầu bằng việc gia nhập khối ASEAN và đạt mức sâu rộng nhất với việc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thứ 150 vào năm 2007. Sau hai mươi năm, nước ta đã có những mặt hàng xuất khẩu đứng thứ hạng cao trên thế giới. Việt Nam đã trở thành một bộ phận hữu cơ và liên lập của thế giới hiện đại, quan hệ ngoại giao với 185 nước, quan hệ kinh tế với hơn 220 nước và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, những tiếng còi báo động vang lên ngày càng nhiều. Sau 20 năm HNQT, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn yếu kém nhiều mặt. Xuất khẩu hàng trăm tỷ USD hàng gia công, lắp ráp nhưng tỷ lệ nội địa chỉ từ 10% đến 20%, 30%. Tập đoàn Samsung đưa danh mục 170 phụ kiện để mời cung ứng, câu trả lời từ các hiệp hội, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đã có 40-50 năm truyền thống, là: “Chưa làm được”. Trong khi danh mục của Samsung đưa ra có những linh kiện đơn giản như cục sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe!
Nông sản Việt Nam chủ yếu xuất thô, tạo việc làm và lợi nhuận cho các nhà nhập khẩu nước ngoài. Vì họ nắm thương hiệu và chuỗi phân phối, nên dù chúng ta sản xuất và xuất khẩu đứng đầu thế giới nhưng lại phụ thuộc và bị chi phối ngược về giá cả, chất lượng và rào cản kỹ thuật. Theo đà HNQT, hàng rào thuế quan đối với hầu hết mặt hàng giảm dần về 0%, hàng tiêu dùng của hàng chục quốc gia ồ ạt tràn vào bằng đường chính ngạch, tiểu ngạch. Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài dần mua lại các chuỗi phân phối nội địa để thay thế hàng Việt Nam trên các quầy hàng siêu thị trong nước. Qua 20 năm hội nhập, tỷ trọng của doanh nghiệp Việt trong tổng kim ngạch xuất khẩu từ 90% năm 1996 giảm xuống 29,5% năm 2015. Các nhà thầu Trung Quốc năng lực kém lại thắng thầu trong đa số các dự án hạ tầng kỹ thuật khiến nhiều công trình kéo dài, chất lượng thấp và đội vốn. Nợ công cao, nợ xấu không giảm. Khoảng cách giàu nghèo giãn ra, môi trường nhiều địa phương bị hủy hoại nghiêm trọng, giáo dục và y tế xuống cấp. Đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng đứng thứ 48 về quy mô nền kinh tế và thứ 133 về GDP đầu người. Xuất hiện nguy cơ “chưa giàu đã già” trong khoảng 10 năm tới. Nội lực quá yếu kém khiến chúng ta đang tụt hậu trên chính sân nhà!
Kỳ vọng vào chính phủ kiến tạo, hành động
Điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân của sự tụt hậu đó. Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 26-7-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận: Chính sách tiếp nhận đầu tư nước ngoài chưa tốt, các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có nhiều bất cập nên khu vực đầu tư nước ngoài phát triển mạnh trong khi khu vực trong nước còn yếu.
Thủ tướng cũng chỉ ra một trong những “chứng nan y” của nền kinh tế: quan hệ “cánh hẩu” trong phân phối và khai thác nguồn lực. Ông yêu cầu:” Thị trường vốn, đất đai, tài nguyên cần phải được phát triển lành mạnh, không để cho các nhóm lợi ích thao túng”.
Nguyên nhân làm cho nội lực yếu kém như vậy là rõ: đó là pháp luật chưa nghiêm, chính sách chưa hợp lý, thể chế chưa hoàn chỉnh; là các nhóm lợi ích xấu móc ngoặc với một bộ phận không nhỏ quan chức tham lam, ích kỷ. Nguyên nhân không phải vì đất nước ta thiếu hiền tài, lao động ta thiếu trình độ, doanh nghiệp ta thiếu năng lực đến nỗi không làm được một chiếc ốc vít cho hãng Toyota hay Samsung!
Với tư cách thuyền trưởng dẫn dắt con tàu kinh tế Việt Nam trong HNQT, Thủ tướng đã cam kết “nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân”. Vâng, kiến tạo chứ không cản trở, nhũng nhiễu; liêm chính chứ không tham lam; hành động chứ không hứa rồi để đó; và phục vụ nhân dân, tức là làm “công bộc” chứ không phải làm “quan phụ mẫu”. Đó chính là những gì xã hội và đất nước đòi hỏi, kỳ vọng ở Chính phủ, ở Thủ tướng và bộ tham mưu của ông. Phần còn lại là trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân, của các chuyên gia, nhà khoa học và người dân Việt Nam, vốn giàu lòng yêu nước và tự hào dân tộc, quyết không chấp nhận luẩn quẩn trong cái “bẫy thu nhập trung bình” của thế giới.
Có câu chuyện ngụ ngôn Ê Dốp: Kho báu chính là khu vườn nhà mình, chỉ cần vun xới và chăm bón thì sẽ trở nên giàu có. Người Việt có câu: Ta về ta tắm ao ta. Nước ta với gần 100 triệu dân trong và ngoài nước là nguồn nhân lực dồi dào, là thị trường rộng lớn với sức mua không ngừng tăng lên; với hơn một triệu km2 mặt biển và thềm lục địa và hơn 60.000 km2 đồng bằng và trung du màu mỡ, làm ra lúa gạo, tôm cá, cà phê, cao su và rau quả cho dân ta và thế giới; với nắng, gió và sóng biển quanh năm là nguồn năng lượng tái tạo đáng mơ ước cho một xã hội sạch và xanh. Đó là những điều kiện khách quan để xây dựng một nội lực Việt mạnh và bền vững, để giữ vững chủ quyền, để đuổi kịp và sánh vai với các cường quốc năm châu. Không làm được điều đó, chúng ta có tội với tiền nhân và con cháu mai sau.
Những thành quả sau 20 năm hội nhập Năm 1995, kim ngạch xuất khẩu vỏn vẹn 5,2 tỷ USD; năm 2015 đạt 162,4 tỷ USD, tăng 31 lần. Nhờ HNQT, đến nay Việt Nam đã thu hút trên 21.000 dự án đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) với tổng số vốn đăng ký gần 300 tỷ USD, đã thực hiện khoảng 146 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người năm 1995 là 289 USD, năm 2015 là 2.228 USD. |