5 sự kiện thế giới nổi bật 2017

1. Việt Nam đăng cai APEC 2017

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định trọng tâm chính sách đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 là đăng cai tổ chức thành công Năm APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Năm APEC 2017 thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp tích cực vào tiến trình APEC, góp phần đưa châu Á-Thái Bình Dương ngày càng phát triển thịnh vượng.

Dự kiến trong Năm APEC 2017 sẽ diễn ra khoảng 200 sự kiện trải dài khắp đất nước nhằm tạo ra các lợi ích cụ thể như thu hút du lịch, tìm kiếm đối tác đầu tư chiến lược, mở rộng thị trường, quảng bá hình ảnh. Đà Nẵng đã được Chính phủ đồng ý chọn là nơi đăng cai “Tuần lễ cấp cao APEC 2017”.

Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai Năm APEC sau lần tổ chức thành công vào năm 2006. Năm APEC 2017 khẳng định quyết tâm của Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương, chuẩn bị cho Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020, ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020–2021 và nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018.

Thu hút du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam là một trong những chuỗi sự kiện  được tổ chức tại APEC 2017. Ảnh: HTD

2. Brexit kìm hãm tăng trưởng kinh tế

Anh đã tuyên bố sẽ kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon và chính thức khởi động đàm phán về vấn đề nước Anh rời khỏi EU (Brexit) vào cuối tháng 3-2017.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Brexit sẽ tác động tiêu cực ở cấp vĩ mô, nhất là với các nước châu Âu tiên tiến. Kinh tế không chỉ của Anh mà của cả châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Kinh tế thế giới cũng không thoát khỏi hậu quả của Brexit.

Do tác động của Brexit, IMF dự báo kinh tế thế giới trong năm 2017 sẽ tăng trưởng yếu ớt với mức đạt 3,4%. Trong khu vực đồng euro, mức tăng trưởng ước đạt 1,4%. Riêng đối với Anh, tăng trưởng GDP chỉ khoảng 1,3%.

Dự báo tăng trưởng năm 2017 của ba nền kinh tế đứng đầu thế giới ước đạt 2,5% đối với Mỹ, 6,2% đối với Trung Quốc và 0,1% đối với Nhật. Trong ba nước, tác động của Brexit đối với Trung Quốc rất hạn chế vì quan hệ thương mại và tài chính giữa quốc gia này với Anh không mấy gắn kết.

Biếm họa của Gatis Sluka,  báo Latvijas Avize (Latvia).

3. Khủng bố và chiến tranh giữa thời bình

Ngoài Brexit, khủng bố là một trong những vấn đề làm môi trường kinh tế toàn cầu trở nên phức tạp thêm. Trong năm 2016, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã phải chịu thất bại quân sự thảm hại.

Tại Iraq, từ giữa tháng 10-2016, các lực lượng của chính phủ Iraq cùng dân quân người Kurd và liên quân bán quân sự Hashd al-Sha’bi được liên minh chống IS yểm trợ đã mở chiến dịch tái chiếm TP Mosul, hang ổ cuối cùng của IS ở Iraq.

Tại Syria, các lực lượng người Kurd và Ả rập đã mở chiến dịch tái chiếm của IS ở Raqqa từ đầu tháng 11-2016. Tại Libya, quân đội của chính phủ đoàn kết dân tộc đã dồn các phần tử IS cuối cùng co cụm tại TP Sirte.

Từ các chiến trường khốc liệt ở Trung Đông, các phần tử IS có thể sẽ tháo chạy trở về quê hương “nổi lửa khủng bố tại quê nhà”. Châu Âu, Mỹ và châu Á đều đã chuẩn bị cho kịch bản này.

Pháp rất lo ngại nguy cơ khủng bố tiếp tục đè nặng trong năm 2017, đặc biệt vào thời điểm Pháp tổ chức bầu cử tổng thống và Quốc hội (từ tháng 4 đến 6-2017). Ngày 21-11-2016, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo IS, Al Qaeda và các nhóm liên kết đã lên kế hoạch tấn công khủng bố ở châu Âu, đặc biệt trong mùa lễ hội. Cảnh báo này có giá trị kéo dài đến ngày 20-2-2017.

Biếm họa của Brian Adcock,  báo The Independent (Anh).

4. Donald Trump với nhiều chính sách đảo lộn

Ngày 20-1-2017, ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ thứ 45. Các nhà quan sát đang chờ đợi nhiều chính sách sẽ đảo lộn một khi ông Trump đã hô hào khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” trong quá trình tranh cử.

Nhiều câu hỏi vẫn còn treo lơ lửng: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đi về đâu sau khi Mỹ rút khỏi TPP? Chiến lược tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương được thực hiện dưới thời chính quyền của Tổng thống Obama sẽ tiếp tục hay bị hủy bỏ? Số phận hàng triệu người nhập cư lậu ở Mỹ sẽ ra sao? Mỹ sẽ giải quyết thế nào với làn sóng người di cư đang trở thành gánh nặng cho châu Âu? Tình hình “sói đơn độc” khủng bố liệu sẽ gia tăng nếu những người di cư và người theo Hồi giáo bị Mỹ tẩy chay?

Biếm họa của báo China Daily (Trung Quốc).

5. Đề cương COC vào giữa năm 2017

Sau khi Tòa Trọng tài La Haye (Hà Lan) công bố phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc vào ngày 12-7-2016, các nhà quan sát ghi nhận Trung Quốc đã tương đối kiềm chế thực hiện những hành động gây căng thẳng trên biển Đông.

Trung Quốc không còn thường xuyên công khai “diễu võ dương oai” về quân sự hay hăm dọa thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông. Điểm nóng bãi cạn Scarborough đã nguội dần sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xa Mỹ, gần Trung. Với động thái kiên nhẫn chiến lược, Trung Quốc đang cố phát triển mặt trận ngoại giao và bước đầu đã lôi kéo Philippines và Malaysia vào vòng ảnh hưởng.

Biếm họa của Jeff Koterba, báo Omaha World Herald (Mỹ).

Tại hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc ở thủ đô Vientiane, Lào ngày 7-9-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) trong năm 2017. Đây cũng là năm kỷ niệm 15 năm ký kết Tuyên bố Về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã tuyên bố sẽ cùng 10 nước ASEAN xây dựng đề cương COC vào giữa năm 2017. Dù vậy, các nhà quan sát ghi nhận tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông vẫn sẽ không thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc tổ chức đại hội đảng khóa 19 vào mùa thu năm 2017.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm