Vái lạy tòa, nằm lăn ra ăn vạ, lột guốc rượt tòa hay bình tĩnh hơn là… đập vỡ cửa kính, bàn làm việc của thẩm phán rồi hỏi: “Khi nào án xử xong?” - đó là những tình huống bi hài đã làm nhộn nhạo chốn pháp đình trang nghiêm ở Việt Nam trong năm 2016.
Kiếm thuốc trường sinh… đợi tòa xử
Năm năm trước, ông Nguyễn Khắc Hiếu, 60 tuổi, ngụ xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam bị ông Trịnh Xuân Hiền (trú cùng xã) kêu ba người hàng xóm đến đánh làm ông bị liệt nửa người. Khi hồ sơ được cơ quan điều tra chuyển sang, tòa án huyện Thăng Bình đã nhiều lần trả lại, yêu cầu điều tra bổ sung, điều tra lại. Phải mất bốn năm tòa này mới phạt được hai bị cáo nhưng cả bị hại lẫn người bị kết án đều không đồng tình.
Xử phúc thẩm vào tháng 3-2016, tòa án tỉnh Quảng Nam hủy án để điều tra lại vì sợ lọt người, lọt tội. Tòa tuyên hôm trước, hôm sau ông Hiếu đến trụ sở gặp thẩm phán hỏi: “Vụ án sẽ kéo dài đến bao giờ?”. Điên tiết vì không biết còn phải làm việc với các cơ quan tố tụng bao nhiêu năm nữa, ông dùng nón bảo hiểm quật cửa kính, mặt bàn… vỡ tanh banh.
Ở xứ ta, chuyện án xử xuyên thế kỷ, xử rê rê hàng chục năm vì cái vòng luẩn quẩn hủy-trả, trả-hủy không hiếm. Thay vì nổi điên với tòa, lẽ ra ông Hiếu nên dành thời gian đi tìm bài thuốc trường sinh để “thi gan” với cơ quan tố tụng. Chứ đập, quậy tòa như thế chẳng lợi lộc gì, lại còn vi phạm pháp luật!!!
Lột guốc rượt chủ tọa
Không kiên nhẫn chờ tới hôm sau như ông Hiếu, ngay khi tòa vừa tuyên án, bà Trịnh Thị Hó ở thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng đã lột guốc “chơi” liền làm phòng xử náo loạn.
Số là trước đó bà Hó nộp đơn xin cấp giấy cho một mảnh đất và được chính quyền tiếp nhận, lập phiếu hẹn. Tuy nhiên, sau đó do có vướng mắc pháp lý, UBND phường 1, thị xã Vĩnh Châu trả lại hồ sơ cho bà Hó và hủy phiếu hẹn đã lập. Thấy vô lý, bà khởi kiện ra tòa. Xử phúc thẩm vụ này, tòa án tỉnh Sóc Trăng y án, bác đơn kiện của bà Hó.
Ngay khi nghe tòa tuyên án, bà Hó đã “phun châu nhả ngọc”, lột guốc làm hung khí rượt đánh người đại diện phía bị kiện làm ông này hoảng kinh, chạy vào phòng nghị án của HĐXX trốn. Chưa dừng lại, bà Hó cầm guốc chạy đi tìm chủ tọa để xử tiếp. May là công an đến kịp, mời bà và người bị rượt về trụ sở làm việc.
Quy định hiện hành chỉ cấm mang hung khí, vũ khí vào phòng xử án. Chẳng lẽ sắp tới phải bổ sung quy định cấm mang guốc, nón bảo hiểm vào phòng xử?
Án là phải… thuận mua vừa bán
Tù tội thì ai mà chẳng sợ, nên lỡ có vướng vào thì bị cáo nào cũng tìm mọi cách bớt ngồi tù được ngày nào hay ngay đó, được án treo thì càng mừng. Hiểu “sâu sắc” điều này, với lòng nhân ái bao la, ông Trương Vi Văn, nguyên thẩm phán TAND huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng đã tìm mọi cách giúp một bị cáo khỏi phải ở tù.
Số là năm 2014, một tài xế tông chết người, bị công an Đạ Huoai bắt giam. Thông qua người khác, thẩm phán Văn đồng ý nhận 50 triệu đồng từ gia đình tài xế với lời hứa sẽ giúp bị cáo được hưởng án treo. Trước khi đưa tiền, người nhà tài xế kỳ kèo, xin bớt 10 triệu vì gia cảnh túng quẫn nhưng ông Văn không chịu. Nhận đủ tiền, ông Văn tuyên án theo mức “thuận mua vừa bán” trước đó, cho bị cáo hưởng án treo, trả tự do ngay tại tòa.
Sự việc vỡ lở, cuối năm 2016, ông Văn bị phạt bảy năm tù vì tội nhận hối lộ, còn “cộng sự” trung gian của ông nhận ba năm. Thời buổi kinh tế thị trường, có hàng chục ngàn mặt hàng có thể mua bán được nhưng “mặt hàng” mà ông Văn giao dịch thuộc hàng hiếm và nguy hiểm trên thương trường.
Ngưng xử vì “sự sung sướng” của dân
Tòa hoãn xử do người tham gia tố tụng “nghỉ chơi” vì bận đột xuất, bệnh… và đủ thứ lý do khác vốn xảy ra như cơm bữa ở ta. Tuy nhiên, hai phiên xử hình sự ở tòa án quận Cái Răng, TP Cần Thơ lại bị hoãn vì lý do xưa nay hiếm.
Số là đầu tháng 11-2016, tòa này lên lịch xét xử hai vụ án hình sự nhưng phải hoãn vì xe chở bị cáo không thể vào tòa. Lý do là nhà một người dân sống cạnh trụ sở có đám cưới, họ dựng rạp, bày cỗ bàn đón khách, bít luôn lối vào tòa. Giải thích điều này, chánh án tòa Cái Răng bảo đã thông báo lịch xử nhưng người dân “tự ý đổi lịch cưới”, cảnh sát lại không chịu đưa bị cáo đi xuyên qua đám cưới vào tòa.
Hoãn xử cũng phải, vì đám cưới người ta mà tự nhiên cảnh sát áp giải người bị còng đi xuyên qua, có khi được đón tiếp bằng nước mắm, nước tương hổng chừng! Thôi thì vì “sự sung sướng của dân” mà tòa ngưng xử một buổi cũng dễ được thông cảm.
* * *
Năm 2016, chốn pháp đình xứ ta còn xảy ra nhiều chuyện hổng giống ai như ra trước tòa các bị cáo gấu ó nhau rồi “phản thùng”, khai tất tần tật các phi vụ mua bán ma túy làm bạn nghiện hết đường cãi; nụ cười bí hiểm kiểu Mona Lisa của hoa hậu Phương Nga; nghiêng đầu tạo dáng, cười khoe hết cả răng của bị cáo Nguyễn Trung Thành khi thấy ống kính phóng viên…
Văn hóa pháp đình lộn trọc các kiểu như trên nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn, bởi trên thực tế có phiên tòa mà công tố viên hỏi như đánh đố, hỏi như khiêu khích; thư ký thay tòa sửa biên bản… Do đó, chắc chắn pháp đình kỳ cục chuyện sẽ còn dài dài ở xứ ta!