Ngày 17-12, TAND tỉnh Tiền Giang đã xử sơ thẩm vụ Võ Văn Minh bị truy tố vì cưỡng đoạt 500 triệu đồng của Công ty TNHH TM&DV Tân Hiệp Phát. Từ 7 giờ 30, bị cáo Minh đã bị áp giải đến tòa. Phía Tân Hiệp Phát (nguyên đơn dân sự) cũng đến tòa từ khá sớm. Phiên xử có khá đông người tham dự cùng nhiều PV báo đài.
“Đã báo công an, sao vẫn chi 500 triệu?”
Ngay phần thủ tục, luật sư của bị cáo đã đề nghị hoãn xử để triệu tập điều tra viên, giám định viên, xem xét lại tư cách tố tụng của Tân Hiệp Phát... Nhưng sau khi hội ý, tòa quyết định tiếp tục xử.
Trước tòa, bị cáo Minh khai khi phát hiện chai nước có ruồi, bị cáo có liên hệ và gặp phía Tân Hiệp Phát ba lần. Bị cáo thừa nhận đưa chai nước ra để lấy tiền nhưng không đe dọa công ty mà chỉ hù dọa làm mất uy tín của họ. Trước lần gặp thứ ba, bị cáo có gọi điện thoại thúc giục nếu công ty không đưa tiền thì sẽ đưa lên báo chí, chương trình 60 giây và phát tờ rơi. Khi gặp, bị cáo hạ giá xuống còn 500 triệu đồng nhưng người của công ty nói sẽ chi 100 triệu đồng...
Trong khi đó, không đại diện nào của Tân Hiệp Phát thừa nhận có thỏa thuận chi tiền cho bị cáo. Bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Tân Hiệp Phát) khai khi nghe nhân viên báo lại sự việc, bà phân công một nhân viên đến gặp bị cáo nhưng không chủ trương dùng tiền thương lượng mà chủ trương nếu sản phẩm có lỗi thì công ty xin về để xem xét và cảm ơn khách hàng đã cung cấp. Lần gặp thứ hai, bị cáo đe dọa nên lần gặp thứ ba, bà cử thêm trợ lý riêng đi cùng để giải quyết. Sau đó cứ vài ngày bị cáo lại gọi điện thoại đòi tiền mà lại gần tết nên bà quyết định tố giác ra công an.
Tòa hỏi: “Sao công ty đã báo công an mà vẫn chi 500 triệu đồng?”. Bà Bích lý giải: “Để bảo vệ uy tín của công ty, đảm bảo công ăn việc làm của 4.000 người lao động. Quyết định đó là không còn cách nào khác vì tôi rất lo sợ mất thương hiệu. Sau vụ này, thiệt hại của công ty đã lên đến vài ngàn tỉ đồng”. Sau cùng, bà Bích nói đây là sự cố không mong muốn nên không yêu cầu bị cáo bồi thường và đề nghị tòa xử nhẹ nhất cho bị cáo.
Bị cáo Võ Văn Minh tại phiên xử. Ảnh: H.NAM
Tranh luận căng thẳng
Theo đại diện VKS, biên bản bắt quả tang và biên bản trong cuộc gặp lần thứ ba giữa hai bên đã thể hiện hành vi phạm tội của bị cáo. Xuất phát từ lòng tham, bị cáo đã cưỡng đoạt 500 triệu đồng của Tân Hiệp Phát, cố ý xâm phạm tài sản của doanh nghiệp, gây tư tưởng không an tâm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp...
Ngược lại, hai luật sư của bị cáo nói điều tra viên trong vụ án không khách quan khi hai lần cho luật sư của Tân Hiệp Phát tham gia hỏi cung. Việc này có khả năng làm lộ bí mật điều tra, giúp Tân Hiệp Phát có hướng xử lý vụ việc có lợi cho mình. Kết luận giám định với nội dung nắp chai có dấu hiệu mở là chưa khách quan vì chưa làm rõ ai mở. Chỉ khi nào xác định rõ bị cáo là người bỏ ruồi vào chai nước thì mới có tội. CQĐT chưa làm rõ dấu hiệu bị cáo đe dọa hay chỉ là giao dịch dân sự. Điều tra viên không cho luật sư của bị cáo dự cung đầy đủ, đến giai đoạn truy tố, kiểm sát viên không tham gia phúc cung khi có mâu thuẫn...
Mặt khác, trong hồ sơ không có người bị hại nên không có hành vi cưỡng đoạt tài sản. Từ năm 2011 đến 2013 đã có ba trường hợp khác mang sản phẩm của Tân Hiệp Phát đi thương lượng thì đều bị bắt khi nhận tiền, do vậy “đây là mô típ có sẵn của công ty, được lặp đi lặp lại, việc bị cáo bị bắt là một kịch bản có sẵn”. Tân Hiệp Phát không hề lo sợ, không hề bị cưỡng ép để buộc phải đưa tiền. Từ đó hai luật sư đề nghị tòa tuyên bị cáo vô tội, trả tự do ngay tại tòa, còn nếu trả hồ sơ để điều tra lại thì đề nghị đình chỉ điều tra.
Tranh luận lại, đại diện VKS cho rằng việc bắt quả tang đảm bảo đúng pháp luật vì quy trình cho phép. Hành vi tố tụng của điều tra viên phù hợp vì chưa có chứng cứ cho thấy có việc lộ thông tin điều tra. Không có quy định nào cấm luật sư của nguyên đơn dân sự tham dự lấy cung bị can. Việc có tiết lộ bí mật điều tra hay không thuộc trách nhiệm của cá nhân luật sư đó...
Cạnh đó, tình tiết vụ án cũng trùng khớp với các lời khai của bị cáo. Luật sư của bị cáo cho rằng phải có người bị hại cụ thể thì mới cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản là sai vì không có quy định nào bắt buộc người bị hại chỉ là cá nhân. Vụ này có hai loại đối tượng bị thiệt hại: Thứ nhất là cá nhân bà Bích với tư cách giám đốc Tân Hiệp Phát, thứ hai là pháp nhân Tân Hiệp Phát...
Ngoài ra, đại diện VKS cũng cho rằng dù chưa làm rõ được ai bỏ con ruồi vào chai nước thì vẫn có thể xem xét trách nhiệm hình sự của bị cáo. Bị cáo không phải là người tiêu dùng mà là người kinh doanh hưởng lợi nên không hưởng các quyền của người tiêu dùng là được thương lượng bồi thường... Từ đó đại diện VKS đề nghị tòa bác các luận cứ của hai luật sư và phạt bị cáo 12-13 năm tù, đồng thời không phải bồi thường cho Tân Hiệp Phát vì doanh nghiệp này không yêu cầu.
Sáng 18-12, tòa tiếp tục phần tranh luận.
Yêu cầu bị cáo xin lỗi công ty Tại tòa, luật sư của Tân Hiệp Phát cho rằng Tân Hiệp Phát rất lo sợ vì hành vi của bị cáo là sử dụng uy tín của công ty để đánh đổi vật chất. Bị cáo liên tiếp đe dọa, công ty không còn cách nào khác là tố cáo vì nếu không thì bị cáo sẽ thực hiện việc đăng báo, phát tờ rơi. Việc tố cáo là việc làm đúng đắn của công ty để bảo vệ mình. Công ty có thiệt hại lớn, trực tiếp là 500 triệu đồng, còn gián tiếp là ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Từ đó luật sư này cho rằng bị cáo Minh “nên có lời xin lỗi công ty tại tòa”. Điều đáng tiếc Theo tôi, hành vi của bị cáo Minh đã có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 BLHS. Tuy nhiên, điều tôi cảm thấy rất đáng tiếc là nếu như ngay từ đầu, doanh nghiệp cương quyết từ chối hoặc cảnh báo sẽ nhờ cơ quan pháp luật can thiệp trước yêu cầu đòi tiền vô lý của bị cáo thì có thể hành vi phạm tội của bị cáo đã không xảy ra. Chính quá trình tiếp xúc nhiều lần giữa hai bên đã gợi lên, đã củng cố thêm lòng tham của bị cáo, khiến bị cáo nghĩ rằng có thể dễ dàng kiếm được rất nhiều tiền từ doanh nghiệp. Tôi tin rằng nếu doanh nghiệp rạch ròi, dứt khoát, thẳng thắn ngay từ đầu là sẽ không đáp ứng các yêu cầu về tiền bạc vô lý của bị cáo, nếu bị cáo muốn thì cứ việc khiếu nại tới cơ quan chức năng hay khởi kiện ra tòa… thì có thể bị cáo đã “thấy khó mà lui” và mọi việc không trở nên nghiêm trọng như hiện nay. Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM |