NHỮNG NGƯỜI LÀM NÊN HUYỀN THOẠI - BÀI 5

Người Đức Phổ với tàu Không Số

Đầu năm 1968, chiếc tàu Không Số mang mật danh 43 từ miền Bắc chở 40 tấn vũ khí chi viện cho Quảng Ngãi với đích đến là cửa biển Mỹ Á, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Trên tàu có 17 chiến sĩ do thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn chỉ huy.

Dù ngã xuống vẫn ôm ghì bánh lái

Ông Trần Ngọc Tuấn (hiện đang sống tại Nha Trang, Khánh Hòa) kể: Tối 27-2-1968, tàu nhận lệnh xuất bến. Đến gần 1 giờ sáng 1-3, khi còn cách bờ khoảng 20 hải lý thì tàu 43 bị bốn tàu chiến của địch bao vây, đồng loạt bắn pháo sáng lên sáng rực cả một vùng biển rồi nã pháo tới tấp vào tàu. Tiếp đến, chúng khép dần vòng vây hòng bắt sống con tàu. Thuyền trưởng Thắng hạ lệnh tiêu hủy hết tài liệu rồi phát lệnh nổ súng chiến đấu.

“Ngay loạt đạn đầu tiên, một tàu địch bị cháy, hai chiếc khác bị thương. Lúc này máy bay địch xuất hiện và vãi rốc két xuống như mưa. Mặt biển sôi lên vì pháo, đạn. Cả một góc trời đỏ rực. Tiếng súng DKZ, đại liên, 12 ly 7 của ta đanh thép đáp lại. Lúc này anh Thân và tôi vừa chỉ huy chiến đấu, vừa ra lệnh cơ động tàu, dùng bom chìm và bộc phá đánh chặn địch, tiếp tục lao tàu vào hướng bờ” - ông Tuấn kể.

Người Đức Phổ với tàu Không Số ảnh 1

Các cựu chiến binh Đoàn tàu Không Số khu vực miền Trung trong ngày hội ngộ. Ảnh: TƯ LIỆU

Sau hơn 3 giờ chiến đấu, các chiến sĩ đã bắn rơi ba máy bay HU-1A và làm hư hại nhiều tàu cao tốc khác của địch. Tuy nhiên, do cuộc chiến không cân sức, tàu ta trúng đạn khiến ba chiến sĩ hy sinh, 12 người bị thương và tàu bị mắc cạn. Trong cơn nguy kịch, thuyền trưởng hạ lệnh đập khói mù, khiêng tử sĩ, thương binh lên bờ và ra lệnh hủy tàu. Một khối lửa bùng lên kèm theo tiếng nổ lớn. Con tàu 43 tan ra từng mảnh, hóa thân vào lòng biển khơi.

“Đến nay tôi vẫn không quên hình ảnh đồng chí Ruệ, chiến sĩ lái tàu. Anh bị thương nặng toàn thân, ngã xuống ca bin nhưng tay vẫn ghì chặt vòng lái để giữ cho tàu lao đúng hướng vào bờ. Rồi anh trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi khi tôi chưa kịp băng xong vết thương. Hay đồng chí Võ Nho Tòng, y tá kiêm pháo thủ số 2. Anh trúng đạn hy sinh, toàn thân ngã vào chân pháo nhưng tay vẫn ôm chặt quả đạn…”.

“Các anh ơi, còn sống không!”

Trên biển Quy Thiện, pháo sáng soi rõ từng ngọn cỏ. Đạn lửa bắn đỏ rực trên mặt biển. Từ xã Phổ Vinh, xe tăng tiến theo bãi biển, tiếng máy hụ lên như thú dữ tìm mồi. Khi trực thăng quần đảo ầm ầm và đổ quân ngoài bãi biển, địch dàn thành hàng ngang tiến vào xóm cát Quy Thiện.

Đảng ủy xã Phổ Hiệp chỉ đạo cho Chi ủy thôn Quy Thiện huy động bà con cùng du kích tỏa đi dọc mé biển để đón anh em chiến sĩ. Vậy là già trẻ trong làng đều tỏa đi khắp nơi. Để ngụy trang, người ra biển thì cầm chèo, người vào ruộng thì cầm giỏ và liềm. Vạch từng đám bụi rậm và vườn mía, bà con luôn miệng nhắc đi nhắc lại câu: “Các anh ơi, còn sống thì theo tôi về với cách mạng”.   

Nhìn đoàn xe tăng địch ầm ầm vào làng, mấy bà mẹ sợ xe tăng càn qua sập hầm bí mật nên nhảy ra cản ngang trước mũi. Các mẹ giằng co với xe tăng và nói với bọn địch rằng xe tăng mà vào làng sẽ ủi hư hết ruộng nương của dân. Trời dần sáng tỏ, mẹ Rân phát hiện một anh thương binh (anh Thơm) đang cố lết vào đống rơm. Mẹ gọi chị Phượng binh vận đưa anh đi ngay. Cách đó không xa, địch đang lùng sục nát cả ngôi làng, xả súng vào từng bụi rậm. Gia đình ông Thưởng nằm sát bên lùm tre. Tại đây có căn căn hầm bí mật kiên cố nằm lọt dưới bụi tre um tùm. Vừa cảnh giới vừa băng bó cho anh Thơm xong, chị Phượng binh vận đưa anh xuống hầm bí mật.     

Tại một vườn mía, chị Tôn vừa đi vừa gọi khẽ: “Các anh ơi, còn sống thì theo tôi về với cách mạng”. Vậy là chị nghe được câu trả lời yếu ớt của anh Lưu Đức Hào, bị thương nặng ở bụng. Chị Phượng tất tả dìu anh về hầm bí mật dưới bụi tre. Tiếng xích xe tăng nghiến ầm ầm gần đó như đuổi theo hai người.

Người Đức Phổ với tàu Không Số ảnh 2

Y sĩ Lê Văn Khương (trái), người từng cùng BS Đặng Thùy Trâm cứu chữa cho các thương binh tàu Không Số.Ảnh: VÕ QUÝ

Đầu làng là ngọn núi Dâu, trên đỉnh có căn cứ của Mỹ. Nhận định anh em trong tàu sẽ nhằm hướng núi, cấp ủy thống nhất phân công đội thiếu niên giả đi xin đồ hộp và chăn bò để áp sát căn cứ núi Dâu tìm các anh. Chú bé Trương Đình Đức (hiện là Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi) đã tìm được và đưa các anh ở chân núi về làng.

Một tuần sau, Huyện ủy Đức Phổ tổ chức cho anh em lên Bệnh xá Đặng Thùy Trâm (hồi đó có mật danh “Cậu Tư”) ở núi rừng Ba Khâm, huyện Ba Tơ.

Ở Bệnh xá Đặng Thùy Trâm

Từ xóm Quy Thiện, các thương binh được cáng vượt quốc lộ 1A băng qua Đồng Tràm lên vùng núi Hiển Tây, qua Phổ Hòa rồi theo mé đập Liệt Sơn lên Ba Khâm. Trên đường đi có nhiều đoạn sợ địch phục kích nên phải dừng cáng thương, cho du kích đi kiểm tra đường rồi mới cáng thương binh đi.

“Anh thương binh mà tôi tham gia cáng to con lắm. Cứ mỗi lần vượt dốc thấy người tui ướt đẫm mồ hôi ảnh cứ xuýt xoa: Mình làm khổ anh em quá” - Trưởng thôn Quy Thiện Phạm Ngọc Giàu kể. Năm đó ông Giàu mới 16 tuổi, sinh hoạt ở đội thiếu niên thôn.

Tại bệnh xá, thương binh nằm chật cứng. Chị em lao ra rừng chặt cây dựng lán mới dưới tán rừng. Lồ ô để làm chõng không còn, chị em ghép cây với dây mây để làm một chiếc giường to đặt giữa lán để các thương binh nằm.

Tại đây, các thương binh được BS Đặng Thùy Trâm cùng y sĩ, y tá cứu chữa. Y sĩ Lê Văn Khương (đã nghỉ hưu) kể: “Hồi đó bệnh xá thiếu thuốc men và cả lương thực, chị Trâm cùng chúng tôi phải về đồng bằng tìm mọi cách mua thuốc Tây và cõng gạo lên để nuôi và cứu chữa anh em thương binh”. Ở bệnh xá hơn một tháng, sức khỏe anh em hồi phục dần. Họ được lệnh vượt Trường Sơn ra Bắc. BS Đặng Thùy Trâm lại cùng các nữ y sĩ, y tá cắt vải dù làm ba lô cho các anh lên đường.

Ngày các anh đi, trong nhật ký Đặng Thùy Trâm ghi: “Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ… Nghe anh Tuấn ra lệnh: Tất cả ba lô lên đường. Những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại trước mình bắt tay chào mình một lần cuối…”.

Ông Nguyễn Văn Thông, nguyên y sĩ ở Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, kể: “Tháng 6-1968, tui về công tác ở trạm xá thấy có tấm ảnh Bác Hồ bằng vải khá đẹp. Hỏi ra mới biết đó là kỷ vật của các chiến sĩ tàu Không Số tặng bệnh xá cùng với một cái hăng gô và một chiếc đèn pin. Chúng tôi đã treo ảnh Bác Hồ ở khu vực trang trọng nhất của bệnh xá, còn chiếc hăng gô dành cho anh em đi công tác nấu cơm và chiếc đèn pin dùng để sử dụng ban đêm ở bệnh xá...

Hội ngộ sau 38 năm

Năm 2006, Trung tá-cựu chiến binh Lưu Công Hào từ miền Bắc tìm vào Quảng Ngãi. Trên tay ông cầm theo một lá thư dài hai trang được ghi rõ: Viết vào lúc 1 giờ đêm 7-3-1968. Bức thư của nữ y tá Mai Thị Phượng: “Sao em nhõng nhẽo với chị quá vậy. Chị thương em trong tình ruột thịt, chị thương em trong tình quê hương… chị mong em đến để tạm chia tay nhau và để nói những câu cuối cùng khi trở về thủ đô yêu quý”.

Thông qua nhiều người, ông tìm được số điện thoại và gọi: “Em đây, Hào của chị trong Bệnh xá Đặng Thùy Trâm đây”.

Bà Phượng (75 tuổi) phải cố hình dung hình ảnh của đứa em 21 tuổi, dáng người mảnh khảnh, hay cười năm xưa.

Bà òa khóc khi gặp ông Hào.

Sau 38 năm, tóc cả hai người đều bạc. Trong số 14 anh em ở bệnh xá năm xưa, Hào là út, được chị Phượng cưng chiều như một đứa em. Bà cố hình dung ra chàng trai trẻ năm nào trên từng nét mặt và giọng nói. Chỉ có lá thư của bà mà ông Hào mang theo là vẫn trẻ trung và không có tuổi…

Trong chuyến đi này, ông Hào cũng đã ghé thăm bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, người từng dìu ông lách qua những toán địch, đoàn xe tăng để xuống hầm bí mật khi ông từ tàu Không Số bơi vào.

LÊ VĂN CHƯƠNG - VÕ QUÝ - XUÂN THÀNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm