Người dưới 18 tuổi không được chơi một game quá 60 phút, còn mạng xã hội thì sao?

(PLO)- Nhiều người ủng hộ giới hạn người dưới 18 tuổi không được chơi một game quá 60 phút và đề nghị áp dụng tương tự với mạng xã hội.

Ngày 09-11-2024, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Trong đó quản lý thời gian chơi game của người dưới 18 tuổi không được chơi một game quá 60 phút một ngày và không quá 180 phút khi chơi nhiều game khác nhau.

Cụ thể, những nhà sản xuất trò chơi điện tử phải đảm bảo người chơi chưa đủ 18 tuổi chơi một game không quá 60 phút trong ngày.

Đối với người chưa đủ 18 tuổi chơi nhiều trò chơi điện tử trong một ngày, thời gian là không quá 180 phút.

Sau khi nghị định được ban hành nhiều người dùng mạng xã hội bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau:

Nghe thì dễ mà áp dụng thì khó?

Tài khoản MXH Thanh Đại bày tỏ quan điểm: "Quy định tuyệt vời, nhưng vấn đề là thực hiện thế nào, kiểm soát ra sao? Hiện nay trên toàn thế giới có cả tỷ trò chơi, đủ mọi thể loại nhưng nhiều nhất vẫn là bạo lực máu me kinh dị, sao mà quản lý hết được. Tôi nghĩ trước mắt cứ học hỏi như bên Úc, có lộ trình thời gian rõ ràng, nên đặt quy định ngoại trừ trường đại học thì tất cả các khối từ lớp 1 đến lớp 12 không được dùng mạng xã hội. Khi các em quen dần sẽ từ từ tiến tới các quy định khác".

Đồng quan điểm, tài khoản MXH Nguyễn Quân bình luận: "Dưới 18 tuổi thì khó mà ý thức được việc tự bảo vệ bản thân trước các cám dỗ từ game. Tôi thấy nhiều người dưới 30 tuổi vẫn hoang phí sức khỏe với những tật xấu lắm, mặc dù báo đài nói ra rả. Đến khi bắt đầu thấy sự ảnh hưởng rồi thì biết kỷ luật với bản thân, nhưng sức khỏe đã mất thì không lấy lại được. Quan trọng nhất là giáo dục ý thức, sự nhận biết tác hại của game và tiếp cận làm sao tới kho kiến thức đó thôi".

Tài khoản MXH HienHuynh chia sẻ: "Khoa học đã chứng minh việc sử dụng thiết bị điện tử nên nghỉ mắt ít nhất 20 phút/lần và không nên nhìn thiết bị điện tử quá 10 tiếng/ngày. Mà đã chơi game thì mỗi ngày, từ sáng đến đêm, cứ nhìn xung quanh con cháu thôi cũng thấy đứa nào cũng có 1 điện thoại hay ipad, hiếm có đứa nào chơi dưới 180 phút. Tôi nghĩ, khi đăng ký chơi game phải có thông tin căn cước công dân để quản lý tuổi sau đó có phần can thiệp ngắt kết nối khi tài khoản đó online hơn 180 phút".

Khác với quan điểm trên, tài khoản Trí Minh bình luận: "Là một DEV, mình đồng ý về việc giới hạn giờ chơi game online của trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, mình không đồng tình với việc cấm trẻ chơi 60 phút/ngày cho toàn bộ các trò chơi điện tử. Với tinh thần, quan điểm của mình là "Chơi để học, học mà chơi". Giáo dục trên trường đã khô khan. Bản thân mình chơi những game thiên về tiếng anh lấy động lực học tiếng Anh và học lập trình ứng dụng từ Game".

Tài khoản MXH Thuong Thuong bình luận: "Giới hạn cũng được nhưng quan trọng nhất vẫn là bậc phụ huynh. Giống như Youtube vậy, có Youtube kid nhưng trẻ con vẫn xem youtube người lớn. Đi ra nhà hàng toàn thấy người lớn đưa điện thoại cho con thích bấm gì thì bấm để được rảnh rang ăn uống mấy tiếng đồng hồ".

Nhiều người ủng hộ giới hạn người dưới 18 tuổi không được chơi một game quá 60 phút và đề nghị áp dụng tương tự với mạng xã hội. Ảnh: AI

Không những game còn nhiều ứng dụng khác

Tài khoản MXH Chí Tài bình luận: "Tôi nghĩ không chỉ là game đâu, còn ứng dụng TikTok có những video ngắn độc hại hơn chơi game nhiều. Ngay cả người lớn như tôi, còn có nhiều người không vượt qua được cám dỗ và sự độc hại của nó thì nói gì con trẻ. Việc nghiện mạng xã hội, đơn cử như việc lướt TikTok không ngừng có thể gây ra tình trạng nghiện và ảnh hưởng đến thời gian học tập, nghỉ ngơi, hoặc giao tiếp trực tiếp với gia đình và bạn bè".

Đồng quan điểm tài khoản Facebook Nhã Nhã bình luận: "Ủng hộ người dưới 18 tuổi không được chơi một game quá 60 phút. Nhưng tôi thấy video ngắn bây giờ có khi còn nguy hiểm hơn chơi game, bởi vì đến bản thân tôi nhiều khi còn không cưỡng lại được mà xem thêm, có khi lướt xem tiktok 3-4 tiếng, vậy thì bọn trẻ làm sao dừng? Mặc dù tôi không dùng Facebook, chỉ có mỗi youtube, tiktok mà đôi khi cũng vẫn khó kiểm soát nhất là vấn đề nội dung".

"Mong rằng nhà nước có chính sách gì đó để quản lý mạng xã hội và game để giới hạn thời gian truy cập. MXH với những video ngắn hấp dẫn nhiều lúc người lớn còn bị cuốn ko kiểm soát được thời gian nữa là con trẻ. Nhiều lúc ko cho con dùng điện thoại nhưng bạn bè con đều có cả, thấy con cũng thật cám cảnh và lạc hậu cũng ko đành nhưng khi cho xem rồi thì yêu cầu thời gian trong ngày cũng gây ra xung đột" - Tài khoản MXH Hoa Mai nêu quan điểm.

Tài khoản MXH Trang Thanh chia sẻ: "Rất đúng, những video ngắn trên TikTok có thể mang lại cả lợi ích và rủi ro cho trẻ dưới 18 tuổi. Mặc dù nền tảng này khuyến khích sự sáng tạo và giúp trẻ kết nối với bạn bè, nó cũng có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, như: Nội dung không phù hợp, Mặc dù TikTok có các biện pháp kiểm duyệt nội dung, trẻ vẫn có thể tiếp xúc với video chứa nội dung bạo lực, tình dục, hoặc những thử thách nguy hiểm không phù hợp với lứa tuổi hoặc thử thách nguy hiểm, TikTok thường xuất hiện các trào lưu hoặc thử thách (challenges) có thể nguy hiểm. Một số trẻ có thể tham gia những thử thách này mà không có phụ huynh theo dõi, nên không lường trước được hậu quả".

Trước đây người dưới 18 tuổi chơi game quy định ra sao?

Trước đây, Nghị định 27/2018/NĐ-CP chỉ quy định về giới hạn thời gian 180 phút và áp dụng với trò chơi được phân loại G1 - tức có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp. Nghị định mới mở rộng phạm vi áp dụng của quy định này với mọi trò chơi G1, G2, G3, G4 (trò chơi online, offline, có tương tác giữa người chơi với nhau hay người chơi với máy).

Doanh nghiệp phát hành game cũng phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin người chơi tại Việt Nam, bao gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động và bắt buộc phải xác thực tài khoản người chơi bằng số điện thoại di động. Đối với người dưới 16 tuổi, phải có cha/mẹ hoặc người giám hộ đăng ký thông tin.

Cùng với đó, nhà phát hành trò chơi phải đảm bảo các điều kiện về nội dung game: phân loại theo lứa tuổi, không mô phỏng trò chơi trong casino (sòng bài), sử dụng hình ảnh lá bài hay các hành động khiêu dâm, bạo lực và trái thuần phong mỹ tục...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới