Người hành khất mù trở thành nhà văn

Năm 1967, đang học tiểu học, căn nhà của cậu bé Nguyễn Trung Thành ở xã Nghi Xuân (Nghi Lộc, Nghệ An) bị trúng bom Mỹ. Nhà cháy rụi, một số người thân bị thương. Riêng Thành chịu sức ép của bom khiến hai mắt chảy máu và đau buốt. Gần 10 năm sau, đôi mắt Thành mù hẳn.

“Đó là một ngày trời rét cắt da cắt thịt, khi đang đọc tiểu thuyết Sông Đông êm đềm, tôi bỗng thấy đầu đau như búa bổ, từng mảng ánh sáng lòe loẹt thoắt ẩn, thoắt hiện rồi ngất lịm. Tỉnh dậy, thấy mình nằm trên giường, trước mắt là màu đen vô định, ngỡ là ban đêm. Một lúc sau mới biết mắt mình không thể nhìn được nữa, tôi đã khóc vì tuyệt vọng”, ông Thành nhớ lại.

Từ ngày biết mình bị mù, chàng trai mang trong mình bao nhiêu hoài bão của tuổi 20 bỗng thay đổi hoàn toàn. Thành suốt ngày ngồi im trong căn nhà nhỏ, đối diện với bóng tối, không dám ra ngoài. Một hôm nghĩ quẩn, Thành mở nắp chai thuốc trừ sâu định uống vì không muốn trở thành gánh nặng của gia đình. Đưa lọ thuốc lên miệng thì cậu bạn thân phát hiện, xô ngã Thành.

“Mày là thằng hèn, mày từng hứa sống như trong Thép đã tôi thế đấy. Cuộc đời còn nhiều con đường, sao cứ phải chết? Tất cả người mù trên thế giới mà nghĩ như mày thì đã chết hết rồi”, những lời nói của bạn khiến Thành nghĩ lại.

Người hành khất mù trở thành nhà văn ảnh 1
Ông Nguyễn Trung Thành đang sáng tác bằng chữ nổi. Ảnh: H.H. 

Sau hôm đó, Thành tìm kế mưu sinh. Xã Nghi Xuân có nghề đan lát nổi tiếng, nhưng việc học đan với người bình thường đã khó, với người mù khó gấp trăm lần. Nhưng Thành rất quyết tâm học đan. Ban đầu, cậu nhờ người nhà vót nan tre rồi nhờ người chỉ bảo cách đan đơn giản nhất.

“Hai mắt không thấy gì, tôi phải dùng cảm giác để ghép các thanh tre lại. Sau gần một năm, đôi bàn tay xước máu vì bị tre nứa cắt vào, cuối cùng tôi cũng đan được những chiếc rổ đầu tiên”, ông Thành nhớ lại. Sau đó cậu vịn vai mẹ già gồng gánh những chiếc bồ đựng lúa, chiếc rổ, rá ra chợ bán.

Một lần chàng trai mù lòa gặp bà cụ đang ngồi nghỉ bên đường vì gánh khoai quá nặng. Thương bà nhưng mắt mờ, Thành đề nghị bà chỉ đường rồi tình nguyện gánh khoai về. Hình ảnh chàng trai khiếm thị với trái tim nhân hậu đã khiến chị Nguyễn Thị Chính, con gái bà cụ xúc động. Sau nhiều lần gặp gỡ, họ cảm mến nhau.

Hiểu được sự mặc cảm của chàng trai mù, chị Chính chủ động ngỏ lời. “Nghe cô ấy nói muốn kết duyên dù giàu có hay nghèo hèn vẫn trọn đời hạnh phúc bên nhau, tim tôi như ngừng đập. Muốn nói lời cảm ơn thật to, muốn hét lên vì sung sướng nhưng không tài nào mở miệng, chỉ biết im lặng nghe tiếng đập mạnh từ trái tim người mình yêu”, ông Thành nhớ lại cảm xúc đón nhận tình yêu đầu đời.

Sau đám cưới giản dị, hai vợ chồng nghèo ra ở riêng trong căn nhà nhỏ. Thương vợ, anh Thành mò mẫm đi bắt cua ốc khắp xóm trên, làng dưới. Nhiều hôm đi dọc bờ sông mà không biết đường về, anh cứ chờ nghe tiếng loa phát thanh của xóm rồi dò dẫm từng bước về nhà.

Năm 1994, sau đợt cảm hàn, chị Chính ốm liệt giường. Thương vợ nhưng không còn cách nào khác, vào một đêm mưa gió, anh Thành đội chiếc nón rách, dắt theo con gái 9 tuổi bước ra khỏi nhà, đi hành khất vừa kiếm tiền nuôi mình, vừa nuôi vợ đau ốm.

Hai bố con anh Thành đã có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm của Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Vừa đi, người bố mù vừa đọc vanh vách những tác phẩm “một thời vang bóng” như Bỉ vỏ, Lục xì rồi ngâm những bài thơ lãng mạn của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử... trước sự nể phục của mọi người.

“Ban đầu nhiều người thương, kiếm được miếng ăn qua ngày. Những ngày sau, nhiều hôm trời mưa gió, hai cha con lả đi vì đói, rét, phải tá túc dưới gốc cây hoặc vỉa hè. Đêm nằm nghe muỗi vo ve, lại nghe tiếng con gái khóc mà não lòng”, ông Thành nhớ lại.

Người hành khất mù trở thành nhà văn ảnh 2 
Ông Thành nhận giải thưởng với tác phẩm viết về chính cuộc đời mình.

Một hôm đang trú mưa ở Quảng Bình, ông Thành được cô gái bán quán đọc cho nghe truyện ngắn “Tên em là Xiêm Huệ” của nhà văn Bá Dũng. Những chi tiết, những nhân vật trong truyện khiến ông bừng tỉnh. "Tôi nhận ra trên đời này còn bao tấm lòng nhân ái, bao mảnh đời bất hạnh đang ngày đêm phấn đấu, vươn tới hy vọng. Tôi không thể mãi là người hành khất, con gái tôi không thể thất học”, ông kể.

Nhà văn mù Nguyễn Trung Thành đã cho ra đời tập thơ Tiếng lòng, Khúc ru lòng; tập tiểu luận Hương đại; tập truyện thiếu nhi Thủ lĩnh cóc tía; tuyển tập truyện ngắn Phục thiện, Nẻo Khuất...

Ông cũng giành được hàng chục giải thưởng, như: giải B truyện ngắn báo Nghệ An (1996); giải C tạp chí Đời mới, Hội người mù Việt Nam; giải khuyến khích văn học của Đài TNVN (2005), tặng thưởng Hồ Xuân Hương lần ba; giải 3 luận văn của Liên hiệp Hội người mù Onkyo Đông Á Thái Bình Dương (2005); giải khuyến khích chuyện đời tự kể báo Tuổi trẻ năm (2006); giải thưởng đặc biệt vượt lên số phận do tạp chí Thanh niên tổ chức năm 2010...

Hôm đó, lần đầu tiên Nguyễn Trung Thành mường tượng ra một truyện ngắn mà nhân vật chính là cuộc đời bi thảm và truân chuyên của mình. Những vần thơ đầu đời cũng được người đàn ông mù hành khất thốt lên đầy tâm trạng. Ông quyết định trở về nhà với vợ con.

Đến thăm một người bạn thương binh và gặp một thương binh khiếm thị khác là Chủ tịch Hội người mù tỉnh, được sự động viên, ông Thành tích cực tham gia công tác hội người mù rồi đi học chữ nổi. Bàn tay khô rám lâu nay chỉ quen với việc mò cua, bắt ốc, cầm gậy ăn xin, lần đầu tiên mò mẫm với con chữ thật khó khăn, nhưng ông quyết tâm để hoàn thành khóa học, đọc thông, viết thạo sau hai tháng.

Kết thúc khóa học chữ nổi với chứng nhận loại giỏi ông được phân công trực tiếp giảng dạy chữ cho người mù trong tỉnh Nghệ An rồi làm cán bộ ở Hội người mù thị xã Thái Hòa. Cũng từ đó, ông bắt đầu sáng tác những bài thơ, bài văn, bài báo, truyện ngắn. Thấy mọi người khen hay, truyền tay nhau đọc, ông Thành mạnh dạn gửi cho các báo, tạp chí.

“Mỗi tác phẩm được đăng chứa bao nỗi niềm, là mồ hôi, nước mắt không chỉ của tôi mà còn của gia đình. Những lần đó, tôi đều lặng đi vì xúc động, không ngờ một người mù hành khất lại có bài viết được đăng”, ông Thành tâm sự. Hàng đêm, trong ngôi nhà nhỏ, người đàn ông mù hì hục viết chữ nổi, người vợ cố gắng ghi chép lại các tác phẩm của chồng và gửi cho báo đài…

Thành quả của người đàn ông sinh năm 1959 Nguyễn Trung Thành hiện nay là hàng trăm bài báo được đăng trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương, 7 đầu sách gồm thơ, tiểu luận, truyện ngắn, hơn 10 giải thưởng trong nước và quốc tế cùng một tủ sách gia đình với hơn 2.000 cuốn.

Đặc biệt, ý chí vươn lên của ông đã trở thành tấm gương sáng để các con học tập. Cô con gái hành khất năm xưa giờ đã thành cô giáo mầm non, 3 người con khác đang khẳng định mình trên giảng đường đại học.

Theo Nguyên Khoa (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm