Được dẫn dắt bởi Trung Quốc, hàng loạt nước mới nổi và đang phát triển đã ghi nhận tỉ lệ tăng trưởng cao kỷ lục trong thập niên vừa rồi, đặt ra tiền lệ để các nước khác đi theo. Dù nhìn chung các nền kinh tế phát triển cao đã và đang vận hành kém cỏi hơn nhiều, song cũng có những ngoại lệ nổi bật, ví dụ như Đức và Thụy Điển. Lãnh đạo các nước này thường nói: “Hãy làm như chúng tôi và các bạn cũng sẽ phát triển”.
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn bạn sẽ thấy rằng mô hình tăng trưởng vốn được ca tụng của những nước này không thể nào lặp lại được trong mọi trường hợp, vì chúng phải dựa vào nguồn thặng dư thương mại lớn để kích thích các ngành sản xuất hàng hóa cũng như toàn bộ nền kinh tế. Thặng dư tài khoản vãng lai của Thụy Điển đã đạt mức trung bình rất cao là 7% GDP trong thập niên vừa qua; Đức cũng đạt mức trung bình là gần 6% trong cùng khoảng thời gian đó.
Mức thặng dư thương mại rất lớn của Trung Quốc - trên 10% GDP vào năm 2007 - đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, xuống còn khoảng 2,5% GDP. Phải khẳng định rằng tỉ lệ tăng trưởng hằng năm của Trung Quốc vẫn còn tương đối cao, ở mức trên 7%.
Rõ ràng là tất cả quốc gia không thể có thặng dư thương mại cùng một lúc. Trên thực tế, các nền kinh tế thành công đạt được mức tăng trưởng siêu hạng là nhờ các nước khác đã chọn không làm theo mô hình của họ. Những người hùng thực sự của nền kinh tế toàn cầu - những hình mẫu mà các nước khác nên học hỏi theo - là những quốc gia có nền kinh tế phát triển tương đối tốt trong khi chỉ duy trì tỉ lệ mất cân bằng cán cân tài khoản vãng lai ở mức thấp. Những nước như Áo, Canada, Philippines, Lesotho và Uruguay không thể sánh bằng những quốc gia vô địch về tỉ lệ tăng trưởng của thế giới, vì họ không vay mượn quá mức hay duy trì một mô hình kinh tế theo chủ nghĩa trọng thương. Mô hình kinh tế của những nước này không có gì nổi trội và thường ít được chú ý đến. Nhưng nếu không có chúng thì nền kinh tế toàn cầu sẽ còn khó kiểm soát hơn cả bây giờ.
HOÀNG GIANG (Nghiencuuquocte.net)