Phở - món quốc hồn, quốc túy của người Việt tưởng như chỉ có một, nhưng thực ra có nhiều khẩu vị khác nhau. Trong các khẩu vị ấy, phở Nam Định thời gian gần đây nổi lên như một thương hiệu gắn với xuất xứ của nó.
Tour trải nghiệm nấu phở đặc sắc
Mà nói đến xuất xứ của phở Nam Định thì phải nhắc tới Vân Cù, Giao Cù, Tây Lạc - ba ngôi làng được xem là quê hương của phở Nam Định. Những người con của làng truyền nhau bí quyết tráng bánh phở ngon, ninh xương ngọt đậm và có những bát phở thơm lừng từ đầu phố đến cuối phố.
Có lẽ vì vậy mà Ngày của Phở, 12-12 năm nay, Vân Cù, huyện Nam Trực đăng cai tổ chức nhân đúng dịp hội làng. Như thế, khác với hội làng hàng năm, gắn với lễ Thành hoàng làng, thì không gian trước đình làng năm nay là nơi sôi động nấu phở và nhiều món ăn thuần Việt khác.
|
Ông Cồ Việt - chủ quán phở Cồ Chiêu, 48 Hàng Đồng, Hà Nội giới thiệu cách làm bánh phở ngon. Ảnh: TTO. |
Điểm nhấn của hội là các hoạt động tái hiện cảnh truyền thống như giã giò, làm nem, các hoạt cảnh trong việc nấu phở từ xa xưa. Bên cạnh đó là các hoạt động nghệ thuật dân gian của bà con như hát xẩm, ca trù, múa rối nước.
Ông Vũ Ngọc Vượng, người con làng Vân Cù, tất bật từ sáng tới đêm cùng ban tổ chức chuẩn bị cho ngày hội phở lớn nhất từ trước tới nay của quê phở Nam Định.
Ông Vượng đảm trách hai gian hàng tráng bánh và nấu phở để khách đến vừa đượcc trải nghiệm, vừa nghe giới thiệu hương vị phở truyền thống của người con Nam Định.
Hai gian hàng đặt hai bên cổng đình, thiết kế theo phong cách truyền thống gánh phở Vân Cù xưa.
"Điều đặc sắc của phở Nam Định là bí quyết truyền thống. Từ cách chọn thịt, ninh xương, tráng bánh... cho đến bí quyết dùng gia giảm, tạo vị. Chúng tôi đều giữ từ các thế hệ cha ông tới bây giờ.
Truyền thống ấy cũng là nét văn hóa ẩm thực đặc sắc mà chúng tôi mong muốn các thế hệ sau này gìn giữ. Vì thế, hội này này chọn giã giò, làm nem, tráng bánh, nấu phở... theo cách mà cha ông chúng tôi đã làm" - ông Vượng cho hay.
|
Du khách trải nghiệm thái bánh phở tại ngày hội. Ảnh: TTO. |
Anh Vũ Đình Tuyên, người ở huyện Hải Hậu được hướng dẫn cách tráng bột, vớt bánh bằng ống tre. Lập nghiệp ở Hà Nội, nay có dịp rủ bạn bè về quê, anh tự hào bảo quán phở có chữ "Cồ", chữ "Vũ" trên cả nước thì đều là của người Nam Định.
Dù vậy, với Tuyên, đây lại là lần đầu tiên tận mắt thấy người Nam Định biểu diễn kỹ thuật tạo ra thứ bánh vừa dai, vừa mềm lại thơm dậy mùi lúa quê hương.
"Nếu để ý một chút sẽ thấy bánh phở làm bằng máy dễ bị bở hoặc không quện với nước phở. Về đây tôi mới thấy khi thái bánh, người ta phết một lớp mỡ mỏng lên tấm ván để chống bánh dính vào nhau. Chính lớp mỡ rất mỏng này lại ngăn không cho sợi bánh bị se bề mặt, và dậy mùi thơm của bánh" - anh nhận xét.
|
Người làng Vân Cù biễu diễn kỹ thuật tráng bánh cổ truyền. Ảnh: TTO. |
Nam Định luôn thu hút du khách thưởng thức món phở, thời gian tới chúng tôi sẽ nỗ lực chuẩn hóa phở Nam Định để quảng bá nét độc đáo của phở. Chuẩn từ gạo, lượng thịt bò, lượng gia vị... tạo nên chuẩn hương vị phở xưa Nam Định, chứ không nhầm lẫn với hương vị phở khác. Hiệp hội cũng sẽ triển khai nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị ẩm thực ngoài phở.
(Bà Lê Thị Thiết - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định)
Cơ hội đưa ẩm thực Việt vươn tầm thế giới
Có mặt tại sự kiện Ngày của Phở 12-12, Đại sứ Pakistan tại Việt Nam - bà Samina Mehtab chia sẻ cảm xúc của mình:
“Phở là món ăn rất lành mạnh, nhiều dinh dưỡng. Trước khi đến Việt Nam, chúng tôi đã nghe rất nhiều về phở nên chúng tôi rất mong đợi được thưởng thức những tô phở ngon ở Việt Nam, và các món ăn khác nữa”.
Một điều thú vị, theo bà Samina là ở quê hương bà cũng có những món ăn tương tự phở. Chỉ vào các nguyên liệu nấu phở như quế, hồi… bà nói quê nhà Pakistan cũng dùng những gia vị này.
|
Đại sứ Pakistan tại Việt Nam Samina Mehtab (trái) và Đại sứ Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari (phải) tìm hiểu về nguyên liệu nấu phở tại sự kiện. Ảnh: TTO. |
Trong khi đó, với bà Maija Seppälä, Tham tán Đại sứ quán Phần Lan, trài nghiệm phở lần này là cơ hội để bà tìm hiểu thêm về văn hóa, ẩm thực Việt Nam. "Tôi mới nhận nhiệm vụ ở Việt Nam được một tháng. Qua tìm hiểu, tôi được biết phở là một món ăn có ý nghĩa rất quan trọng trong văn hóa của người Việt, món ăn rất nổi tiếng của người Việt, nên tôi muốn biết phở được làm ra như thế nào. Tôi ăn phở mấy lần rồi nhưng chưa bao giờ xem người ta nấu cả".
"Có lẽ về mặt kỹ thuật phở không quá khó nấu nhưng mà phải đầu tư thời gian và các nguyên liệu đặc biệt. Tôi sẽ thử nấu ở nhà, nhưng tôi nghĩ mình phải thực tập nhiều lần mới nấu được" - bà Maija Seppälä nói thêm.
|
Bà Maija Seppälä - Tham tán Đại sứ quán Phần Lan (trái), tham quan và làm bánh phở truyền thống tại làng Vân Cù. Ảnh: TTO. |
Hòa chung niềm vui được thưởng thức phở của những vị khách phương xa là niềm tự hào, hãnh diện của những người con làng Vân Cù. Cồ Huy Vui hẳn là một trong số đó, khi mà không gian làm bánh phở của anh lúc nào cũng tấp nập người xem, thử cắt bánh phở, chụp ảnh, và thưởng thức những sợi phở trắng tinh mới ra lò.
Người con Vân Cù đang bán phở ở Hà Nội này đã sắp xếp thời gian để về chung vui với ngày hội làng mình, góp công sức làm nên bát phở ngon cho khách tham quan thưởng thức.
Làng Vân Cù ở xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực được coi là mộ trong những cái nôi của nghề phở Nam Định, nay nổi tiếng bởi những những người con Vân Cù đã mang nghề phở của làng đi khắp cả nước và ra cả nước ngoài.
Dân làng nay dù không ai chắc chắn món “tuyệt kỹ” phở Vân Cù xưa vị chuẩn ra sao, nhưng người dân Nam Định thì vẫn mang niềm tự hào phở Vân Cù đã tồn tại và lưu truyền trong những trang viết bất hủ của những tên tuổi Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân…