Người Nhật Bản, Trung Quốc thích trái vải tươi Bắc Giang

(PLO)- Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang quảng bá và tiêu thụ vải cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2022 trực tiếp kết hợp trực tuyến qua điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Phi Thoàn, Giám đốc điều hành công ty JV Solutions (đang cung cấp lượng lớn trái cây tươi cho chợ, siêu thị tại Nhật) cho biết, đây là năm thứ 3 đồng hành cùng quả vải và tự hào mang vải Việt Nam phân phối cho siêu thị Nhật, kiều bào.

Với độ ngọt và hương thơm, trái vải Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với vải từ các nước khác khi vào thị trường Nhật.

Theo ông Thoàn, trái vải được mong đợi nhất vào mùa hè hàng năm tại Nhật, kể cả người Nhật hay người nước ngoài tại Nhật đặc biệt là kiều bào Việt đang sinh sống và làm việc ở Nhật rất mong đợi thời gian này.

Vì vậy, vài tháng trước các đơn vị nhập khẩu đã lên kế hoạch chào bán, lên kế hoạch nhập hàng cho chuyến đầu tiên. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên Nhật Bản áp dụng quy định kiểm tra dư lượng thuốc đối với quả vải nên sẽ không có quá nhiều đơn vị dám mạo hiểm. Bù lại sẽ là cơ hội cho các đơn vị dám tin tưởng đồng hành cùng quả vải Việt Nam do ít đơn vị cạnh tranh, việc chào hàng ra thị trường sẽ rộng hơn.

“Tỷ giá yên đang là bất lợi cho các nhà nhập khẩu tại Nhật nhưng với mong muốn quảng bá trái vải Việt Nam công ty quyết tâm đánh chiếm thị trường năm nay. Đặc biệt, vui hơn khi chuyến vải đầu tiên vào Nhật Bản trùng với thời gian diễn ra Festival Việt - Nhật (ngày 4, 5 tháng 6), dự kiến sẽ là năm thành công cho trái vải tại Nhật khi công ty có một gian hàng tại đây ” - ông Thoàn chia sẻ.

Trái vải thiều Bắc Giang được bày bán ở siêu thị Nhật Bản. ẢNH: V.THỌ

Trái vải thiều Bắc Giang được bày bán ở siêu thị Nhật Bản. ẢNH: V.THỌ

Trong khi đó, ông Thang Thành Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội hoa quả quốc tế Thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cho biết vải thiều từ Bắc Giang có kích thước to, cùi dày, hạt nhỏ và độ ngọt cao nên bán rất chạy và được người dân ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Thâm Quyến…cực kì yêu thích.

Theo thông lệ hàng năm, các thương nhân Trung Quốc được mời đến Bắc Giang thu mua vải nhưng rất tiếc hai năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh nhiều thương nhân Trung Quốc không thể sang Việt Nam.

Đồng thời, để đảm bảo việc giao dịch vải thiều giữa hai nước được thông suốt hiệp hội đề nghị hải quan hai nước phối hợp, trao đổi, mở luồng xanh cho xuất nhập khẩu vải tươi để đảm bảo vải được ưu tiên và thông quan nhanh chóng.

Bên cạnh đó, hiệp hội khuyến cáo các thương nhân kinh doanh trái cây Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của Hải quan Trung Quốc.

Cụ thể, trái vải tươi khi đóng gói không được có lá, cành vải không dài quá 15 cm, nếu không sẽ bị trả về do không đáp ứng tiêu chuẩn kiểm dịch, làm lãng phí cơ hội thông quan quý báu, ảnh hưởng đến lưu thông trong giao dịch vải thiều.

Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2022 sản lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang dự kiến đạt khoảng 180.000 tấn. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đây là tín hiệu tốt nhưng là thách thức lớn trong đảm bảo tiêu thụ cho bà con nông dân.

Theo ông Hải, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang quảng bá và tiêu thụ vải cả thị trường trong nước lẫn quốc tế. Hỗ trợ cập nhật thông tin về các chính sách xuất nhập khẩu, các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu…

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay tỉnh đổi mới khi đẩy mạnh tiêu thụ vải trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều thương nhân trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan...sớm tìm hiểu, chuẩn bị cho việc giám sát tiêu thụ vải tại huyện Tân Yên, huyện Lục Ngạn.

Sau hội nghị này, tỉnh kỳ vọng đón tiếp nhiều doanh nghiệp, thương nhân đến khảo sát, thu mua.

Năm 2022, dự kiến thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 108.000 tấn, chiếm 60%, xuất khẩu khoảng 72.000 tấn, chiếm 40%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm