Nhiều ý kiến có chung nhận định nếu cho phép người nước ngoài mua condotel (căn hộ khách sạn) sẽ góp phần tăng thu hút đầu tư, tăng thu ngoại tệ mà không ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất cũng như sở hữu tài sản. Vì vậy cần có quy định cho phép người nước ngoài được mua condotel.
Lợi mà không lo
Pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có bất kỳ quy định nào về việc cho phép người nước ngoài mua căn hộ condotel. Song điều đáng mừng là Nghị định 10/2023 của Chính phủ ban hành mới đây (tháng 5-2023) đã tạo cơ sở pháp lý cho các loại hình sản phẩm bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng như condotel.
Việc cho phép người nước ngoài mua condotel có thể giúp tăng đầu ra cho dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Trong ảnh: Khách hàng nhận bàn giao condotel. Ảnh: QH |
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hoàng, chuyên gia BĐS, để thị trường này phát triển hơn thì nên có quy định cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu condotel tại Việt Nam. Bởi lẽ hiện nay Luật Nhà ở đã cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam với những điều kiện kèm theo như không được mua quá 30% số lượng căn hộ, nhà ở tại dự án đó; không được ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng…
Trước lo ngại về quyền sở hữu của người nước ngoài, TS Nguyễn Hoàng nêu quan điểm: Condotel nếu được cấp sổ hồng thì quyền sở hữu cũng sẽ có thời hạn theo thời hạn đất thương mại dịch vụ 30-50 năm, nên hoàn toàn phù hợp với luật hiện hành.
Hơn nữa, condotel chỉ là căn hộ lưu trú, người nước ngoài không được ở mà chỉ có thể nghỉ dưỡng (thời gian theo hợp đồng), phần lớn thời gian căn condotel cho khách thuê nghỉ dưỡng. Chưa kể dự án condotel muốn triển khai phải xin phép… Như vậy, nếu cho người nước ngoài mua condotel thì chúng ta tăng thu hút đầu tư, tăng thu ngoại tệ mà không ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản.
“Đặc biệt khi có thêm khách hàng là người nước ngoài sẽ giúp tăng đầu ra cho dự án condotel, kéo theo lĩnh vực kinh tế khác như du lịch, dịch vụ, tài chính cũng phát triển” - ông Hoàng phân tích.
Đồng tình với ông Hoàng, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng nên mở rộng chính sách cho phép người nước ngoài mua bán, sở hữu BĐS du lịch bao gồm cả condotel. Đây là việc cần làm. Vì về mặt địa lý, Việt Nam có thế mạnh đường bờ biển dài hàng ngàn kilomet. Dọc 63 tỉnh, thành của nước ta có hơn một nửa trong đó gắn liền với biển nên tiềm năng du lịch, cho thuê, nghỉ dưỡng rất lớn và cần được khai thác triệt để.
Theo TS Khương, việc bán condotel cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một hình thức xuất khẩu BĐS tại chỗ. Người nước ngoài sở hữu căn hộ du lịch hay căn nhà tại Việt Nam thì tài sản vẫn nằm ở Việt Nam. Không những thế, việc sở hữu BĐS tại Việt Nam còn tăng thêm chi tiêu tiêu dùng, dòng tiền ngoại hối đổ về các lĩnh vực kinh tế khác như du lịch, dịch vụ, tài chính cũng tốt theo.
“Nguồn đầu tư từ nước ngoài cho các sản phẩm du lịch đã và đang được triển khai khá hiệu quả ở các nước lân cận trong khu vực như Thái Lan, Singapore... Việt Nam cần tham khảo các nước” - TS Khương dẫn chứng.
Muốn bán, condotel phải có “sổ”
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, đồng tình với đề xuất cho phép người nước ngoài mua condotel tại Việt Nam. Nhưng để thực hiện chủ trương này trước hết cần quy định rõ về “định danh” pháp lý condotel trong dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) thì mới thực sự thu hút người nước ngoài.
“Dù mới đây Nghị định 10/2023/NĐ-CP đã có quy định cấp giấy chứng nhận cho condotel đủ điều kiện nhưng thực tế vẫn có nhiều trở ngại, thiếu sự đồng bộ trong các quy định khiến các địa phương khó cấp sổ hồng cho từng căn hộ” - luật sư Trần Đức Phượng dẫn chứng.
Cũng theo luật sư Phượng, phải xác định rõ đâu là dự án du lịch, đâu là dự án kinh doanh BĐS. Dự án du lịch thì kinh doanh lưu trú, chỉ được chuyển nhượng nguyên dự án chứ không được bán các dạng căn hộ condotel. Khi đó chủ đầu tư chỉ có thể “lách” bằng hợp đồng hợp tác đầu tư… nhưng sẽ không có chuyện cấp sổ hồng cho từng căn hộ condotel trong đó. Nếu dự án đó được xác định là dự án kinh doanh BĐS thì mới được mua bán, cấp sổ hồng cho từng căn hộ condotel, cho thuê dài hạn.
“Thực tế sau khi Nghị định 10/2023 của Chính phủ ban hành, các địa phương vẫn chưa thể cấp sổ hồng cho từng căn hộ condotel của các dự án vì chưa thể xác định rõ đây là dự án du lịch hay dự án kinh doanh BĐS. Vì vậy, vẫn phải chờ quy định rõ hơn về condotel trong dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi)” - luật sư Phượng nói.
Bên cạnh đó, để tổ chức, cá nhân nước ngoài mua condotel mang lại những hiệu quả thực sự, kích thích phát triển du lịch, đầu tư… thì ngành du lịch cũng phải phát triển và đồng bộ. Ngoài ra, cần hành lang pháp lý rõ ràng cho các dự án condotel phục hồi trở lại và tạo thuận lợi về thủ tục cho người nước ngoài mua nhà.
Đã có hơn 3.000 người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Theo Bộ Xây dựng, tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy đến nay trên cả nước đã có 3.533 tổ chức, cá nhân nước ngoài (236 tổ chức, 3.197 cá nhân) đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Các cơ quan chức năng vẫn thực hiện cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép mua nhà ở tại các dự án theo quy định.
Về đối tượng người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm nhiều quốc tịch, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Úc, Nhật Bản… Trong đó, người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tập trung chủ yếu tại các tỉnh, TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương...