Vụ án bà Nguyễn Phương Hằng với nhiều người thuộc nhiều bên khác nhau, có cả nhà báo, cả luật sư, giảng viên luật cùng bị khởi tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đã được nhắc tới tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 3-3.
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an cho biết đến thời điểm này, vụ án chưa có diễn biến gì mới.
Nhưng vụ án mang lại những bài học cho toàn xã hội. Đó là bài học về phát ngôn, bình luận, đăng tải, chia sẻ thông tin phải tuân thủ các quy định của pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trên không gian mạng.
Người phát ngôn Bộ Công an cho rằng người dân chỉ nên chia sẻ những thông tin chính thống, có nguồn tin cậy, có hành vi ứng xử phù hợp với đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc.
Không sử dụng những ngôn ngữ gây hằn thù, kích động, bạo lực và không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, tin giả, tin sai sự thật…
Nếu các cá nhân cố tình lợi dụng quyền tự do ngôn luận để phát ngôn, bình luận, đăng tải các thông tin sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục, đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật... thì sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.
"Đặc biệt là các nhà báo - người làm trong ngành chắc chắn cũng có đầy kinh nghiệm rồi, mặc dù thế tôi vẫn thấy có một số nhà báo rút tít để câu view. Nhân dịp này tôi chia sẻ, mong các nhà báo rút tít sắc sảo, hay nhưng cũng không vi phạm", Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.
|
Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, việc gặp một vài trục trặc trong bối cảnh mỗi ngày có vài trăm nghìn giao dịch hành chính công là bình thường. Ảnh: HOÀNG HẢI |
Liên quan đến những bất cập trong việc người dân đã được cấp căn cước gắn chíp hiện đại, tích hợp nhiều thông tin về nhân thân, được giới thiệu là sẽ cắt giảm nhiều giấy tờ, không cần sổ hộ khẩu giấy... nhưng thực tế vẫn gặp nhiều rắc rối trong giao dịch và khó khăn cho cả các cấp chính quyền khi thực hiện thủ tục hành chính, ông Xô cũng đã trình bày thêm.
Theo đó, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, trong những ngày qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc và bản thân ông đã đề cập vấn đề này rất kỹ và tương đối đầy đủ.
"Từ hôm qua đến nay cơ bản không có vấn đề khiếu nại gì; hiện nay, cơ quan chức năng không còn đòi sổ hộ khẩu giấy, chứng nhận nơi cư trú" - ông Xô nói.
Vị tướng công an cho rằng với dân số 100 triệu dân, mỗi ngày vài trăm nghìn giao dịch không tránh khỏi ít nhiều trục trặc. Nhưng về phía Bộ Công an đã có hình thức nhắc nhở và biện pháp khắc phục.
“Chúng ta xây xong nhà mới, việc vận hành chưa chắc đã thuần thục. Tôi nói vậy không phải để chối bỏ trách nhiệm của lực lượng công an nhưng rất mong người dân thông cảm và hiểu được. Số việc báo chí phản ánh so với tỷ lệ số người đi làm dịch vụ hành chính công là rất nhỏ. Việc làm ảnh hưởng đến người dân, Bộ Công an đã nghiêm khắc nhắc nhở và có biện pháp khắc phục” - Trung tướng Tô Ân Xô nói.
Cần nhắc lại, căn cước công dân gắn chíp, bỏ sổ hộ khẩu giấy là những nội dung đầu tiên mà chủ công là ngành công an đang triển khai đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Quá trình triển khai đề án này đến nay đã có những kết quả tích cực bước đầu, nhưng như PLO đã nhiều lần phản ánh, người dân và cả cán bộ chính quyền cơ sở đang gặp nhiều rắc rối về xác nhận cư trú, đính chính thông tin sai trên căn cước...