Người phụ nữ ấy là chị Nguyễn Ngọc Quang Thanh (41 tuổi) – có "thâm niên" bán nước gần nhà thờ Đức Bà từ những năm 1996. Chị Thanh cho biết, hơn chục năm trước đàn bồ câu chỉ còn khoảng hơn 10 con, lúc đó một chú tên Điệp làm nghề chụp ảnh hay cho ăn. Sau chú mất, trước khi mất có dặn một anh tên Cường và mọi người chăm sóc chúng. Tới nay đàn bồ câu sinh sôi nảy nở được hơn 400 con. Chị và anh Cường thay phiên nhau chăm sóc đàn bồ câu, một người buổi sáng, còn người kia buổi chiều.
“Đúng 5 giờ 30 mỗi ngày, anh Cường sẽ cho chim ăn. Còn buổi trưa thì đúng 10 giờ 30 tui sẽ gọi chúng tới ăn. Nhưng nhiều khi chưa cần gọi chúng đã canh giờ bay xuống đợi sẵn. Chỉ cần xóc hộp thóc là chúng ùa tới quanh người” – chị Thanh kể.
Đàn bồ câu ở đây rất thân thiện và dạn người.
Hai bạn trẻ thích thú với hai chú chim mổ thức ăn trên tay.
Vào những ngày cuối tuần, đàn chim trở thành tâm điểm của người dân và khách tham quan.
Mỗi ngày chị Thanh đều bỏ tiền túi khoảng 120.000 đồng để mua lúa và đậu xanh cho bồ câu ăn.
Với chị đàn bồ câu rất đỗi thân thuộc, chị thương chúng như con của mình nên dù bán nước có không lời bao nhiêu nhưng nhất quyết không để chúng đói.
Cầm trên tay nắm lúa và một hộp đựng lúa bên trong để xóc lên tạo tiếng động, chưa đầy 30 giây sau, đàn bồ câu bay sà xuống kín xung quanh chỗ chị Thanh đứng.
Em nhỏ thích thú đứng cạnh đàn chim bồ câu đang ăn lúa.
Hơn chục năm qua chưa ngày nào chị để đàn bồ câu phải đói, “nhìn chúng ăn say sưa lòng mình thấy bình yên và nhẹ nhàng lắm giữa chốn xô bồ này”- chị Thanh tươi cười.
Vừa bán nước cho khách nhưng chị Thanh không quên để mắt quan sát đàn bồ câu đang ăn. “Nhiều khi có khách lùa bồ câu bay lên để chụp hình mà đạp lên cánh hoặc lùa xuống đường xe ô tô chạy ngang cán chết”.
Đàn bồ câu ăn no lại bay một lượt quanh công viên nhà thờ Đức Bà tạo nên một khung cảnh bình yên.
Những khi vắng khách, chị Thanh lại quay về với niềm vui là ngồi nhìn đàn bồ câu ăn, rỉa lông... và trò chuyện cùng những người bạn hàng.