‘Người Sài Gòn dễ thương thiệt!’

“Người Sài Gòn dễ thương thiệt” - bạn đọc đã comment như thế khi đọc bài viết “Sài Gòn luôn dang tay đón mọi người” cùng các câu chuyện về người Sài Gòn trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 30 và 31-8.

Cô Dư Sài Gòn hay… quát sinh viên

Đã 20 năm nay hầu như tôi không ăn canh xương/giò heo nấu với các loại củ. Lý do: Tôi ngán món này từ cái thời… sinh viên.

Nói vậy nghe có vẻ “sang chảnh” khó tin, vì sinh viên làm gì có nhiều tiền. Kỳ thực, hồi đó chúng tôi gặp cô Dư, một bà chủ nhà trọ quá tốt bụng. Hễ nhà cô Dư nấu món gì là chúng tôi được ăn ké món đó, mà nhà cô lại bỏ mối rau củ quả nên món canh xương/giò heo nấu củ gần như hai, ba ngày lại xuất hiện.

Cô Dư dân gốc Bình Định, vào Sài Gòn lập nghiệp đã lâu. Cô mua thêm cái nhà đối diện con hẻm và ngăn phòng cho thuê. Hồi đó tiền nhà tháng 80.000 đồng nhưng hễ tháng nào thấy chúng tôi kẹt, mất mối dạy kèm là cô Dư xóa nợ. Sáng Chủ nhật, tầm 8-9 giờ, thấy đống xe đạp của chúng tôi còn trước cửa phòng, cô Dư bước qua quát: “Giờ này làm gì chưa dậy! Hết tiền rồi chớ gì? Dậy đi uống cà phê đi, tao cho tụi bây mượn tiền nè, trưa về tao nấu cơm ăn!”. Tiếng quát vừa dứt thì… tiền cũng “xùy” ra, nói là cho mượn nhưng đa phần là cho luôn. Tiền nhà mà chúng tôi trả cho cô Dư chắc không bằng những khoản cô Dư cho lại.

Cô Dư tốt bụng “thôi rồi”, đến độ mấy đứa bạn chúng tôi khi kẹt đến tá túc phòng tôi, cô cũng nấu cơm cho ăn luôn, lâu thành quen, thành thân. Cô nhớ mặt từng đứa, hay hỏi han chuyện nhà, chuyện học, chuyện dạy kèm. Cô bảo tụi bây đang học thì đừng có yêu, nhưng hễ đứa nào có bồ, trước khi đi chơi đều bị cô kiểm tra túi. Để chi vậy? Để nhét thêm dăm ba chục dằn túi, đặng tụi bây dắt nhau vô quán cà phê cho nó đàng hoàng. Đó là chưa nói, cô Dư còn “bỏ nhỏ” chủ quán tạp hóa gần nhà rằng hễ mấy đứa sinh viên mua chịu gạo, dầu hôi, mắm, muối… thì cứ bán, có gì cô bảo lãnh…

Ra trường, có đứa về quê, khi cưới vợ mời cô, cô liền thuê xe đưa cả nhà ra dự, cứ như người bà con thân thiết vậy. Thậm chí có đứa mua nhà mà thiếu tiền, cô còn dám cho vay dăm chục triệu…

Bây giờ cô Dư vẫn cho thuê nhà trọ, phòng ốc rộng rãi, khang trang hơn nhưng lòng tốt của bà chủ nhà trọ Sài Gòn thì vẫn cũ y chang ngày nào.

THÁI BÌNH, chung cư Tân Sơn Nhì 1, phường 14, quận Tân Bình

TP.HCM không thiếu những chỗ bơm vá xe như thế này.  (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai)  Ảnh: HTD

Rộng lượng, cởi mở, quan tâm

Tôi là cô gái có cá tính cực kỳ mạnh mẽ, có lúc ngông nghênh nữa. Có lẽ trong mắt nhiều người, tôi ngang tàng cá biệt.

Vào Sài Gòn học, tôi ở trọ nhà bác Ba ở quận Bình Thạnh. Bác chẳng xét nét gì mà yêu quý tôi như con. Các con của bác xem tôi như em gái trong nhà. Đến khi tôi chuyển chỗ, bác vẫn gọi hỏi thăm tôi, còn nhiệt tình làm giấy tờ và đứng tên giúp tôi mua xe máy. Trong xóm tôi ở trọ, có người làm nghề cạo gió, giác hơi dạo. Hễ có ai bệnh là đều được cạo gió hay giác hơi miễn phí, rồi cả xóm xúm lại hỏi thăm, lo lắng nấu cháo, mua thuốc. Lại nhớ có một quán cơm trên đường Lý Tự Trọng, bác chủ quán thương tôi là sinh viên tỉnh lẻ, sợ tôi không có nhiều tiền nên cứ múc cho thêm cơm, thêm thịt… Cứ thế, tôi được bác “nuôi ăn” thời sinh viên.

Đến khi ra trường, tôi đi xin việc và nhận ra họ rất tôn trọng nhân viên. Môi trường làm việc rất công bằng, sếp tôi chẳng bao giờ bận tâm tôi đến từ đâu, con cái nhà ai, chỉ quan tâm tôi có phù hợp với công việc hay không, tôi ngang tàng nhưng có đàng hoàng không. Càng di chuyển nhiều nơi, càng có nhiều trải nghiệm thì tôi càng chắc chắn rằng mình thuộc về vùng đất này. Rồi dần dà tôi cũng biết nhận ra những điểm mình nên sửa chữa để xứng đáng với những gì mình được con người nơi đây đối đãi.

Đến nay, tôi có vị trí khá tốt, nhân viên của tôi đến từ nhiều nơi. Tôi luôn đối xử với mọi người bằng cách mà người Sài Gòn đã đối xử với tôi: Công bằng, rộng lượng, cởi mở và quan tâm. Đó là cách tôi đền đáp ân tình của đất và người Sài Gòn.

NGUYỄN THỊ MINH GIANG, Giám đốc tư vấn nhân sự
của
Quỹ đầu tư Mekong Capital

Tin yêu hồn nhiên

Sáng, trên đường từ nhà đến cơ quan, tôi ghé lề đường Minh Phụng mua ổi. Đang lựa ổi để cân thì anh bán hàng có việc gì đó cần đi gấp. Anh nói: “Ổi ruột đỏ giá 20.000 đồng/ký. Chị cứ lựa cân xem bao nhiêu rồi tự tính ra tiền, mai mốt gì đưa cũng được”. Tôi chưa kịp nói gì thì anh rồ máy xe đi mất, gửi hàng lại cho chị bán vé số gần bên coi giùm. Mấy ngày sau tôi quay lại cũng không thấy anh đâu, phải đi ngang đó lần thứ tư mới gặp. Anh bảo ổi nhà vườn của gia đình, vài ngày mới có đợt hái bán chứ không có mỗi ngày. Tôi mua nhiều, số tiền tôi trả gần một trăm ngàn, đối với một người bán ổi đó không phải là nhỏ. Hỏi: Lỡ không trả thì sao? Anh bảo ai ăn gian mấy trái ổi làm gì.

Một lần khác, tôi chạy xe trên đường Võ Thị Sáu, thấy một người chở những bịch bánh tráng trộn nhỏ xíu cột lại thành nhiều búi. Cơn thèm bánh tráng trộn nổi lên, tôi chạy theo năn nỉ bán. Người đàn ông đi được một đoạn rồi ngoắc lại kêu tôi tấp vô lề, rồi lấy kéo cắt đưa cho mấy bịch nói “Lấy ăn đi, khỏi lấy tiền. Tôi chở đi bỏ sỉ chứ không bán lẻ, nói họ thông cảm thiếu vài bịch chắc không sao”.

Có những chuyện rất nhỏ nhưng làm ấm lòng mỗi khi gặp những người phương Nam, tin yêu một cách hồn nhiên vậy đó.

TRÀ MY, chung cư Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6

PLO ra mắt chuyên mục “Người Sài Gòn tử tế”

Kể từ ngày 1-9-2016, báo điện tử Pháp Luật TP.HCM ra mắt chuyên mục “Người Sài Gòn tử tế”, tập hợp những video clip phóng sự về những con người đã vẽ nên nét đẹp nhân văn cho thành phố.

Xuất hiện vào lúc 8 giờ thứ Năm hằng tuần trên plo.vn, “Người Sài Gòn tử tế” sẽ mang đến cho độc giả những câu chuyện cảm động về tình người, đó có thể là cậu bé sửa giày miễn phí cho người nghèo, người đàn ông vớt xác trên sông hay nữ võ sư cùng hành trình 10 năm đồng hành với trẻ tự kỷ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm