'Người ta đổ mọi chuyện cho pháp luật để lẩn tránh trách nhiệm'

(PLO)- GS.TS Lê Hồng Hạnh nói thực tế có nhiều vướng mắc nhưng không phải do quy định pháp luật mà do người thực thi muốn hiểu sai, áp dụng sai vì mục đích cá nhân.

Ngày 19-4, Viện Khoa học pháp lý, Vụ Pháp luật dân sự- kinh tế và Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) phối hợp tổ chức Tọa đàm “Đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống – Xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới cho doanh nghiệp”.

Được ‘trải thảm đỏ’ vẫn phải qua 16 cửa, 32 con dấu

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Lam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hồng Lam, cho rằng doanh nghiệp là đối tượng ‘chịu nạn’ nhiều nhất khi pháp luật chưa ‘nét’, chưa ‘chuẩn’.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hồng Lam

Ông Nguyễn Hồng Lam chia sẻ trước đây để xây dựng nhà máy, ông đã khảo sát 5 tỉnh xung quanh Hà Nội. “Rất may, Vĩnh Phúc ‘trải thảm đỏ’ nên chúng tôi cũng vào được”- ông Lam cho biết.

Dù vậy, DN của ông cũng phải qua 16 cửa với 32 con dấu.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hồng Lam cũng than việc cán bộ ở nhiều nơi rất giỏi dùng ‘uyển ngữ”. “Chính phủ yêu cầu mỗi năm chỉ được thanh, kiểm tra doanh nghiệp một lần, nhưng các cơ quan sẽ sử dụng những từ rất hay là ‘xuống giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp’, nhưng thực chất vẫn là thanh tra, kiểm tra”- ông Lam nói.

Cho rằng thực tế thực thi pháp luật ở nhiều địa phương cũng chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Lam mong mỏi: “Làm sao để quan chức, cán bộ tuân thủ đầu tiên, doanh nghiệp chúng tôi cũng sẽ tuân thủ”.

Ngoài ra, vị doanh nhân này phản ánh có nhiều quy định còn chồng chéo, điều chỉnh trong thời gian ngắn, doanh nghiệp không được phổ biến kịp thời nên việc tuân thủ, đáp ứng yêu cầu còn khó khăn.

“Các luật đừng chồng chéo nhau. Khi ban hành cần đánh giá luật ấy có tạo điều kiện cho cán bộ tham nhũng không, có khiến doanh nghiệp bị thất thoát, thậm chí có khiến DN bị phá sản không?”- ông Lam đề nghị.

Bà Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cũng chia sẻ nhiều khó khăn bà gặp phải trong quá trình kinh doanh. Thậm chí, có dự án công ty của bà mất nhiều năm để làm thủ tục, tới lúc gần xong do quy định thay đổi nên phải làm lại từ đầu.

“Tôi làm kinh doanh, lẽ ra mong muốn con kế nhiệm mẹ nhưng sau lại muốn con làm công chức vì thấy nghề của mẹ vất vả quá”- bà Thanh nói.

"Muốn hiểu sai vì mục đích cá nhân"

“Người ta đổ mọi chuyện cho pháp luật để lẩn tránh trách nhiệm. Tôi có thể cam đoan rằng nhiều văn bản luật của chúng ta tiếp cận gần như sát, có những vấn đề hoàn toàn giống với quốc tế, chỉ có điều chúng ta không thực hiện thôi”- GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN nói.

GS.TS Lê Hồng Hạnh

Là người làm công tác nghiên cứu, đồng thời làm báo, làm luật sư, làm trọng tài viên VIAC từ 1993 đến nay, GS Lê Hồng Hạnh khẳng định những gì doanh nghiệp gặp, ông đều nắm tương đối chuẩn xác.

“Muốn 'gỡ' cho doanh nghiệp không phải vấn đề pháp luật mà là vấn đề con người”- vẫn lời ông Hạnh.

GS Lê Hồng Hạnh kể ông từng tư vấn cho một dự án điện gió gửi cho một địa phương. “Một dự án hàng mấy trăm nghìn tỉ đồng hoàn toàn rất có lợi cho địa phương đó, vì dự kiến nộp cho ngân sách rất nhiều. Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, Thường vụ Tỉnh uỷ đồng ý, nhiều lãnh đạo tỉnh đồng ý, riêng Chủ tịch là không... Có phải sai luật đâu mà vấn đề ở khâu thực hiện”- GS Lê Hồng Hạnh một lần nữa nhấn mạnh.

Theo ông, vấn đề phải làm cho bằng được là thực thi pháp luật. Thực thi pháp luật cần đặt vào đó những con người biết pháp luật, hiểu pháp luật, đồng cảm với doanh nghiệp, đồng cảm với người dân.

GS Lê Hồng Hạnh thừa nhận thực tế vướng mắc rất nhiều không phải do quy định mà do người thực thi pháp luật muốn hiểu sai, áp dụng sai vì mục đích cá nhân.

“Vấn đề tôi nói là vấn đề con người, phải kiện toàn được công tác cán bộ...”- GS Lê Hồng Hạnh đánh giá pháp luật hiện nay khá ổn, dù có những mâu thuẫn, chồng chéo nào đó nhưng nếu có cán bộ ‘tâm’ thì hoàn toàn ‘gỡ’ được.

Xây dựng pháp luật cũng cần ‘năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm’

Trong khi đó, luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nguyên Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) lại cho rằng trong xây dựng pháp luật cũng cần thiết phải “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh

“Các quy định nằm trong phòng lạnh, không gắn với thực tế thì làm khổ doanh nghiệp rất nhiều”- ông Huỳnh cho rằng khi xây dựng pháp luật liên quan đến kinh doanh, nếu không kết nối với 300 hiệp hội doanh nghiệp, với mấy chục nghìn luật sư… thì “suốt ngày chúng ta sẽ bị luẩn quẩn trong vòng mâu thuẫn chồng chéo, không khả thi, không hợp lý, không hiệu quả”.

Vị luật sư này cũng nhận xét quá trình xây dựng pháp luật có nhiều bước tiến nhưng quá trình thi hành pháp luật có nhiều vấn đề. “Thật đau xót khi cán bộ công chức nói chúng tôi thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử”- luật sư Huỳnh nói thêm.

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cũng thừa nhận công tác xây dựng chính sách, pháp luật hiện nay vẫn ‘theo kiểu phòng lạnh, không đi vào thực tế’.

“Muốn đưa luật vào cuộc sống thì trước hết phải đưa cuộc sống vào pháp luật, phải nghe ý kiến của doanh nghiệp trước để biết họ cần gì chứ không phải chúng ta muốn gì”- ông Đinh Dũng Sỹ nêu quan điểm.

Đồng tình với các quan điểm chia sẻ trước đó, ông Sỹ đề nghị cần quan tâm đến khâu tổ chức thực thi, cải cách TTHC, đặc biệt là chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức trong các mối quan hệ với DN. Theo ông, tất cả những vấn đề tham ô, tham nhũng đều ở cách xử lý, cách thức làm việc, phong cách, đạo đức công vụ… của người công chức đối với doanh nghiệp.

“Nhưng các doanh nghiệp cũng phải chuẩn mực đi, không có chuyện vi phạm pháp luật một chiều trong mối quan hệ này. Chúng ta (doanh nghiệp) làm việc tuân theo pháp luật thì những tiêu cực đó của đội ngũ cán bộ, công chức không có đất để tồn tại”- ông Đinh Dũng Sỹ nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới