Thủ tướng yêu cầu khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm

(PLO)- Văn phòng Chính phủ đánh giá trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cải cách hành chính (CCHC), xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược, được Đảng xác định từ Đại hội XIII và Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai. Chúng ta xác định đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Thời gian qua, công tác CCHC đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên cả sáu nội dung (công tác xây dựng pháp luật; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số).

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá chúng ta đã đạt được những bước tiến quan trọng, những kết quả tích cực, khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp…

Tuy nhiên, công tác CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều "điểm nghẽn", nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế. Điều này gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Một số bộ, ngành phản ứng chính sách còn chậm, một bộ phận cán bộ, công chức xử lý văn bản, công việc chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và doanh nghiệp, việc huy động các nguồn lực phát triển.

Phiên họp sẽ tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp và đề ra giải pháp khắc phục những điểm nghẽn, ách tắc trong tổ chức triển khai thực hiện.

Đồng thời, đánh giá khái quát kết quả cải cách hành chính nói chung và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thúc đẩy công tác này trong thời gian tới.

"Phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt; giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp kịp thời, không phiền hà, sách nhiễu, không ảnh hưởng tới huy động nguồn lực và nhất là khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm"- Thủ tướng nhấn mạnh.

"Trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao"

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, đến nay, các bộ ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.200 quy định kinh doanh. Thủ tướng cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10 bộ, cơ quan. Nhiều kênh tương tác, tiếp nhận khó khăn vướng mắc của người dân được thiết lập.

Giải quyết thủ tục hành chính gắn với số hóa hồ sơ đã được đẩy mạnh, đến nay đã có gần 26% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; gần 63% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa, tăng bốn lần so với tháng 9-2022.

“Thông qua việc số hóa trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đã giúp làm giàu, làm sạch, làm sống dữ liệu của các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hình thành các kho dữ liệu lớn phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công”- báo cáo nêu.

Các bộ ngành cũng tập trung rà soát, đơn giản hóa đối với 59 nhóm thủ tục hành chính ưu tiên trên 12 lĩnh vực theo chỉ đạo của Thủ tướng; chuẩn hóa các báo cáo từ giấy sang điện tử, phục vụ cho hành chính nhà nước, đảm bảo công khai minh bạch.

Tuy vậy, Văn phòng Chính phủ đánh giá các TTHC vẫn còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, đặc biệt liên quan tới đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…

Cạnh đó, việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính còn chậm, tỉ lệ sử dụng dịch vụ công còn thấp...

Văn phòng Chính phủ đánh giá nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, khi một số cơ quan, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu. “Trách nhiệm trong thực thi công vụ của một số bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa có ý thức thay đổi thói quen sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy”- báo cáo của Văn phòng Chính phủ nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm