Người thi hành công vụ gây thiệt hại thì ai bồi thường?

(PLO)- Thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP (nghị quyết) hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023.

Hình minh họa

Hình minh họa

Hướng dẫn về thiệt hại thực tế

Nghị quyết này quy định nhiều điểm mới. Tại Điều 3 nghị quyết đã hướng dẫn về thiệt hại thực tế (trước đây BLDS 2005, BLDS 2015 và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP không quy định).

Cụ thể, thiệt hại thực tế là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại thực tế được tính thành tiền tại thời điểm giải quyết bồi thường. Thiệt hại phát sinh sau thời điểm giải quyết bồi thường lần đầu được xác định tại thời điểm giải quyết bồi thường lần tiếp theo nếu có yêu cầu của người bị thiệt hại.

Nghị quyết đưa ra ví dụ: A gây thương tích cho B mà B phải điều trị dài ngày. Tại thời điểm tòa án giải quyết bồi thường thì tổng thiệt hại thực tế là X đồng, bao gồm: chi phí điều trị, mức thu nhập bị mất hoặc giảm sút; chi phí cho người chăm sóc, tổn thất tinh thần. Sau đó, B vẫn phải tiếp tục điều trị thì các chi phí phát sinh sau thời điểm tòa án giải quyết sẽ được giải quyết trong vụ án khác nếu có yêu cầu của người bị thiệt hại.

Cạnh đó, về các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo BLDS 2005 và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng yêu cầu người gây thiệt hại phải có lỗi cố ý hoặc vô ý. Như vậy, ngoài việc chứng minh người gây thiệt hại có hành vi trái pháp luật, người bị thiệt hại cần phải chứng minh người gây thiệt hại có lỗi.

Tuy nhiên, BLDS 2015 và hướng dẫn tại Điều 2 nghị quyết 02 đã quy định có lợi hơn cho người bị thiệt hại, đó là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ cần có 3 yếu tố. Thứ nhất, phải có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác. Thứ hai, phải có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần. Thứ ba, phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Bồi thường do người thi hành công vụ gây ra

Điều 10 nghị quyết đã hướng dẫn về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra theo Điều 598 BLDS. Theo đó, thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Trường hợp người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu bồi thường thì tòa án xem xét, thụ lý, giải quyết theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm