7h sáng, anh Dũng (36 tuổi, ở xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) chuyển tấm biển hiệu cắt tóc ra trước mái hiên nhà. Quay vào trong, anh cẩn thận lau chùi gương, sắp xếp tông đơ, bàn cạo, cùng chiếc kéo… cho ngay ngắn để chuẩn bị một ngày làm việc mới.
Thấy có khách ghé cửa hiệu, anh Dũng nghiêng người kéo ghế rồi ân cần mời khách ngồi. Nhoài người với cánh tay giả đeo lên vai, tay trái cầm chiếc tông đơ, anh Dũng bắt đầu cắt tóc. Chỉ chưa đầy 30 phút, mái tóc hợp mốt đã hoàn thành, ông khách ngắm nghía mái đầu mới tỏ vẻ hài lòng.
Gần 10 năm mưu sinh bằng nghề cắt tóc, Bùi Đình Dũng được dân làng gọi bằng cái tên thân mật “nghệ sĩ tóc” hay “giáo sư tóc”… Vừa đưa tay thoăn thoắt cắt tóc cho khách, Dũng vừa kể về cuộc đời với giọng buồn buồn. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở xã thuần nông Hoằng Hải, lên 3 tuổi, cha bỏ nhà đi biệt xứ để lại Dũng cho người mẹ nghèo.
Bị máy cán mất cánh tay phải, trở về quê, anh Dũng chuyển sang nghề cắt tóc nhờ “phát minh” ra cánh tay giả khá linh hoạt. Ảnh: Lê Hoàng. |
Mẹ Dũng không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con. Làm ruộng chẳng đủ ăn, nghèo đói đeo đẳng nên vừa hết lớp 7, Dũng quyết định nghỉ học đi làm kiếm tiền đỡ đần cho mẹ đau ốm triền miên. 15 tuổi, Dũng đã lang thang hết trong nam ngoài bắc làm đủ nghề từ phụ hồ, bán kem mút dạo hay làm công nhân nhà máy… Ai thuê gì thì làm việc đó, miễn sao nuôi sống bản thân là cậu trai quê nhận lời ngay.
Huyện Hoằng Hóa ngày ấy vốn có nhiều người làm nghề đóng gạch thuê nên sau ít năm phiêu bạt, Dũng đầu quân cho một tổ thợ trong làng. Nghề làm gạch vốn nặng nhọc, nhưng ngược lại không đòi hỏi lao động phải có tay nghề hay trình độ cao xa gì, miễn có sức khỏe và chịu khó. Cuộc đời Dũng tưởng như gắn bó mãi với nghề phu gạch cho đến một ngày đầu năm 2002, khi đang làm thuê cho một cơ sở ở Chương Mỹ, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), anh bị máy gạch cuốn đứt cánh tay phải.
Đã hơn 10 năm nhưng anh Dũng vẫn nhớ như in thời khắc đó. “Đang dùng tay cho máy ăn đất, sơ ý tôi để tà áo bám theo tảng đất, rồi chiếc máy cuốn luôn cánh tay vào bồn. Chưa kịp phản ứng thì lưỡi dao sắc lẹm chém đứt phăng cánh tay tôi trong nháy mắt”, Dũng nhớ lại và cho biết, khi tỉnh lại trong bệnh viện, cánh tay phải của anh đã bị cắt quá khủyu, chỉ còn lại 1/4.
“Những ngày nằm tại bệnh viện tôi hoang mang vô cùng. Nhiều đêm khóc thầm khi nghĩ về tương lai mù mịt. Hơn nửa tháng sau, ngày vết thương lành, tôi bắt xe về quê mà trong người không một xu dính túi. Hồi đó ông chủ chả ký hợp đồng nên không được đền bù gì, họ chịu chi trả tiền viện phí cho mình đã là tốt lắm rồi”, anh Dũng kể.
Trở về quê hương chỉ còn một cánh tay trái, việc đồng áng vốn không quen, nhưng Dũng không đầu hàng số phận. Anh quyết định thử sức với nghề cắt tóc. Sở dĩ chọn nghề này vì trước khi bị nạn, những ngày đi làm thuê anh vẫn thường cắt tóc giúp anh em trong tổ thợ, mọi người vẫn khen anh có “năng khiếu”.
“Quyết tâm là thế nhưng tôi phải đối mặt với nhiều thách thức. Bởi cắt tóc với người lành lặn đã khó, huống chi mình chỉ còn một tay. Gia đình, bạn bè cứ rủa mình là thằng khùng, thằng dở. Nhưng ý mình đã quyết nên không ai cản nổi”, Dũng kể. Ngay sau đó anh thuê người thiết kế cánh tay giả để lắp vào cánh tay cụt cho dễ hành nghề.
Nhưng khi anh đưa đến các thợ cơ khí hàn gò trong vùng thì không ai làm được cánh tay giả. Dũng lại đạp xe gần 20 km lên thị trấn Tào Xuyên (huyện Hoằng Hóa) tìm người hiện thực hóa ý tưởng. Sau một ngày thi công, chủ xưởng cơ khí đã làm xong cánh tay giả bằng tôn rất vừa vặn. Phần trên được thiết kế hình ống tròn sao cho ôm khít phần ống tay còn lại, phần dưới hơi cong và nhỏ dần, trên đầu các “ngón tay sắt” anh yêu cầu thợ hàn cố định nửa chiếc lược sắt.
Thấy Dũng trình bày hoàn cảnh, ông chủ hiệu cơ khí tên Cường thương tình tặng luôn không lấy tiền. Có cánh tay giả, Dũng vay nóng được hơn một triệu đồng rồi tất bật đi mua sắm đồ nghề. Ít ngày sau, quán cắt tóc của Dũng "Cụt” khai trương trong sự ngỡ ngàng của bà con hàng xóm.
Dũng kể, những ngày đầu do chưa thích nghi với “phần cơ thể mới”, cánh tay bị thương của anh cứ khòng khòng không tuân lệnh chủ. Nhiều lúc nó lại rỉ máu, lở loét khiến anh đau đớn vô cùng. Ngày đi cắt tóc, đêm về anh lại nhờ mẹ pha nước muối rửa tay cho đỡ nhiễm trùng rồi băng bó cẩn thận. Thấy con đau, người mẹ khuyên ngăn bỏ nghề nhưng anh quyết không bỏ.
Dũng hạnh phúc bên cậu con trai kháu khỉnh. Ảnh: Lê Hoàng. |
Những lúc vắng khách, Dũng lại tranh thủ tập luyện điều khiển cánh tay cho thật thành thục để tránh “sự cố” với khách hàng. “Ban đầu tôi chỉ cắt cho anh em bạn bè, sau đó đến những người làng xóm. Ai thân quen thì mới dám đến cửa hàng còn khách lạ thì tuyệt nhiên không vì họ sợ giao thủ cấp cho tôi", Dũng kể và cho hay mấy năm liền, mỗi tháng anh chỉ kiếm được mấy chục nghìn đồng, không đủ tiền sinh hoạt cho hai mẹ con sống qua ngày.
Dần dần tiếng lành đồn xa, dân làng thông cảm cho hoàn cảnh của Dũng, quán ngày một đông khách. Người trong làng ngoài xã, nghe tin có quán cắt tóc của Dũng "Cụt” ai cũng muốn đến để được một lần mắt thấy anh trổ tài. Cuộc sống của Dũng dần tạm ổn.
Anh Lê Trọng Thủy, một người hàng xóm và là khách quen của quán chia sẻ: “Người làng chúng tôi đi xa thì chớ, cứ ở nhà mà đi cắt tóc là đều ghé quán chú Dũng. Gần 10 năm nay tôi chỉ cắt tóc mỗi quán này. Tuy bị mất một tay nhưng chú Dũng cắt tóc rất đẹp và phù hợp với mọi kiểu đầu. Anh em đến đây cắt tóc cũng hiểu và thông cảm, với tinh thần tạo điều kiện Dũng có thêm thu nhập nuôi gia đình”.
Anh Dũng cho biết thêm, ngày thường chỉ có 3-5 khách tới quán cắt tóc, đông nhất là thời điểm giáp Tết. Mỗi ngày có đến vài chục khách tới cắt tóc, có hôm anh phải làm cật lực từ sáng tới khuya mới được nghỉ. “Cắt tóc không chỉ giúp tôi mưu sinh mà còn là niềm vui giúp tôi vươn lên, bởi khi khách đến, mình được nói chuyện, chia sẻ buồn vui trong cuộc đời”, anh Dũng tâm sự.
Cuối năm 2011 khi đã bước sang tuổi 35, mối tình duyên muộn màng mới đến với Dũng. Sau đám cưới với chị Lê Thị Quyên ở Lang Chánh (Thanh Hóa), hai vợ chồng sinh sống trong căn nhà nhỏ ở ven con đường làng. Niềm vui nhân đôi khi chị Quyên sinh cho anh cháu trai kháu khỉnh, khỏe mạnh. Họ đặt tên con trai là Bùi Thiện Hoàn với mong muốn sau này bé sẽ trở thành người hoàn thiện và có ích cho xã hội. Hàng ngày, ngoài việc cắt tóc, anh Dũng còn giúp vợ nấu cơm, giặt quần áo, bế con.
Dù rất nỗ lực vượt lên số phận nhưng trên khuôn mặt người thợ cắt tóc vẫn hằn rõ những lo lắng: “Từ ngày có gia đình, có con, mình thấy cuộc sống thêm ý nghĩa nhưng nhà thêm miệng ăn mà vợ chẳng có nghề phụ nên cuộc sống rất khó khăn. Nghề cắt tóc giờ cũng khó, phần vì mình tuổi cao, phần vì xã có nhiều quán cắt của thanh niên mới mở, họ có vốn nên đồ nghề, các loại mốt cũng khá hơn mình. Có bận cả tuần chẳng có khách nào nên tôi tính chuyện đổi nghề khác cho bền hơn”.
Anh Dũng cho biết đã tìm hiểu kỹ sách báo và nhắm đến nghề nuôi ong lấy mật hoặc nuôi chim bồ câu, bởi nó phù hợp với sức vóc của bản thân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của anh là không có vốn để đầu tư.
Nói về hoàn cảnh của anh Bùi Đình Dũng, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hoằng Hải cho biết, gia đình anh Dũng là một trong những hộ nghèo nhất xã. Bị mất một tay trong lúc đi làm ăn xa quê từ hồi còn trẻ, trở về địa phương, Dũng làm nghề cắt tóc mưu sinh qua ngày. Ở quê, anh được bà con và thanh niên trong làng rất quý mến.
“Hiện hai vợ chồng và con trai nhỏ sinh sống trong căn nhà hơn gian vừa làm quán, vừa làm nơi sinh hoạt cũng rất chật vật. Kinh tế địa phương còn khó khăn nên cũng chưa hỗ trợ được nhiều mà chỉ giúp anh hưởng chế độ chính sách người nghèo theo quy định của nhà nước thôi”, ông Tuấn cho hay.
Theo Lê Hoàng (VNE)