Thông tin tại hội thảo cho hay tại Việt Nam, kinh tế chia sẻ tuy xuất hiện muộn hơn nhưng đã phát triển khá mạnh mẽ. Đặc biệt, dựa trên văn hóa chia sẻ vốn có của người Việt, các sản phẩm của kinh tế chia sẻ như Uber, Grab… đã được phát triển nhanh chóng.
Tận dụng được các lợi ích mà kinh tế chia sẻ mang lại sẽ góp phần thúc đẩy sử dụng các tiến bộ công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng hoạt động kinh tế chia sẻ vận hành theo phương thức kinh doanh mới, đang tái cấu trúc nhiều ngành nghề kinh tế, nhất là khu vực dịch vụ với nhiều ưu điểm như tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, linh hoạt cao, tạo nhiều cơ hội hơn cho người sử dụng, tính minh bạch cao, tăng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ cũng đặt ra nhiều thách thức, trước hết đối với quản lý nhà nước.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cũng lưu ý kinh tế chia sẻ có thể làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua và người bán, cũng như nảy sinh các vấn đề giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, vấn đề thu thuế phát sinh từ hoạt động dịch vụ, vấn đề đo lường và tích hợp trong tài khoản kinh tế quốc gia...
Do đó, ông Thắng cho rằng việc xây dựng các chính sách mới hoặc điều chỉnh các chính sách hiện hành để đạt mục tiêu phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực là hết sức cần thiết.
TS Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lưu ý: Bản chất của kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới, tận dụng lợi thế của công nghệ số, qua đó tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.
Ghi nhận những tác động tích cực của kinh tế chia sẻ, tuy nhiên TS Nguyễn Thị Tuệ Anh cũng cho rằng cần tuân theo nguyên tắc chung: linh hoạt, lấy lợi ích xã hội là thước đo. Nhà nước cần tạo nhiều cơ hội và giảm rủi ro cho các bên tham gia, cần hợp tác với các công ty nền tảng.
Bên cạnh đó, cần bảo vệ người tiêu dùng, an toàn thông tin, đảm bảo thỏa thuận hợp động được thực thi. Tránh gây bất lợi làm hạn chế gia nhập và hạn chế đổi mới: Dễ dàng gia nhập hay rút khỏi thị trường; đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.