Có khoảng 50 tài xế đã làm đơn gửi Bộ GTVT với nội dung cho rằng Grab đã có những vi phạm trong hợp tác với tài xế.
Bức xúc vì đóng thuế bất bình đẳng
Theo các tài xế, hãng Grab đã có những hành vi áp đặt, đối xử bất bình đẳng và hoài nghi việc Grab có tuân thủ đúng các quy định về pháp luật Việt Nam. Trong đó, những người tham gia Grab trước tháng 10-2018 sẽ có mức chiết khấu là 20%, sau thời điểm này thì mức chiết khấu sẽ tăng lên là 25% và 28%.
Anh Nông Văn Đại, tài xế Grab ở TP.HCM, bức xúc: “Nếu đã là một tài xế, một thành viên của đơn vị thì chúng tôi phải có quyền lợi và nghĩa vụ giống nhau. Việc Grab đưa ra mức chiết khấu như vậy là không hợp lý và phải có một hội nghị đối thoại trực tiếp với các tài xế Grab”.
Nhiều tài xế Grab phản ứng và đã gửi đơn lên Bộ GTVT.
Các tài xế cho biết, khi Grab mới gia nhập vào thị trường Việt Nam thì đã đưa ra hàng loạt lời mời gọi với chính sách hấp dẫn như thu nhập 35 triệu đồng/tháng. Những lời mời chào đầy hứa hẹn này đã khiến không ít người đi vay ngân hàng để đầu tư vào Grab.
“Với mức chiết khấu 28% thì chúng tôi không có nguồn thu nhập để trả ngân hàng. Không chỉ riêng mình tôi mà hàng loạt các tài xế khác cũng đang lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười, tiến thoái lưỡng nan. Hiện không thể bỏ Grab vì đang phụ thuộc vào hãng này, nếu bỏ sẽ thành thất nghiệp lại thêm gánh nặng nợ nần. Cái chúng tôi cần là hai bên ngồi lại để đưa ra một thỏa thuận hợp lý cho cả hai” - anh Nguyễn Thanh Giang, một tài xế, bức xúc nói.
Thực hư chuyện đóng thuế?
Trong đơn gửi Bộ GTVT có một nội dung liên quan đến việc đóng thuế, các tài xế cho biết thực tế Grab chưa đưa ra một trao đổi cụ thể nào về việc đóng thuế thu nhập cá nhân mà tự ý trừ 3,6% cước phí từ ngày 1-1 của toàn bộ chuyến đi với lý do để đóng thuế.
Trong đơn thư có nội dung: “Grab không có bất kỳ trao đổi cụ thể nào về vấn đề đóng thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, phổ biến rõ cách thức đóng, thời điểm đóng, áp dụng giảm trừ gia cảnh… nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi mà chỉ đưa ra một mức đóng bắt buộc, buộc tài xế phải tuân theo mà không giải thích, không phổ biến cũng như không cần biết tài xế có phản ứng gì hay không”.
Theo các tài xế, họ cũng chính là một đối tác của Grab và cần phải được giải thích về các khoản chiết khấu đang áp dụng.
Ngoài ra, tài xế cho biết Grab khẳng định việc thu hộ và nộp thuế chỉ áp dụng đối với các tài xế có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên nhưng hiện nay đang áp dụng mức này với tất cả xe.
“Chúng tôi rất bất ngờ về việc Grab thay đổi chính sách mà không có sự thông báo hay thỏa thuận cụ thể nào. Nhiều lần đối tác tài xế đến trực tiếp văn phòng, đặt lịch làm việc và đề nghị tổ chức buổi đối thoại nhưng không được phản hồi" - các tài xế cho biết.
Đối với đề án thí điểm xe hợp đồng mà Grab đang triển khai theo Quyết định 24 cũng bị tài xế tố vi phạm. Theo đó, Grab không có chức năng kinh doanh dịch vụ vận tải lại tự ý đưa ra và thực hiện các mức chiết khấu theo kết quả hoạt động của các tài xế, trích cước phí với lý do để đóng thuế thu nhập cá nhân cho tài xế , thưởng phạt tài xế, tắt app với các tài xế được cho là vi phạm quy định hoạt động… đây là việc làm không đúng quy định.
Từ đó, các tài xế đã gửi đơn lên Bộ GTVT để làm rõ, yêu cầu Grab tuân thủ quy định pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho các tài xế.