Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, người bị Ban cán sự đảng bộ này kiểm điểm, đề nghị kỷ luật với lý do cung cấp tài liệu mật cho báo chí, thừa nhận ông có chuyển một tài liệu cho nhà báo Vương Hà. Đó là Công văn 766 của Tỉnh ủy Hậu Giang, phát hành ngày 17-10-2013, gửi Bộ Công Thương và Ban Tổ chức Trung ương xin Trịnh Xuân Thanh, lúc đó là phó chánh văn phòng Bộ Công Thương, về để bố trí làm phó chủ tịch tỉnh.
Để làm rõ vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã tìm gặp nhà báo Vương Hà. Ông Hà cho biết:
+ Trước đây tôi là PV điều tra báo Lao Động, hay nhận được hồ sơ khiếu nại từ các nguồn khác nhau. Vụ Trịnh Xuân Thanh, khoảng tháng 6-2016, sau khi báo chí đưa tin nhiều thì tôi nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, nói muốn cung cấp hồ sơ. Và tôi nhận được một số tài liệu liên quan đến việc thăng chức của Thanh, trong số này có Công văn 766.
Tôi liên hệ lại theo số máy đó mà không được nên tìm cách thẩm định thông tin. Tôi đã liên hệ một số vị có trách nhiệm ở Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và lãnh đạo Bộ Nội vụ, trong đó có ông Trần Anh Tuấn.
. Phóng viên: Tại sao lại là ông Tuấn? Ông có liên hệ những vị lãnh đạo khác ở Bộ Nội vụ không?
+ ông Vương Hà: Vụ việc Trịnh Xuân Thanh rất phức tạp, liên quan nhiều ngành, nhiều cơ quan, trong đó có Bộ Nội vụ. Tôi gọi điện thoại, nhắn tin cho bộ trưởng Bộ Nội vụ nhưng không có hồi đáp. Tôi cũng điện thoại cho Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng thì được yêu cầu liên hệ qua chánh văn phòng. Tôi gửi câu hỏi qua chánh văn phòng nhưng rồi cũng rơi vào im lặng…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trong một lần trao đổi công khai với báo chí. Ảnh: C.Luận
Còn với ông Tuấn - Thứ trưởng, tôi gọi điện thoại hai lần đều kêu bận. Nhưng rồi tôi gọi, nhắn tin rát quá nên ông ấy có tiếp nhưng chỉ giới thiệu chung chung về quy trình, thủ tục trong công tác nhân sự ở tỉnh… rồi sau thì cho tôi một file ảnh Công văn 766 của Tỉnh ủy Hậu Giang.
. Như ông nói, Công văn 766 của Hậu Giang thì đã có trong số tài liệu mà nguồn ẩn danh cung cấp. Vậy Công văn 766 mà ông Tuấn đưa có giá trị gì? Hình thức văn bản ấy thế nào?
+ Cả hai công văn từ hai nguồn cung cấp này đều giống nhau: Không có dấu công văn đến, không đóng dấu mật và không gửi Bộ Nội vụ.
. Trên cơ sở các tài liệu này, ông đã viết mấy bài báo về vụ Trịnh Xuân Thanh? Bộ Nội vụ có phản ứng gì không?
+ Qua nhiều nguồn thông tin, tôi viết nhiều bài theo các nhóm vấn đề khác nhau. Riêng vấn đề trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc “gác cổng” bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, tôi có hai bài đăng trên một tờ báo mạng cuối tháng 7-2016. Bài viết đề cập trách nhiệm thẳng một số cá nhân ở Bộ Nội vụ, không thấy ai phản ứng.
Còn diễn tiến sự việc, đến cuối năm 2016, liên quan đến việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, ở Bộ Nội vụ có Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng bị kỷ luật khiển trách. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn có bị nhắc nhở vì một số thiếu sót nhưng không bị kỷ luật.
. Vì cung cấp Công văn 766 cho ông mà giờ ông Tuấn bị cáo buộc cung cấp tài liệu mật. Là người liên quan, ông thấy thế nào?
+ Điều đó là hoàn toàn vô lý, bởi tài liệu này không đóng dấu mật. Khoảng tháng 4-2017, khi làm việc với cơ quan công an, tôi đã nói rõ việc này.
. Ông có sợ những thông tin mình cung cấp sẽ được dùng để chống lại ông Tuấn?
+ Tôi không bao giờ nghĩ như vậy. Tôi cho rằng việc truy xét trách nhiệm ông Tuấn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí là có lý do cần làm rõ. Bởi vụ Trịnh Xuân Thanh là do chính báo chí phát hiện và được Tổng Bí thư chỉ đạo kiên quyết, cũng như nhiều cơ quan báo chí vào cuộc. Cán bộ cơ quan nhà nước, nhất là nơi có liên quan như Bộ Nội vụ phải ủng hộ chứ.
Giờ lại có tin cuộc họp của Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ về kỷ luật ông Tuấn lại bị lọt, phát tán trên Facebook. Đây mới là thông tin mật, vì chưa có quyết định cuối cùng, chưa được công bố. Vậy ai lộ, động cơ thế nào mới là điều cần làm rõ.