Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa lập đoàn kiểm tra, xác minh việc ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, bị cáo buộc lộ thông tin mật cho báo chí trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đã bị Bộ Nội vụ tiến hành kiểm điểm về hành vi “cung cấp tài liệu cho báo chí thuộc danh mục tài liệu mật”. Văn bản được cho là mật này là Công văn 766 ngày 17-10-2013 của Tỉnh ủy Hậu Giang gửi Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Công Thương xin Trịnh Xuân Thanh về làm cán bộ tỉnh này.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết các việc liên quan đến mình thì cơ quan kiểm tra của Đảng đang làm. “Là người trong tổ chức, lúc này tôi không thể nói gì với bên ngoài. Nhưng tôi khẳng định Công văn 766 không phải là tài liệu mật và theo quy định cũng không thuộc hồ sơ bổ nhiệm. Tôi chỉ mong mọi việc được kiểm tra rõ ràng, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước” - ông Tuấn nói.
Sự việc này liên quan tới chuyện Bộ Nội vụ để thất lạc hồ sơ gốc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh. Đây là bộ hồ sơ có đóng dấu công văn đến của Bộ Nội vụ mà trong đó có những văn bản trao đổi nội bộ trong chính cơ quan Bộ Nội vụ về việc trình Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu cử Trịnh Xuân Thanh làm phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Vấn đề này cũng đã được PV Pháp Luật TP.HCM và TTXVN đặt ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối 30-8. “Kết quả kiểm tra, xử lý việc để thất lạc hồ sơ gốc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh đến nay như thế nào? Ngoài ra, việc xử lý Thứ trưởng Trần Anh Tuấn được cho là làm lộ thông tin mật cho báo chí đến nay đã kiểm tra như thế nào?”
Trả lời, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Vụ việc Trịnh Xuân Thanh đến thời điểm này diễn ra đã gần một năm. Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có những kết luận về vấn đề này. Trong quá trình xử lý, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nêu nội dung liên quan đến mất hồ sơ. Việc quản lý hồ sơ thực hiện theo quy định của Luật Công chức, khi có kết luận của Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền, chúng tôi sẽ thông báo chính thức.
Cũng theo ông Thăng, việc cung cấp thông tin cho báo chí được thực hiện theo Luật Báo chí, Quyết định 18 của Thủ tướng và đặc biệt là Thông tư 36 của Bộ Công an. Việc cung cấp thông tin như thế nào, ai là người cung cấp thì dựa theo Nghị định 09/2017, Quyết định 25 của Thủ tướng năm 2013 đã quy định người nào có thẩm quyền phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Ngoài quy định như vậy, người nào không có thẩm quyền mà cung cấp thì theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền và Bộ Công an sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.
“Hiện nay chưa có kết luận cụ thể là cá nhân nào nên chúng tôi chưa thể nói là cá nhân nào làm việc này mà phải theo kết luận của cơ quan nhà nước” - ông Thăng cho biết.
Ông Thăng cũng nhấn mạnh: “Tôi chỉ có thể khẳng định vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh về hồ sơ, bảo mật thông tin và những khuyết điểm có kết luận và chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền. Đến thời điểm này, việc mất hồ sơ phải được xử lý theo quy định của pháp luật để làm rõ ai làm mất, ai làm thất thoát, ai làm thất lạc, ai thực hiện theo cơ chế phát ngôn và cung cấp phục vụ báo chí”...