Người Trung Quốc thao túng miền Bắc Lào

Báo Libération (Pháp) ngày 19-10 đã đăng bài viết của đặc phái viên Arnaud Dubus phản ánh tình trạng người Trung Quốc đổ xô đầu tư vào sòng bạc, khách sạn, nông nghiệp ở miền Bắc Lào.

Rặt người nói tiếng Trung

Tại đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở huyện Ton Pheung (tỉnh Bokeo), người ta chỉ nghe một thứ tiếng nói là tiếng Trung Quốc. Tất cả đồng hồ đều chỉnh theo giờ Bắc Kinh. Nhân dân tệ là đồng tiền sử dụng phổ biến. Xe ô tô mang biển số riêng của sòng bạc Kings Romans.

Đây là ví dụ tiêu biểu nhất cho một hiện tượng xảy ra 10 năm nay mà hiếm khi được phân tích tổng thể. Đó là hiện tượng người Trung Quốc xâm nhập ngoạn mục vào miền Bắc nước Lào.

Họ đã đầu tư vào các dự án lớn như tổ hợp khách sạn năm sao Vân Nam Luang Prabang đang xây dựng gần cố đô Luang Prabang hay bảy đập thủy điện trên sông Nam Ou.

Chu Lưu - người Trung Quốc cùng mẹ đến tỉnh Oudomxay một năm về trước, sau đó mượn tên người Lào để mua đất trồng đậu, bắp, su, hành và nuôi heo, thỏ, vịt đem ra chợ địa phương bán.

Chủ đất Ming Khuan người Lào cho biết ông cho người Trung Quốc thuê đất trong tám năm vì họ trả giá cao hơn người Lào.

 
Nhân công Lào phun thuốc trừ sâu trong đồn điền chuối của người Trung Quốc ở tỉnh Bokeo. Ảnh: GUILLAUME PAYEN

Tại một số huyện của tỉnh Bokeo, rất nhiều nông dân Lào cho người Trung Quốc thuê đất dài hạn. Người Trung Quốc đã lập đồn điền trồng chuối trên diện tích rộng nhiều ngàn hecta.

tại chợ Dara ở cố đô Luang Prabang, những người Lào bán rau cải, trái cây đành phải nhường chỗ cho các tư thương Trung Quốc bán điện thoại di động, giày dép, túi xách sau khi chủ sửa chợ rồi tăng giá cho thuê.

Gây hại cho cộng đồng

Trung Quốc tác động đến kinh tế Lào không phải là chuyện mới.

Lào là xứ không có biển, tài nguyên thiên nhiên phong phú, mật độ dân số tương đối thấp nên từ lâu đã trở thành điểm di dân của người Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tượng xâm nhập kinh tế Lào chỉ mới phát triển mạnh trong vài năm nay.

Vấn đề đặt ra như đối với các đồn điền trồng chuối của người Trung Quốc ở tỉnh Bokeo là hoạt động đầu tư đã gây thiệt hại cho sức khỏe và môi trường bởi đồn điền sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu.

Các bác sĩ tại bệnh viện cho biết hầu hết bệnh nhân là nhân công đồn điền trồng chuối và con cái của họ. Các bệnh nhân bị thổ huyết, sốt, tiêu chảy. Phổi của họ đều bị hủy hoại.

Cuối tháng 9, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào đã cảnh cáo bốn doanh nghiệp Trung Quốc về sử dụng quá mức thuốc trừ sâu, đồng thời chỉ đạo kiểm tra ở nhiều tỉnh. Sau đó, Bộ đã cấm mở đồn điền trồng chuối mới.

Năm 2012, một ngôi làng hàng trăm hộ phải di dời. Người Trung Quốc muốn xây sòng bạc Kings Romans nên xây nhà đưa dân di dời đến làng mới.

Bà Vanika Vannarath bộc bạch: “Ban đầu nhà cửa trông đẹp lắm nhưng một, hai năm sau thì trần, mái bắt đầu sụp. Không ai muốn ở đây nhưng chúng tôi không còn chọn lựa nào khác”.

Tại huyện Pha Oudom, Công ty Lưới điện phương Nam Trung Quốc (CSG) hợp tác với Lào xây đập thủy điện. Lưu lượng sông Nam Tha giảm 30%. Từ đây đến cuối tháng 10 sẽ có khoảng 10.000 dân phải di dời.

Mặt trái của đồng tiền đầu tư

Người Trung Quốc mang tiền đầu tư vào kinh tế Lào. mặt trái của vấn đề dần bộc lộ.

Ví dụ tại đặc khu Tam giác vàng, sòng bạc Boten đã được chuyển nhượng cho một doanh nghiệp Trung Quốc trong thời hạn 99 năm. Tháng 3-2012, sòng bạc này phải đóng cửa do tội phạm hoành hành (giết người, mất tích vì nợ tiền).

Đầu năm nay sòng bạc mới mở cửa trở lại. Hiện nay 50% diện tích Boten đã trở thành thành phố ma.

Cách Boten vài cây số, Trung Quốc đang tiến hành dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc chạy qua Boten đến Vientiane rồi sang Thái Lan. Một số người dân lại phải di dời lần thứ hai trong vòng 10 năm.

Người dân Lào mất kiên nhẫn khi chính phủ nhượng cho một doanh nghiệp Trung Quốc khai thác thác Kuang-Si gần Luang Prabang, một trong những cảnh thiên nhiên đẹp nhất nước Lào.

Hàng chục ngàn người phản đối trên Internet.

Trước dư luận phản đối, chính phủ Lào buộc phải ngừng dự án.

Theo điều tra của đặc phái viên Arnaud Dubus (báo Libération), dân Trung Quốc sang Lào làm ăn sẽ được chính phủ Trung Quốc trợ cấp tiền ly hương. Một chuyên gia về phát triển nông nghiệp Lào giấu tên cho biết: “Nếu người chồng (Trung Quốc) sang Lào sẽ được lãnh 100.000 USD. Nếu có vợ đi theo thì thêm 100.000 USD nữa. Con đi theo lại được thêm 100.000 USD. Tuy nhiên, họ chỉ được phép trở về nước sau một số năm. Nhiệm vụ của họ là phải trở thành doanh nhân thành đạt”.

______________________________________

5,1 tỉ USD là vốn đầu tư của Trung Quốc ở Lào. Từ đầu năm 2014, Trung Quốc đã trở thành nước đầu tư lớn nhất ở Lào, vượt qua Thái Lan và Việt Nam. Trong số vốn đầu tư này chưa tính đến đông đảo dân Trung Quốc sang Lào thuê đất dài hạn. Họ đang làm chủ các lĩnh vực khai thác mỏ, nông nghiệp và thủy điện ở Lào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm