GÓP Ý SỬA ĐỔI LUẬT TỔ CHỨC TAND

'Người yếu thế' là ai?

(PLO)- Tại hội nghị góp ý Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng cần quy định rõ "người yếu thế" để tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ là ai. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 14-9, TAND TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Tại hội nghị, một số ý kiến cũng cho rằng quy định tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế thu thập chứng cứ nhưng không quy định rõ “người yếu thế” là ai.

Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Ảnh: SONG MAI
Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Ảnh: SONG MAI

Phó chánh án TAND TP.HCM Nguyễn Thị Thuỳ Dung cho biết, luật hiện hành cũng thể hiện việc tòa án thu thập chứng cứ đối với những người yếu thế, thể hiện qua điểm a Khoản 1 Điều 91 BLTTDS, người tiêu dùng khởi kiện thì không có nghĩa vụ chứng minh lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hàng hóa… nghĩa vụ chứng minh thuộc về tổ chức cá nhân, tổ chức đó.

Điểm b Khoản 1 Điều 91 BLTTDS, đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho tòa án… Từ đó người yếu thế là người tiêu dùng, người lao động trong vụ án lao động.

Trong tố tụng hành chính, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi khởi kiện vụ án hành chính thì có trách nhiệm chứng minh, cung cấp chứng cứ cho yêu cầu khởi kiện của mình. Trong quan hệ hành chính, người khởi kiện hành chính cũng là người yếu thế. Bởi vì cơ quan hành chính là cơ quan đang lưu giữ những chứng cứ mà bản thân người dân thu thập để cung cấp cho toà.

Bà Dung cho rằng, cần quy định cụ thể “người yếu thế” sau đây toà án sẽ thu thập chứng cứ, hỗ trợ thu thập chứng cứ, gồm: người tiêu dùng khởi kiện, người lao động khởi kiện, đương sự trong vụ án hành chính…

“Cạnh đó, trong tố tụng hành chính cần thiết phải có quy định đương sự trong vụ án hành chính không cung cấp, giao nộp được cho tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang cơ quan hành chính lưu giữ thì cơ quan hành chính có nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho tòa để chứng minh quyết định của họ là đúng đắn”, bà Dung nói.

Theo ông Quách Hữu Thái - Phó Chánh án TAND TP.HCM, dự thảo có thể bổ sung điều khoản về giải thích từ ngữ như những luật khác, và trong giải thích từ ngữ có thể giải thích người yếu thế là những trường hợp nào. Người yếu thế là những người thuộc hộ nghèo hoặc mất năng lực hành vi dân sự...

Ông Thái ủng hộ việc bỏ luôn quy định tòa án thu thập chứng cứ, đây cũng là xu hướng chung trên thế giới. Hiện nay đang có tình trạng luật sư không thu thập chứng cứ mà chờ tòa án thu thập chứng cứ, đẩy việc thu thập chứng cứ cho tòa án.

Ông Quách Hữu Thái - Phó Chánh án TAND TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: SONG MAI

Ông Quách Hữu Thái - Phó Chánh án TAND TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: SONG MAI

Theo ông Thái, nếu bỏ quy định tòa án thu thập chứng cứ thì sẽ không có án dân sự tồn đọng. Còn nếu không được thì chỉ nên quy định một số trường hợp tòa án phải thu thập chứng cứ là các vụ án liên quan đến tài sản công, người yếu thế, tài sản công...

Tại hội nghị, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách - Đại biểu quốc hội TP.HCM cũng cho rằng cần làm rõ trường hợp nào tòa án sẽ thu thập chứng cứ, đối tượng yếu thế là trường hợp nào vì người yếu thế đã có hỗ trợ tư pháp. Cạnh đó, có những trường hợp tòa án thu thập mà ủy ban còn không cung cấp hoặc mất rất nhiều thời gian mới cung cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm