Ngưỡng điểm 15, đường vào đại học rộng mở

Chiều 28-7, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015 (Bộ GD&ĐT) đã họp và thống nhất đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH-CĐ (trước đây gọi là điểm sàn). Theo đó, Bộ GD&ĐT quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH năm 2015 là 15 điểm, CĐ là 12 điểm. Ngưỡng này áp dụng đối với tất cả tổ hợp xét tuyển gồm ba môn thi (không nhân hệ số môn chính).

Bộ GD&ĐT: Dồi dào nguồn tuyển

Kết thúc buổi họp kín, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi thông tin với báo chí. Ông Ga cho biết trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có hơn 726.000 thí sinh dự thi để xét tuyển vào ĐH-CĐ. Trong số này có hơn 531.000 thí sinh có ít nhất một tổ hợp có tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15 điểm. So với chỉ tiêu tuyển sinh ĐH là khoảng 350.000 thì số thí sinh này dôi dư gấp 1,52 lần.

Ngoài ra có khoảng 50.000 chỉ tiêu được các trường có đề án tự chủ tuyển sinh xét tuyển dựa trên kết quả học tập phổ thông. Các trường xét tuyển dựa vào kết quả học tập phổ thông vẫn phải đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dựa trên điểm trung bình ở bậc phổ thông (ĐH trên 6 điểm, CĐ tối thiểu 5,5 điểm). “Thống kê cho thấy những em đạt 6 điểm ở THPT hầu hết đều trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, vì vậy không lo ngại chất lượng tuyển sinh thông qua xét hồ sơ giảm sút” - ông Ga nói.

Trả lời câu hỏi chỉ có một ngưỡng cho tất cả khối thi nhưng môn ngoại ngữ có điểm rất thấp, liệu nguồn tuyển có thiếu, ông Ga cho biết khi xác định ngưỡng này hội đồng đã thống kê tất cả tổ hợp truyền thống và tổ hợp mới của các trường. Với môn tiếng Anh, đây là môn thi bắt buộc ở phổ thông, tất cả các em đều phải thi. “So với chỉ tiêu khối D, số thí sinh có tổng điểm trên 20 rất nhiều, không thấp so với mọi năm. Thật sự những em thi khối D đạt kết quả rất cao, trên ngưỡng 15 rất nhiều, chúng ta không đến nỗi quá lo lắng nguồn tuyển” - ông Ga trấn an.

Chiều 28-7, phiếu điểm thi THPT quốc gia 2015 đã được phát tận tay cho các thí sinh tự do tại cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Theo ông Ga, trong số các tổ hợp, dồi dào nhất là khối A, điểm bình quân lên đến 18. Tổ hợp có môn xã hội thì điểm thấp hơn - khoảng 14, 15 nên số nguồn tuyển có tổ hợp những môn xã hội thấp hơn những tổ hợp có môn tự nhiên.

“Chúng ta chọn một ngưỡng là điểm trung gian của các tổ hợp, ví dụ có tổ hợp điểm trung bình lên tới 18, có những tổ hợp 15, 14, cho nên chúng ta chọn tổ hợp phù hợp nhất. Nếu quá nhiều ngưỡng thì sẽ gây phức tạp và gây rối” - ông Ga lý giải.

Nhiều trường hy vọng tuyển đủ chỉ tiêu

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng, đại diện các trường ĐH-CĐ cho biết ngưỡng điểm 15 xét tuyển vào ĐH và ngưỡng điểm 12 xét tuyển vào CĐ là phù hợp với mặt bằng điểm thi của thí sinh năm nay. Ngoài ra, các trường còn có phương án tuyển sinh riêng, xét học bạ THPT nên không quá lo lắng thiếu hụt nguồn tuyển thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng trên thực tế có năm khối truyền thống (A, A1, B, C, D), các khối này đã ổn định lâu nay, đồng thời các khối này chiếm 75% chỉ tiêu tuyển sinh. Trong khi đó, các tổ hợp mới đã khống chế chỉ tiêu 20%-25% là không lớn. Ngoài ra, các trường còn kết hợp phương án tuyển sinh riêng là xét học bạ THPT nên không quá lo lắng thiếu hụt nguồn tuyển.

Ông Lý tin tưởng việc tuyển sinh năm nay đối với một số ngành, nhóm ngành của ĐH Nông Lâm TP.HCM sẽ tuyển đủ thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Các nguyện vọng bổ sung còn lại cũng không quá chật vật để đủ chỉ tiêu cho năm học mới.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn-Tuyển sinh và Truyền thông ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech), cho biết chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay khá lớn, 5.100 chỉ tiêu. Tuy nhiên, với ngưỡng điểm Bộ GD&ĐT vừa công bố cho tất cả khối truyền thống và tổ hợp mới sẽ không gây xáo trộn nhiều. Phương án tuyển sinh của trường là lấy điểm thi THPT quốc gia và xét học bạ THPT.

Ông Anh lý giải phổ điểm năm nay khá cao, dao động từ 17 đến 20 điểm nên với ngưỡng điểm 15 xét tuyển vào ĐH và 12 điểm xét vào CĐ có khoảng cách tương đối “an toàn”.

Đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM (Huflit) cho biết năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 2.500. Phương án tuyển sinh của trường là lấy kết quả điểm thi THPT, ngoài ra không có phương án tuyển sinh nào khác. Ngưỡng điểm Bộ GD&ĐT công bố 15 điểm xét tuyển vào ĐH năm nay cao hơn mặt bằng điểm của năm 2014 nhưng không gây bất ngờ đối với chỉ tiêu tuyển sinh của trường.

Nên nộp hồ sơ vào trường vừa tầm

Các em khi nộp hồ sơ thì phải tìm hiểu thông tin các trường, phải biết khả năng thu hút thí sinh của trường ở các năm trước. Các em không nên có điểm vừa phải mà nộp hồ sơ vào những trường điểm cao thì khả năng trúng tuyển thấp, lại phải rút hồ sơ nộp trường khác mất thời gian. Các em nên nộp vào trường vừa tầm, chính vì thế phải nghiên cứu thông tin để nộp vào không phải rút hồ sơ ra. Đặc biệt trong quá trình xét tuyển đợt 1, các em phải theo dõi thường xuyên thống kê của các trường bởi đây là thông số rất là quan trọng vì theo thống kê ấy các em mới biết mình đang ở vị trí nào, có khả năng trúng tuyển hay không.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Năm nay một số trường bị ảnh hưởng nguồn tuyển nếu ngưỡng điểm tối thiểu là 15, ảnh hưởng đấy chỉ là ở các trường ngoài công lập và các trường khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, những thí sinh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ thường được cộng ưu tiên 1-2 điểm nên thực điểm chỉ 13-14 thôi. Theo tôi, nguồn xét tuyển có ảnh hưởng nhưng không bị ảnh hưởng quá nhiều.

PGS-TS VŨ VĂN HÓA, Hiệu phó Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Ngưỡng mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra chỉ dành cho các trường tốp trung thôi, còn các trường tốp trên họ lấy trên ngưỡng rất nhiều. Năm nay cả nước có hơn 200 trường tuyển sinh theo đề án riêng đã được công bố, các trường này tuyển sinh dựa trên xét học bạ ba năm THPT là chính, còn điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là một phần thôi. Ngưỡng đảm bảo chất lượng Bộ GD&ĐT vừa đưa ra không có ảnh hưởng nhiều lắm.

PGS-TS NGUYỄN VĂN NHÃ,
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm