Nguy cơ bùng nổ chiến tranh tổng lực ở Idlib

Thời gian gần đây, vòng xoáy căng thẳng liên tiếp gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria về vấn đề tỉnh Idlib ở tây bắc Syria, thành trì lớn cuối cùng của các nhóm phiến quân và lực lượng nổi dậy.

Ít nhất 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng trong cuộc không kích do lực lượng chính phủ Syria tiến hành trong ngày 27-2. Tổng thống Tayyip Erdogan trước đó đã ra tối hậu thư cho quân đội Syria yêu cầu rút khỏi các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib trước ngày 1-3. Một phát ngôn viên của đảng Công lý và Phát triển (AK) khẳng định quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng “tiến thêm một bước” ngay khi thời hạn chót kết thúc, theo đài RT (Nga).

Nước cờ mạo hiểm của Ankara

Tuy nhiên, các lực lượng chính phủ Syria rõ ràng không hề có ý định rút quân. Quân đội trung thành với chính quyền Damascus vẫn tiếp tục giành lấy các thành phố và thị trấn ở phía nam tỉnh Idlib với mục tiêu giành lại tuyến cao tốc chiến lược nối TP Aleppo với cảng chính Latakia.

Căng thẳng hiện nay ở Idlib cũng đặt Nga, vừa là đồng minh của chính quyền Syria vừa là đối tác thân cận của Thổ Nhĩ Kỳ, vào một vị thế bất ổn và tiềm tàng khả năng gia tăng thách thức với các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo RT, Thổ Nhĩ Kỳ bề ngoài có vẻ như kiên quyết leo thang tới điểm “không thể quay đầu”. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng điều này không nhất thiết đồng nghĩa với việc Ankara muốn một cuộc chiến tổng lực.

Idlib là khu vực cực kỳ quan trọng đối với chính quyền Erdogan, nhà phân tích khu vực Trung Đông thuộc Ủy ban các vấn đề quốc tế của Nga Ruslan Mamedov cho biết. Tuy nhiên, trên thực địa, các lá bài dường như đều đang chống lại các lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

“Rõ ràng là chính phủ Syria sẽ khôi phục lại chủ quyền và giành lại quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ của quốc gia” - ông Mamedov chia sẻ với RT.

“Điều này đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào một tình huống khó khăn, bởi Tổng thống Erdogan không thể lùi bước và nhượng bộ vì các lý do chính trị trong nước” - Tổng biên tập tạp chí Russia in Global Affairs Fyodor Lukyanov lý giải. Ông Lukyanov nhận định tình thế hiện nay giống như con dao hai lưỡi mà Thổ Nhĩ Kỳ đã nắm cả hai đầu. Tuy nhiên, nhà phân tích này tin rằng mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là để khơi dậy một cuộc chiến, mà là để “khiêu khích” Moscow và giành được lợi thế trong các cuộc đàm phán.

Phe nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn di chuyển vào thị trấn chiến lược Saraqib hồi tuần trước sau khi đánh bật quân chính phủ Syria khỏi khu vực này. Ảnh: AFP

Rủi ro của kiểu chính sách này là khá cao. Các cuộc đụng độ đã dẫn đến thương vong cho cả phía Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Theo ông Mamedov, dù không có diễn biến nào dẫn đến các biện pháp quyết liệt nhưng tình hình tiếp tục leo thang có thể đặt Ankara vào bờ vực xung đột với Moscow.

“Có một rủi ro... có thể khiến Nga tham gia tích cực hơn vào cuộc xung đột và đó là rủi ro máy bay Nga bị bắn hạ. Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hệ thống phòng không tới vùng chiến” - chuyên gia Mamedov lưu ý.

Được biết vụ máy bay ném bom Su-24 của Nga bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ năm 2015 đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ giữa Moscow và Ankara, mặc dù hai nước đã tìm cách tránh leo thang quân sự và sau đó làm việc để cải thiện quan hệ.

18.000 người tị nạn Syria đã tràn qua phần còn lại của châu Âu sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới với Hy Lạp và Bulgaria ngày 29-2. Đây được cho là động thái trả đũa của Ankara sau nhiều lần cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) không giúp nước này giải quyết vấn đề quá tải người tị nạn. 

Luật chơi phải được tuân thủ

Dù tình hình có vẻ như rất căng thẳng, một điều cũng rất rõ ràng là cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đều đang cố tránh để mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát và trở thành một cuộc thảm sát lẫn nhau.

“Quân đội Syria đã không có bước đi cực đoan nào. Các điểm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nguyên vẹn, mặc dù nhiều trong số các điểm quan sát này đều đã bị bao vây bởi quân đội Syria. Các bên đang tìm cách tránh một cuộc xung đột khốc liệt” - nhà phân tích Ruslan Mamedov nhận xét.

Rủi ro về xung đột giữa đội quân lớn thứ hai NATO và một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng đóng vai trò như một sự răn đe trong tình huống này khiến hai bên phải cân nhắc kỹ lưỡng. “Sẽ dễ dàng hơn cho Ankara để đạt một thỏa thuận với Moscow hơn là thúc đẩy một sự leo thang xa hơn” - ông Mamedov nói.

Trong khi đó, Tổng biên tập Fyodor Lukyanov cũng tin rằng các bên sẽ nỗ lực thu hẹp nguy cơ về một sự đối đầu tiềm tàng. “Khi nói đến Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại phụ thuộc lẫn nhau ở một điểm, đó là Thổ Nhĩ Kỳ có thể không đạt được các mục tiêu của mình nếu không có Nga nhưng Nga cũng nhận thấy chính mình rơi vào một tình huống khó khăn khi vấp phải sự phản đối từ Ankara” - ông nói.

“Một thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là điều không thể không đạt được. Cuộc xung đột sẽ gần như bị đóng băng, sẽ có các đường liên lạc mới” - chuyên gia Fyodor Lukyanov dự đoán. Ông cũng bình luận thêm rằng Moscow có thể đồng ý về một kiểu vùng đệm dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, tương tự như vùng đệm đã được thiết lập ở đông bắc Syria trước đây do lực lượng người Kurd kiểm soát.

“Những gì đang diễn ra là một cuộc chiến đấu chiến lược bằng trí tuệ của các lãnh đạo chứ không phải là con đường dẫn tới đối đầu trực tiếp” - Tổng biên tập tạp chí Russia in Global Affairs Fyodor Lukyanov khẳng định.

NATO sẽ không can thiệp tình hình Syria

Theo đài RT, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 28-2 cho biết đã đề nghị Mỹ trợ giúp ở Idlib nhưng tới nay Ankara chưa nhận được sự trợ giúp nào trên thực tế. Dù vậy, điều này không khiến Ankara nản lòng và vẫn tiếp tục tìm cách lôi kéo các đồng minh NATO vào vòng xoáy ở Syria.

Các nhà phân tích tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ phải đơn thương độc mã trong vấn đề này. Quân đội Mỹ vốn coi Idlib là một thiên đường an toàn cho các nhóm khủng bố. Điều đó khiến sự can thiệp của Mỹ nhân danh Thổ Nhĩ Kỳ là điều rất khó xảy ra.

“Thậm chí trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu mở giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Mỹ cũng sẽ không có những lý do đủ sức nặng để can thiệp và NATO cũng vậy. Sau cùng, đó không phải là một cuộc tấn công trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ” - nhà phân tích Ruslan Mamedov nói.

Ông cũng tin rằng NATO gần như chắc chắn sẽ chỉ dừng lại ở việc bày tỏ đoàn kết với Ankara nhưng sẽ khó có thêm động thái xa hơn. Khối này sẽ phải đợi cho đến khi tình hình được giải quyết. Nếu NATO chỉ thể hiện rằng họ đứng về phía đồng minh của mình mà không tham gia vào cuộc xung đột có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với toàn bộ khối liên minh quân sự này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm