Sáng 19-10, TS Phùng Đức Nhật, Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM, đưa ra lời cảnh báo trên tại cuộc họp nhóm đối tác y tế tuyến tỉnh năm 2017 với chủ đề “Tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe tại Việt Nam và các giải pháp ứng phó”.
Trong khi đó, ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Sức khỏe môi trường cộng đồng thuộc Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết nước biển dâng cao sẽ ảnh hưởng đến dân cư ven biển, nông dân nghèo, ngư dân, người già, phụ nữ.
Biến đổi khí hậu càng nhiều thì trẻ em nhập viện càng tăng. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Trẻ em cũng là đối tượng bị ảnh hưởng khi nước biển dâng cao và luôn có nguy cơ mặc bệnh, kể cả đuối nước” - ông Cường nhận định.
Theo ông Cường, ngoài dâng cao nước biển, biến đổi khí hậu còn làm tăng nhiệt độ, tăng độ ẩm, tăng lượng mưa, kéo theo gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tật.
“Nhiệt độ tăng 1oC sẽ gia tăng từ 7% đến 11% nguy cơ mắc sốt xuất huyết, gia tăng 5,6% nguy cơ mắc tay-chân-miệng. Chưa hết, độ ẩm tăng 1% sẽ gia tăng 0,9% nguy cơ mắc sốt xuất huyết, gia tăng 1,7% nguy cơ mắc tay-chân-miệng. Bên cạnh đó, lượng mưa tăng 1 mm sẽ làm tăng 0,11% nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tăng 0,5% nguy cơ mắc tay-chân-miệng” - ông Cường nói.
“Không chỉ vậy, nhiệt độ tăng kéo theo gia tăng nguy cơ nhập viện ở người già và trẻ em. Nhiệt độ tăng 1oC sẽ gia tăng từ 3,4% đến 4,6% số trẻ em nhập viện. Ngày nào có sóng nhiệt thì tỉ lệ người già nhập viện do tim mạch tăng 13%” - ông Cường nói thêm.