Từ thuở sơ khai, trái đất được xem là nơi có nhiệt độ bề mặt “mát mẻ”, ổn định hơn so với các hành tinh khác trong hệ mặt trời. Tuy nhiên, trong hai thế kỷ qua, dường như con người đang thay đổi bầu khí quyển của trái đất theo hướng tiêu cực.
Những hệ lụy nghiêm trọng
Biến đổi khí hậu (BĐKH), chúng ta đã quá quen thuộc với cụm từ này khi nói về diễn biến của môi trường tự nhiên. Và có vẻ chúng ta khá thờ ơ với nó mà không biết rằng BĐKH ảnh hưởng đến chính sức khỏe của mình. Thứ nhất là sự gia tăng tỷ lệ tử vong, bệnh tật do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gây ra. Trong đó bao gồm lũ lụt, hạn hán, sóng thần, sóng nhiệt (hiện tượng thời tiết nóng bất thường kéo dài) và các thảm họa khác. Cơn sóng thần ở châu Á xảy ra năm 2004 đã tước đi mạng sống của hơn 280.000 người. Trong khi đó sóng nhiệt đã giết chết 15.000 người ở Pháp.
Thứ hai, những thảm họa trên còn gây ra hậu quả gián tiếp. Nhiệt độ cao ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là người cao tuổi và làm tăng khả năng tác động đến những người đang phải lao động ngoài trời. Chẳng hạn như những công nhân xây dựng, vệ sinh môi trường… Thời tiết nóng nực khiến họ nhanh chóng bị kiệt sức và có thể đột quỵ. Bệnh tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết… cũng tăng khi nhiệt độ và lượng mưa tăng lên.
Thứ ba, BĐKH không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người mà còn liên quan tới xã hội và sự phát triển kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng thay đổi về khí hậu đang làm tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng và sức khỏe tâm thần.
Suy dinh dưỡng ở trẻ
Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ suy dinh dưỡng có chiều hướng tăng vì mất mùa. Thời tiết diễn biến cực đoan, khắc nghiệt khiến cây trồng không thể phát triển. Hạn hán, lũ lụt ở khu vực Tây Phi làm người nông dân trở nên khó khăn hơn trong việc đảm bảo đủ lương thực để nuôi sống gia đình. Và khi lượng mưa quá nhiều, đất đai suy thoái sẽ khó trồng trọt hơn. Cũng vì vậy mà người dân nơi đây, nhất là những trẻ em không có đủ thức ăn, chúng phát triển trong cơ thể còi cọc.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ảnh hưởng của BĐKH đến sức khoẻ tâm thần là lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới nhưng không nên đánh giá thấp về tầm quan trọng của nó. Những người sống sót qua hạn hán, lũ lụt, bão nhiệt đới hay những sự việc tương tự, hậu quả thường là mất nhà cửa và người thân. Do đó, tâm lý có thể bị rối loạn, căng thẳng, trầm cảm hoặc các vấn đề về tâm thần khác. Ở các nước, nơi tác động của BĐKH là nghiêm trọng thì người dân thường ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Do đó các triệu chứng thường bị bỏ qua và không được điều trị, kiểm soát kịp thời.
Nhận thức và thay đổi
BĐKH đang diễn tiến hàng ngày, hàng giờ, song bằng cách nào đó chúng ta có thể làm chậm quá trình này.
Hãy làm cho ngôi nhà của bạn xanh hơn: Chúng ta phải thay đổi để giảm phát thải CO2, giảm chi phí thanh toán hóa đơn sử dụng điện, nước mỗi tháng. Bằng cách này, bạn có thể góp phần giảm nguy cơ tác động đến môi trường như tắt tất cả các thiết bị điện khi không sử dụng, chú ý nơi rò rỉ nước, thay vòi nước, van khóa khi cần, tận dụng năng lượng mặt trời… Bạn hãy thay đổi lối sống, thói quen hàng ngày của mình bằng cách sử dụng phương tiện công cộng, lập kế hoạch mua sắm hợp lý, dùng túi vải, túi tái chế thay thế cho túi nylon thông thường gây ô nhiễm môi trường; nếu có thể, hãy đi bộ, xe đạp…
Khi bạn đã hình thành thói quen tốt ở nhà, đừng quên áp dụng chúng ở công sở: tận dụng giấy thừa, đừng quên tắt các thiết bị điện khi kết thúc giờ làm việc, đi cầu thang bộ thay vì sử dụng thang máy… Đặc biệt, bạn nên tích cực tham gia các chương trình làm sạch văn phòng cũng như các phong trào bảo vệ môi trường tại nơi làm việc và địa phương mình.