Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (PLCTRSHTN) là một trong những chương trình trọng điểm của TP.HCM. Nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn, trong kế hoạch Triển khai PLCTRSHTN trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2020 do UBND TP.HCM ban hành đã đề ra lộ trình thực hiện cụ thể.
Cần kết nối đồng bộ
Theo kế hoạch năm 2017, TP.HCM tập trung công tác tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc PLCTRSHTN đến từng người dân trên địa bàn 24 quận huyện; tiếp tục nâng chất, đẩy mạnh triển khai chương trình cho các đối tượng trong phạm vi như sau: Một, đối tượng ngoài hộ dân là cơ quan, trường học, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí công cộng, khu công nghiệp, khu tiểu thủ công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao... Hai, đối tượng hộ dân quận 1, 3, 5, 6, 7, 12, Bình Thạnh tiếp tục duy trì, mở rộng phạm vi PLCTRSHTN ít nhất một phường xã. Việc lựa chọn đối tượng, phạm vi thực hiện cần đảm bảo kết nối đồng bộ trong khâu thu gom, vận chuyển chất thải rắn sau khi phân loại. Hạn chế việc chọn phạm vi, đối tượng triển khai không liên tục gây khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển hai loại chất thải sau phân loại.
Từ kết quả làm được trong năm 2017, lộ trình đến 2018, sau khi đúc kết kinh nghiệm, kết quả thực hiện, các quận, huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mở rộng đối tượng, phạm vi triển khai. Theo đó, tiếp tục mở rộng đối tượng ngoài hộ dân, đối với các quận kể trên triển khai chương trình ít nhất năm phường. Các quận huyện còn lại triển khai ít nhất ba phường xã. TP phấn đấu đạt tỷ lệ phân loại trên 50% đối tượng hộ dân và ngoài hộ dân tại các phường, xã đang triển khai thực hiện đúng PLCTRSHTN. Đến giai đoạn 2019-2020, UBND quận huyện tiếp tục nâng chất, đẩy mạnh đối tượng, phạm vi, đảm bảo đến năm 2020 hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại chất thải tại nguồn trên toàn bộ TP.
Gian hàng thu gom chất thải nguy hại tại một chương trình do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức. Ảnh: N.CHÂU
Đảm bảo vệ sinh môi trường
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết mỗi ngày TP thải ra 8.300 tấn chất thải sinh hoạt, 1.500 tấn chất thải rắn, 374 tấn chất thải nguy hại. Trong đó chất thải chủ yếu được đem đi chôn lấp, phần còn lại dùng tái chế, làm phân compost.
Nhiều năm trước, nếu như chôn lấp chất thải là giải pháp phù hợp thì ngày nay nó đã dần bộc lộ nhiều mối nguy hại. Điều đó là đúng bởi dân số ngày càng tăng, sự phát triển đô thị ngày càng nhanh và nhu cầu sử dụng đất đai cho mục đích khác phục vụ cuộc sống người dân trở nên cấp thiết hơn. Đó cũng là lý do từ nhiều năm nay TP thực hiện nhiều quyết định mang tính chiến lược như thực hiện nhiều đợt thí điểm PLCTRSHTN, tuyên truyền để người dân cùng chung tay thực hiện phân loại rác ngay tại nhà, tổ chức Ngày hội tái chế chất thải hàng năm... Mục tiêu cao nhất là nêu cao tinh thần của việc tái chế, tạo dựng thói quen phân loại rác thải tại nguồn, đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân từ việc chôn lấp gây ra.
Nói về rác sinh hoạt, trong số 8.300 tấn rác kia bao gồm rất nhiều thành phần rác khác nhau. Ngoài các loại rác hữu cơ từ rễ cây, rau củ quả, thức ăn hỏng... còn có cả các loại rác vô cơ như pin, ắc quy, bao nylon nói chung, chai lọ nhựa, hộp xốp, thủy tinh... Nếu không được đem đi phân loại và xử lý riêng, tất cả sẽ chôn chung dưới bãi chôn lấp. Chúng sẽ mất rất nhiều năm để có thể phân hủy hoàn toàn. Cùng với đó là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường trong suốt quá trình chôn lấp. Chẳng hạn như các bệnh ung thư theo nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra; khí metan, cacbon dioxit hình thành khi chất thải được phân hủy; ruồi nhặng, nước rỉ rác thấm vào mạch nước ngầm nếu không được xử lý kỹ... Nhận thấy nguy cơ tiềm tàng, TP khuyến khích người dân tích cực phân loại rác tại nguồn, cùng nhau hợp sức, hướng đến lợi ích chung.