Tình nguyện viên tham gia dọn sạch bãi rác tự phát (chương trình do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức). Ảnh: N.CHÂU
Theo thông tin từ Sở TN&MT TP.HCM, mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 7.500 tấn rác, dự kiến đến năm 2020 con số này sẽ nâng lên từ 10.000 đến 12.000 tấn/ngày.
Giảm chôn lấp chất thải
Chôn lấp chất thải là cụm từ khá phổ biến và quen thuộc. Nếu như nhiều năm trước, công nghệ này được xem là phù hợp thì hoàn cảnh cụ thể hiện nay bắt buộc chúng ta phải tìm giải pháp mới an toàn, lâu dài. Thay vì dùng quỹ đất khá lớn để chôn lấp rác, chúng ta có thể sử dụng nó cho mục đích khác nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng.
Chất thải được chôn lấp gây ra nhiều vấn đề như ô nhiễm đất, nước với nhiều loại độc tố; sự tích tụ từ rác điện tử; sự hình thành nước rỉ và thải khí nhà kính. Một số vật liệu nguy hiểm cũng có mặt trong các bãi chôn lấp như thủy ngân, arsenic, cadmium, chì và nhựa. Nếu hít phải thủy ngân, chất độc hại có thể gây hại cho thận, dẫn đến các vấn đề về hô hấp hoặc gây tử vong.
Chất thải điện tử cũng góp phần làm suy thoái môi trường. Loại chất thải này chứa các hóa chất như chì, cadmium có thể gây hại cho sức khỏe. Khi chất thải phân hủy trong bãi chôn lấp, trải qua thời gian sẽ hình thành nước rỉ rác, thẩm thấu vào đất làm ô nhiễm nguồn nước.
Một trong những vật dụng rất quen thuộc với chúng ta là túi nylon thông thường. Được làm bằng nhiều loại hóa chất khác nhau như xylene, ethylene oxide, loại túi này trở thành một trong những “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường và phải mất tới 20 năm để phân hủy hoàn toàn.
Bãi rác là nơi chứa tổng hợp các loại chất thải, nếu không được xử lý đúng cách thì đó là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải là một trong những giải pháp được đề xuất nhằm kiểm soát các vấn đề tiêu cực do việc chôn lấp gây ra.
Quy hoạch lại trạm trung chuyển
Nhiều năm nay, TP.HCM liên tục triển khai thí điểm công tác phân loại chất thải tại nguồn. Chương trình đạt được nhiều kết quả tích cực như thành lập Ban chỉ đạo chương trình cấp thành phố và cấp quận; có sự phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể quận, phường, ban vận động khu phố, lực lượng nòng cốt... trong việc nhắc nhở, kiểm tra đôn đốc các hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn...
Tuy nhiên, đến nay chương trình vẫn gặp khó khăn, vướng mắc nên chưa được triển khai đồng bộ. Do vậy, theo Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2020 do UBND TP.HCM ban hành, Sở TN&MT TP.HCM đã gửi văn bản yêu cầu đến UBND 24 quận, huyện về việc triển khai một số công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Cụ thể, UBND phường, xã sẽ tiến hành rà soát, thống kê, quản lý toàn bộ hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập để cuối năm 2017 hoàn thành chấn chỉnh hoạt động của lực lượng này. Dự kiến Sở sẽ đề xuất một số mẫu thiết kế để chuyển đổi phương tiện thu gom tại nguồn hiện nay không đạt yêu cầu. UBND quận, huyện sẽ nghiên cứu xây dựng kế hoạch, lộ trình để đổi mới phương tiện thu gom. Lộ trình, cự ly thu gom rác cũng cần được rà soát lại. Căn cứ vào lộ trình, cự ly thu gom, vận chuyển rác, các quận, huyện trình UBND TP để phê duyệt đơn giá xử lý rác.
Được biết, Sở TN&MT TP.HCM đã trình UBND TP quy hoạch vị trí mạng lưới trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025. Đồng thời Sở đã gửi văn bản đến quận, huyện để xác nhận tính khả thi của các trạm và bổ sung thêm vị trí nếu cần. Qua đó, các quận, huyện cần chủ động đề xuất điều chỉnh quy hoạch xây dựng, sử dụng đất trên địa bàn để đảm bảo quỹ đất đầu tư theo diện tích, quy mô, công suất phục vụ cho nhu cầu. Song song đó là đảm bảo Quy chuẩn hiện hành về trạm trung chuyển công trình quản lý chất thải rắn và nhà vệ sinh công cộng. Quỹ đất tối thiểu phục vụ cho vị trí quy hoạch trạm trung chuyển vùng (liên quận huyện) là từ 5.000 m2 đến 10.000 m2.