Trong thời gian qua, công tác phân loại CTRSH tại nguồn được lãnh đạo TP quan tâm, chỉ đạo triển khai các mô hình tại quận 1, 3, 5, 6, 12, Bình Thạnh...
Tăng cường tái chế, tái sử dụng rác
Chương trình bước đầu thực hiện đã đạt được một số kết quả nhất định như thành lập Ban chỉ đạo chương trình cấp TP và cấp quận; có sự phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể quận, phường, ban vận động khu phố, lực lượng nòng cốt... trong việc thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra đôn đốc các hộ dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; sự hỗ trợ nhiệt tình của các lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân phân loại CTRSH đúng quy định…
Tuy nhiên, chương trình vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do việc triển khai ở quy mô nhỏ, chưa đồng bộ với điều kiện hạ tầng chung. Chính quyền địa phương chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân; hệ thống thu gom tại nguồn còn nhiều bất cập. Do đó, UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2020. Đây được xem là đợt “tổng lực” nhằm thống nhất tổ chức và đồng bộ trong việc triển khai phân loại rác thải trên toàn TP.
Theo đó, đến năm 2020 TP.HCM phấn đấu hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn 24 quận, huyện. Theo yêu cầu của UBND TP, CTRSH phải được phân loại ngay từ nguồn nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và giảm chôn lấp CTRSH trên địa bàn TP. Mỗi cá nhân, tổ chức có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc phân loại CTRSH khi có phát sinh.
Trước mắt, việc phân loại CTRSH ưu tiên triển khai trong năm 2017 đối với các đơn vị hành chính - sự nghiệp, trường học, khu vui chơi giải trí như: Thảo Cầm viên Sài Gòn (quận 1), Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11), Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên (quận 9), khu vực công cộng, bến xe, trung tâm thương mại, siêu thị... Tại các khu vực công cộng sẽ bố trí thêm thùng rác để người dân tiện bỏ rác sinh hoạt phân loại theo quy định.
Thu gom riêng các loại chất thải
Đi kèm với lộ trình thực hiện, kế hoạch cũng đề cập đến nhiều đầu việc từ Ban chỉ đạo cấp TP, tổ giúp việc đến các cấp quận huyện. Trong đó nổi bật là xây dựng lực lượng tuyên truyền viên cấp quận, huyện, phường xã; củng cố lực lượng thu gom tại nguồn; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Đặc biệt là việc tổ chức thu gom, vận chuyển, tiếp nhận xử lý CTRSH.
CTRSH được phân loại thành ba loại, gồm chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (hay còn gọi phế liệu); chất thải còn lại theo danh mục nhóm chất thải do Sở TN&MT TP.HCM ban hành. Sở TN&MT TP.HCM đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật phân loại, thu gom, vận chuyển CTRSH sau khi phân loại danh mục nhóm chất thải để người dân và quận, huyện biết thực hiện.
Quận, huyện tổ chức thu gom hai loại là chất thải hữu cơ dễ phân hủy và chất thải còn lại. Tùy điều kiện của địa phương, các quận huyện sẽ lựa chọn phương án sao cho tiết kiệm, hiệu quả. Một, thu gom cùng lúc hai loại chất thải, thu gom hàng ngày; hai, thu gom chất thải hữu cơ hàng ngày, chất thải còn lại thu gom cách ngày; ba, chất thải hữu cơ thu gom năm ngày trong tuần, chất thải còn lại thu gom hai ngày trong tuần. Đối với chất thải là phế liệu người dân bán hoặc cho lực lượng thu gom tại nguồn.
Nhằm khuyến khích người dân để riêng chất thải nguy hại như pin, ắc quy, bóng đèn, nhiệt kế… và thải bỏ đúng quy định thì các phường, xã của quận, huyện bố trí ít nhất một điểm thu gom. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân, khuyến khích tại mỗi khu phố của phường, xã nên bố trí một điểm thu gom; thiết bị để lưu chứa chất thải nguy hại là thùng nhựa có dung tích 240 lít. Số lượng thùng bố trí tại điểm thu gom tùy thuộc vào khối lượng, thành phần chất thải nguy hại phát sinh tại địa phương và tuần suất thu gom trong năm.